Thứ Hai, 03/10/2016, 16:43 (GMT+7)
.

Cụm, tuyến dân cư vượt lũ: Lời giải nào cho "bài toán" dân sinh?

Đã hơn 10 năm triển khai xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, “bài toán” nơi ở an toàn cho người dân đã được giải quyết nhưng làm sao cho họ an tâm, gắn bó và ổn định cuộc sống ở nơi mới vẫn còn nan giải.

HẠ TẦNG THIẾU ĐỒNG BỘ, XUỐNG CẤP

Cũng như vài năm trở lại đây, ngay vào mùa lũ nhưng nước lũ vẫn chưa vượt qua các bờ ranh, mực nước trong các kinh chỉ cao hơn mọi khi một ít. Đến cụm dân cư (CDC) vượt lũ ở ấp Lợi Nhơn, Mỹ Lợi B (huyện Cái Bè), một trong những xã vùng sâu giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp, trước mắt chúng tôi là vùng đất rộng nhà cửa san sát nhau, trông yên ắng, có nơi cỏ mọc um tùm. Phía Nam CDC là nhà lồng chợ bỏ trống không đã nhiều năm.  

Cụm dân cư ấp Lợi Nhơn, xã Mỹ Lợi B vào một ngày cuối tháng 9 trông rất yên ắng.
Cụm dân cư ấp Lợi Nhơn, xã Mỹ Lợi B vào một ngày cuối tháng 9 trông rất yên ắng.

Ông Trần Nhựt Khoa, Chủ tịch UBND xã cho biết, CDC bố trí cho 309 nền, trong đó 213 nền dành hỗ trợ cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, 96 nền kinh doanh. Trong số các hộ khó khăn được bình xét vào CDC, đến nay còn 2 hộ chưa xây nhà, riêng các nền kinh doanh đã bán hết nhưng chưa xây dựng nhà nên cỏ mọc um tùm.

Cũng theo ông Khoa, CDC ấp Lợi Nhơn xây dựng đến nay đã qua nhiều năm nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp rất nhiều. “Vào mùa mưa, nước thường bị ứ đọng không thoát được, đường trải đá đỏ sau nhiều năm cũng bị rửa trôi rất nhiều” - ông Khoa cho biết.

Cái Bè là huyện xây dựng nhiều cụm, tuyến dân cư (TDC) nhất trong tỉnh với 5 CDC và 69 TDC. Theo báo cáo mới đây của UBND huyện, sau nhiều năm xây dựng, đến nay, đường nội bộ trải đá đỏ, hệ thống thoát nước ở các CDC (5 CDC đều thực hiện trong giai đoạn 1) đã bị xuống cấp dẫn đến nước tù đọng, gây lầy lội, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân vào mùa mưa. 

Không chỉ các CDC thực hiện trong giai đoạn 1, các CDC thực hiện trong giai đoạn 2 cũng đối mặt với một số vấn đề về cơ sở hạ tầng. UBND huyện Tân Phước cho biết, huyện có 2 CDC thực hiện trong giai đoạn 2.

Do hệ thống các công trình công cộng như giao thông, thoát nước, cấp nước… chưa được đầu tư đồng bộ nên công trình không phát huy hết khả năng tối ưu; một số hạng mục đã đầu tư khi đưa vào sử dụng lại không đạt so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân là do nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng CDC không có nên huyện tranh thủ xin vốn đầu tư từng giai đoạn, từng năm nên các công trình đầu tư chưa được đồng bộ và hoàn chỉnh.

CHI TIÊU TĂNG, KHÓ TÌM VIỆC HƠN

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ (gọi tắt là Chương trình cụm, tuyến dân cư vùng lũ) Đồng bằng sông Cửu Long là chương trình trọng điểm, chiến lược của Chính phủ nhằm đảm bảo cho người dân sống an toàn, ổn định phát triển kinh tế trong vùng thường xuyên ngập lũ. Qua thời gian thực hiện, các cụm, tuyến dân cư ở các huyện, thị phía Tây đã phát huy hiệu quả về yêu cầu đảm bảo chỗ ở ổn định, an toàn cho người vùng ngập lũ.

Tuy nhiên, yêu cầu phát triển kinh tế bền vững trong các cụm, tuyến dân cư vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là các CDC. Những trở ngại, khó khăn phải kể đến là thói quen sống rộng rãi gần ao, vườn bỗng dưng trở thành người “thành thị” với tập quán sinh hoạt thay đổi, diện tích sinh hoạt bị bó hẹp, nhiều người cảm thấy không quen.

Các hộ được xét vào CDC là những hộ nghèo, cận nghèo, chính sách với phần lớn không có đất sản xuất, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, việc chuyển vào ở trong CDC cách xa nơi sản xuất nông nghiệp làm cho họ khó tìm việc làm hơn, trong khi chi phí tiêu dùng và sinh hoạt gia đình tăng lên.

Bà Nguyễn Thị Lượm, người dân sống trong CDC ở xã Mỹ Lợi B, cho biết trước khi vào CDC, hộ bà ở ấp Mỹ Thạnh thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, hàng năm bị nước lũ gây ngập nhà. Từ khi vào ở trong CDC, nỗi lo nước lũ không còn nữa.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm sống trong nơi ở mới, bà Lượm lại cảm thấy cuộc sống có phần khó khăn hơn do tìm việc làm khó khăn hơn. “Con của tôi phải thường về nơi ở cũ để làm thuê, còn tôi mỗi ngày bán nước mía để phụ trang trải cho gia đình. Hơn 10 năm rồi, số tiền vay để xây nhà vẫn chưa trả được” - bà Lượm cho biết.

Theo Sở Xây dựng, giai đoạn 1, toàn tỉnh thực hiện 79 dự án cụm, tuyến dân cư (12 CDC); giai đoạn 2, tỉnh triển khai 46 cụm, tuyến dân cư (3 CDC) với tổng hộ dân sinh sống khoảng 60.000 hộ.

Cùng với chương trình cụm, tuyến dân cư vùng lũ, thời gian qua, các huyện, thị vùng ngập lũ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm (chủ yếu là nghề phi nông nghiệp) giúp người dân an cư, lạc nghiệp nơi ở mới.

Song, do chưa có sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong việc đào tạo nghề, tổ chức sản xuất nên thu nhập từ các ngành nghề phi nông nghiệp này rất thấp, không ổn định. Kết quả là đến nay, nhiều hộ vẫn không trả được các khoản nợ vay từ ngân hàng; một số hộ quay về nơi ở cũ.

Trước thực trạng trên, trong buổi làm việc với UBND tỉnh sau chuyến khảo sát cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, ông Lý Hoàng Chiêu, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) cho rằng, đời sống người dân CDC còn nhiều khó khăn do họ không tiếp cận được việc làm; có nơi môi trường, cơ sở hạ tầng không đảm bảo.

Ngoài ra, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân cụm, tuyến dân cư chưa được đáp ứng. Từ đó, ông đề nghị UBND tỉnh có giải pháp dạy nghề, hỗ trợ người dân tiếp cận việc làm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo môi trường ở các cụm, tuyến dân cư, nhất là CDC.      

N.VĂN

.
.
.