Thứ Hai, 17/10/2016, 20:37 (GMT+7)
.

Những "gam màu" sáng từ xuất khẩu lao động

Mặc dù Tiền Giang có số lượng người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) hàng năm không nhiều so với các địa phương khác trong cả nước nhưng lại là tỉnh thực hiện khá tốt công tác XKLĐ, mở ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

ĐI XKLĐ ĐỂ NÂNG CAO THU NHẬP

Anh Võ Diễn Chinh (ở ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo), một lao động đi XKLĐ ở Malaysia và đã trở về nước cho biết, vào cuối năm 2012, anh sang Malaysia làm việc trong ngành Xây dựng. Với mức lương cơ bản là 8 triệu đồng/tháng (tiền Việt Nam), cộng với tiền làm thêm giờ, bình quân mỗi tháng anh thu nhập gần 20 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi tiêu, hàng tháng anh Chinh tích lũy, gởi về cho gia đình từ 10 - 12 triệu đồng.

Lớp học tiếng Hàn của các lao động ứng tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc ở Trung tâm DVVL Tiền Giang.
Lớp học tiếng Hàn của các lao động ứng tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc ở Trung tâm DVVL Tiền Giang.

Sau 2 năm đi XKLĐ ở Malaysia, anh Chinh đã dành dụm được 200 triệu đồng. Đây là khoản tiền mà theo anh Chinh không phải dễ kiếm được khi làm việc tại quê nhà. Do đó, trong thời gian tới, anh Chinh sẽ tiếp tục tìm hiểu, đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Lần này, anh sẽ hướng đến thị trường Nhật Bản. Bởi anh Chinh xác định, muốn làm việc có thu nhập cao thì đi XKLĐ qua con đường chính thống là phương án tối ưu nhất.

Hay như trường hợp của anh Trần Phương Nam (ở xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo) đã xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc vào năm 2011. Sau 3 năm kết thúc hợp đồng lao động, anh Nam lại tiếp tục đăng ký gia hạn làm việc tại Hàn Quốc thêm 2 năm nữa, vì đây là thị trường lao động tương đối tốt, với mức thu nhập ổn định ở mức cao…

Theo thông tin từ người lao động đã từng tham gia đi XKLĐ, thu nhập bình quân lao động làm việc tại Hàn Quốc từ 25 - 30 triệu đồng/tháng; tại Nhật Bản từ 22 - 25 triệu đồng/tháng, tại Đài Loan từ 16 - 20 triệu đồng/tháng… Với thu nhập tương đối cao đã giúp nhiều hộ gia đình có lao động đi XK vươn lên thoát nghèo, xây cất nhà cửa khang trang. Bản thân người lao động khi về nước có nguồn vốn để kinh doanh và tìm được việc làm nhờ kiến thức ngoại ngữ, tay nghề và tác phong công nghiệp học tập từ nước ngoài.

Đặc biệt là nhiều lao động sau khi đi làm việc tại Nhật Bản về nước đã giảng dạy tiếng Nhật hoặc đi làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản, với thu nhập tương đối cao (từ 8 - 10 triệu đồng/tháng). Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Mến, một lao động của tỉnh Tiền Giang từng tham gia XKLĐ tại Nhật Bản, khi trở về nước chị đã được một trung tâm chuyên về XKLĐ tại TP. Hồ Chí Minh nhận vào làm công tác tư vấn và dạy tiếng Nhật hơn 2 năm qua, với mức thu nhập khá cao.

NỐI DÀI NHỮNG CHUYẾN ĐI XKLĐ

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) Tiền Giang, từ năm 2010 đến tháng 9-2016, Tiền Giang có 815 lao động đi XKLĐ tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan… Trong đó, Nhật Bản là thị trường lao động có nhiều lao động Tiền Giang đi XKLĐ nhất, với 579 lao động, kế đến là Hàn Quốc với 121 lao động, Đài Loan 57 lao động...

Riêng tình hình XKLĐ của tỉnh trong năm 2016 cũng đã có những tín hiệu lạc quan. Khi chỉ mới 9 tháng của năm 2016 nhưng Tiền Giang đã thực hiện vượt chỉ tiêu về XKLĐ của cả năm 2016, với 152 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 101% kế hoạch năm. Theo dự báo của Trung tâm DVVL Tiền Giang, cả năm 2016 Tiền Giang sẽ có 180 lao động đi XKLĐ. Đây là năm mà số lượng lao động của tỉnh đi XKLĐ nhiều nhất trong những năm qua.

Theo ông Lê Văn Tươi, Giám đốc Trung tâm DVVL Tiền Giang, thị trường lao động tiềm năng và sẽ được ưu tiên lựa chọn của lao động Tiền Giang khi đi XKLĐ vẫn là Nhật Bản. Bởi đây là thị trường lao động ổn định, nhu cầu tuyển dụng nhiều, đơn hàng liên tục. Hiện nhiều công ty XKLĐ đang triển khai thực hiện liên kết nhiều đơn hàng và điều kiện thuận lợi để người lao động lựa chọn; đồng thời Nhật Bản còn là thị trường lao động có việc làm thu nhập cao, lại được trang bị thêm kiến thức, tác phong công nghiệp, phát triển sự nghiệp sau này.

Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc với chi phí thấp. Tuy nhiên, so với thị trường Nhật Bản thì Hàn Quốc có số lượng tuyển dụng hạn chế, vì phải trải qua kỳ thi tiếng Hàn mới được đăng ký dự tuyển, mỗi năm chỉ có từ 1 - 2 kỳ thi. Hiện tại Trung tâm DVVL Tiền Giang đang có 66 lao động chuẩn bị tham gia kỳ thi tiếng Hàn vào tháng 10-2016 để ứng tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để tìm hiểu, đẩy mạnh tuyển chọn và đưa lao động đi XKLĐ tại các thị trường lao động tiềm năng khác như: Đài Loan, Malaysia...

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để đạt mục tiêu của tỉnh là kể từ năm 2014, hàng năm tỉnh sẽ phấn đấu đưa khoảng 150 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Ban Chỉ đạo XKLĐ tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, đặc biệt là kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã. Tạo điều kiện để người lao động thuộc đối tượng đi XKLĐ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động con em, gia đình có người lao động đã hết thời hạn lao động trở về nước đúng thời hạn nhằm xây dựng, giữ gìn hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng trong mắt bạn bè quốc tế.

HỮU NGHỊ

Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm vừa được Chính phủ ban hành ngày 9-7-2015 đã có những quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì sẽ được:

Hỗ trợ học phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi lại từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo. Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và trang bị đồ dùng cá nhân thiết yếu. Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành. Hỗ trợ rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành. Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.

Được vay vốn với mức vay tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ hay tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

.
.
.