Thứ Hai, 31/10/2016, 21:05 (GMT+7)
.

Về chính sách thương binh cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Huỳnh

Mẹ Nguyễn Thị Huỳnh sinh năm 1926, nguyên quán xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Mẹ có chồng (là Tỉnh ủy viên Gò Công) và con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (năm 2014). Theo lý lịch Đảng của mẹ: Từ năm 1948 - 1954, mẹ là Phó Thư ký Hội Phụ nữ Cứu quốc (Phó Chủ tịch Hội) xã Thanh Bình.

Sau năm 1954, do bối cảnh lịch sử, Hội không còn hoạt động. Đến năm 1960, Đồng Khởi nổi dậy, mẹ tiếp tục làm liên lạc hợp pháp cho Ban Cán sự (lúc đó chưa có Huyện ủy) của huyện Chợ Gạo. Nhiệm vụ chủ yếu của mẹ là truyền đạt yêu cầu, chỉ đạo, báo cáo của Huyện ủy tới cơ sở; từ cơ sở (chủ yếu là của xã Thanh Bình) về Huyện ủy. Mẹ Nguyễn Thị Huỳnh liên tục thực hiện những nhiệm vụ đó cho đến năm 1968. Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, đồng chí Nguyễn Văn Sơn (Năm Sơn), Bí thư Huyện ủy, cùng với đồng chí Võ Tấn Bài, cán bộ Văn phòng Huyện ủy đến trực tiếp phân công mẹ đi nắm tình hình tại mặt trận TP. Mỹ Tho, lần đó mẹ bị địch bắt, chúng tra tấn và giam cầm mẹ tại khám đường Mỹ Tho.

Sau hòa bình, năm 1988 ngành chức năng tiến hành làm thủ tục cho mẹ Nguyễn Thị Huỳnh được hưởng chế độ thương binh do bị địch bắt tù đày. Ngày 19-10-1990, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Tiền Giang kết luận:“Đồng chí Nguyễn Thị Huỳnh được xác định thương tật là 35%, xếp vào hạng IV/4… chuẩn thương tật 4 hạng ban hành tại NĐ 236/HĐBT ngày 18-9-1985”.Trên cơ sở đó, ngày 5-11-1990, Sở
LĐ-TB&XH Tiền Giang ra Quyết định 6628/QĐ trợ cấp thương tật và cấp sổ thương tật tỷ lệ 25% (?). Đến ngày 26-12-1991, Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang có Quyết định 191/QĐ hủy bỏ Quyết định 6628/QĐ ngày 5-11-1990 thu hồi chế độ thương binh đối với mẹ Nguyễn Thị Huỳnh, với lý do: “Bà không có tham gia gì công tác tại địa phương… Trường hợp bị bắt (là) đi chợ mua đồ ăn cho gia đình… Ngày 17-7-1991, Hội đồng xét duyệt tỉnh họp xét kết luận yêu cầu bà Huỳnh bổ sung thêm người tổ chức bà làm giao liên. Đến ngày 11-12-1991, bà Huỳnh không cung cấp được xác nhận của người tổ chức bà công tác giao liên nên Hội đồng xét duyệt kết luận bà Huỳnh lúc bị bắt là dân, không có trong tổ chức cách mạng…”. 

Thực tế sự việc diễn ra như sau: Sau khi Sở LĐ-TB&XH giới thiệu ra Hội đồng Giám định y khoa cho đến khi có Quyết định 6628 (ngày 5-11-1990) được hưởng chế độ thương binh, hơn 1 năm sau đó có Quyết định 191 (ngày 26-12-1991) thu hồi Quyết định 6628, mẹ Huỳnh không hề biết. Do không biết, nên đến năm 1993 mẹ Huỳnh vẫn tiếp tục yêu cầu đồng chí Võ Tấn Bài - người đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Sơn (Năm Sơn), nguyên Bí thư Huyện ủy (nay đã chết) trực tiếp phân công nhiệm vụ cho mẹ đi nắm tình hình ở mặt trận TP. Mỹ Tho trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 - xác nhận có phân công nhiệm vụ cho mẹ. Cũng vì không thấy cơ quan chức năng (ngành LĐ-TB&XH) yêu cầu gì thêm, nên mẹ vẫn giữ tờ giấy xác nhận của đồng chí Võ Tấn Bài cho đến nay.

Mãi cho đến khoảng tháng 6-2016, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị huyện Chợ Gạo cho biết, tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Gạo có hồ sơ về chế độ thương binh cho mẹ Nguyễn Thị Huỳnh, gia đình mới xin phô tô và có đơn xin cứu xét - giải quyết chế độ thương binh theo Quyết định 6628 ngày 5-11-1990. Kèm theo đơn là giấy xác nhận việc phân công của đồng chí Võ Tấn Bài (nguyên cán bộ Văn phòng Huyện ủy Chợ Gạo - người trực tiếp phân công nhiệm vụ cho mẹ, nguyên thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang lúc viết giấy xác nhận), là Phó Giám đốc Công an Tiền Giang, nay nghỉ hưu tại xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho; còn sống). Gia đình còn kèm theo Lý lịch đảng viên của mẹ Nguyễn Thị Huỳnh, có ghi rõ thời gian tham gia cách mạng như đã nêu trên. Sau đó gia đình còn gửi tiếp giấy xác nhận của ông Nguyễn Văn Bảy, là cán bộ phụ trách công tác Đảng, là Bí thư Chi bộ xã Thanh Bình giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1975, người có trách nhiệm tổ chức và quản lý lực lượng hợp pháp thời kỳ này, trong đó có mẹ Huỳnh.

Thiết nghĩ, bao nhiêu đó cũng đã đủ để ngành LĐ-TB&XH xem xét phục hồi chế độ theo Quyết định  6628 ngày 5-11-1990 cho mẹ Nguyễn Thị Huỳnh. Thế nhưng, ngày 6-9-2016, Giám đốc Sở
LĐ-TB&XH có thư (số 1052) trả lời cho mẹ Huỳnh: “không đủ điều kiện thụ lý giải quyết vì: Đã hết thời hiệu, thời hạn khiếu nại; nội dung đơn cứu xét không có cơ sở, tài liệu, chứng cớ mới”. Mẹ tâm sự: “Từ năm 1990 tới bây giờ, tôi không biết mình có chế độ hồi nào, rồi bị rút chế độ hồi nào, âm thầm chờ - tới năm 1993 vẫn nhờ cháu Bài xác nhận, về để đó. Năm nay mới biết sự việc diễn ra như vậy, đã kêu cháu con viết đơn xin xem xét và bổ sung chứng cứ như vậy mà ngành LĐ-TB&XH cho tôi “là dân”, “không ở trong tổ chức cách mạng”, “hết thời hiệu, thời hạn khiếu nại, không xem xét”. Làm cách mạng thì không kể công, nhưng như vậy đúng là nỗi oan, tôi quá đau lòng!...”. Mẹ cũng nói lời cảm ơn sự quan tâm xem xét của Ban Liên lạc Cựu tù chính trị tỉnh, của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Tiền Giang.

Đã bước qua tuổi 90, mẹ không còn sống được bao lâu, nỗi niềm của mẹ là mong chờ sự quyết định đúng đắn, đúng chế độ, đúng pháp luật của các cơ quan chức năng.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG 

.
.
.