Thứ Ba, 08/11/2016, 21:23 (GMT+7)
.

Giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, không loại trừ Việt Nam; là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình, trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng quyền con người.

Thực tế cho thấy, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam đang diễn ra khá phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân, mà còn ảnh  hưởng đến sự phát triển đất nước. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy: 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết, họ đã từng bị chồng mình bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời; trong số đó có đến 87% nạn nhân không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Đây mới chỉ là con số thống kê về bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình, trong khi đó phụ nữ và bé gái có thể chịu các dạng bạo lực ở nhiều môi trường khác nhau, vì thế tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới trong thực tế sẽ cao hơn nhiều. 

Nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ và hệ thống tư tưởng gia trưởng đề cao vai trò thống trị của nam giới. Phụ nữ thường xuyên phải chịu những tổn thương về tình cảm, tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, bạo lực trên cơ sở giới rất khó được nhận biết do các quy tắc chuẩn mực, tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng trong xã hội. Mặt khác, mặc dù về mặt pháp lý phụ nữ được bảo vệ, song trên thực tế vị thế của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới, dẫn đến thực trạng: Sự thống trị của nam giới và bạo lực với phụ nữ dường như là điều không thể tránh khỏi…

Mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng như các biện pháp can thiệp được đánh giá tương đối tiến bộ, song quá trình thực thi cho thấy vẫn còn tồn tại những khoảng trống trong chính sách và các chương trình can thiệp đang được triển khai. Do vậy, việc xây dựng Đề án Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là hết sức cần thiết, nhằm giải quyết các dạng bạo lực khác ngoài môi trường gia đình như: Buôn bán người, lạm dụng tình dục trẻ em, mại dâm cưỡng bức…, mà các chương trình, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình chưa bao phủ được. Thêm vào đó, Đề án này cũng sẽ là một cơ hội để thúc đẩy sự điều phối, hợp tác với các đối tác liên quan trong và ngoài nước, huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, tạo nên sức mạnh tổng thể của các bên liên quan trong can thiệp dự phòng và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1464/QĐ-TTg ngày 22-7-2016 nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới.

Việc triển khai Đề án sẽ góp phần giải quyết các bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật liên quan, đặc biệt là Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và Luật Bình đẳng giới, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới bền vững tại Việt Nam. Ngoài ra, kết quả triển khai Đề án sẽ góp phần thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, cũng như giúp Việt Nam hoàn thành các cam kết đối với CEDAW và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.

Mục tiêu cụ thể mà Đề án đặt ra là: Ít nhất 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người sử dụng lao động, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, người hưởng lương trong Lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh các cấp được truyền thông, tiếp cận thông tin về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; ít nhất 50% người dân tại cộng đồng được phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới; ít nhất 90% số nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và 50% số người gây ra bạo lực hoặc người có nguy cơ cao gây ra bạo lực được phát hiện, được tiếp cận với các dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thí điểm ít nhất một mô hình thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em.

Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhằm tăng cường thực thi pháp luật, bảo đảm hệ thống dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, hướng tới môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái…

 

CHÂU HẢO

.
.
.