Thứ Năm, 15/12/2016, 06:47 (GMT+7)
.

Giải pháp nào để đảm bảo an toàn thực phẩm?

 Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã và đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các cơ quan chức năng phối hợp, tập trung nguồn lực triển khai nhiều biện pháp xử lý, giải quyết. Tuy nhiên, kết quả chưa như mong muốn và mối lo, ám ảnh thực phẩm “bẩn”, mất an toàn vẫn hiện hữu với mức độ ngày càng nghiệm trọng.

a
Sự vào cuộc của các cấp chính quyền đang tạo sự chuyển biến trong công tác đảm bảo ATTP (ảnh chụp Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng trong một lần đi kiểm tra ATTP).

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh vừa phối hợp với Sở Công thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đánh giá thực trạng và định hướng các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Vấn đề VSATTP lại được đem ra bàn luận với nhiều lo ngại về mức độ vi phạm và các ngành chức năng vẫn loay hoay đi tìm giải pháp quản lý hiệu quả.

* Thực trạng về VSATTP

Theo báo cáo của các ngành chức năng, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và ý thức người dân, người sản xuất về ATTP đã được nâng lên. Bên cạnh đó, việc Nhà nước ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm đã nâng cao vai trò quản lí Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là vai trò của UBND các cấp… Tuy nhiên, vấn đề VSATTP vẫn còn diễn biến phức tạp, rất khó kiểm soát.

aaa
Các bếp ăn tập thể tại các công ty, xí nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc nếu không được soát tốt về ATTP.

Theo Sở Công thương, đơn vị đang quản lý về ATTP ở khoảng 4.464 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, Sở này cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo đảm ATTP thông qua việc thanh tra, kiểm tra. Trong năm 2016, Sở Công thương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc Sở tiến hành kiểm tra tổng cộng  495 vụ, phát hiện vi phạm và  xử phạt vi phạm hành chính 255 vụ. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không khám sức khỏe định kỳ, không giấy xác nhận kiến thức về ATTP theo quy định; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực phẩm hết hạn sử dụng,…

 “Nhằm giảm nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn tập thể, thì việc bố trí người trực tiếp giám sát thường xuyên, hàng ngày quy trình chế biến, cung ứng thực phẩm tại những nơi này là rất cần thiết. Các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn tập thể cũng cần lắp đặt hệ thống camera quan sát khu vực chế biến, cung ứng thực phẩm, nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót, hạn chế như khi phát hiện động vật gây hại xâm nhập hay những thao tác thực hành không đúng quy định của nhân viên tham gia trực tiếp chế biến thực phẩm…” - ông Trịnh Phong Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh khuyến cáo.

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Chuyên viên Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương cho rằng, việc nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật. Nhiều loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không an toàn vẫn đang được lưu thông trên thị trường sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng, gây thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần.

Tương tự, ông Huỳnh Hữu Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) không khỏi băn khoăn khi cho biết, vấn đề chất lượng, ATTP của cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng hiện nay vẫn còn đang gây nên tâm lý bất an cho người tiêu dùng, nhất là trong thời gian gần đây liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trồng trọt. Nguyên nhân theo ông Đức, là do sự hám lợi của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và thiếu ý thức của một số người.

Thực tế là qua thực hiện kiểm nghiệm 176 mẫu sản phẩm rau các loại, để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV và kết quả có 17 mẫu không đạt; đồng thời tham gia với Đoàn Thanh tra Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương tiến hành thanh tra đột xuất các hộ chăn nuôi heo, kết hợp lấy mẫu nước tiểu kiểm tra. Kết quả phạt hành chính 2 trường hợp/2 hộ/2 huyện Cái Bè, Chợ Gạo có mẫu dương tính với Salbutamol, trong đó tiêu hủy lô heo (11 con heo) dương tính với chất cấm.

Theo ông Trịnh Phong Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh, vi phạm về ATTP hiện nay khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng, nhất là nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp vẫn còn cao và khó kiểm soát, khi mà nhu cầu cung ứng thực phẩm ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngày càng cao.

* Giải pháp đảm bảo ATTP

Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm “bẩn” và công tác quản lý bảo đảm ATTP lại được đặt ra cho các ngành chức năng cấp bách như hiện nay. Tại buổi tọa đàm, các ngành chức năng quản lý ATTP cũng đã đưa ra nnhiều giải pháp, nhằm cải thiện hơn vấn đề VSATTP.

Trong đó, nhấn mạnh về công tác thông tin truyền thông, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang cho rằng, vấn đề VSATTP gắn liền với hoạt động dân sinh và gần đây các cơ quan báo, đài đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về ATTP làm cho sự hiểu biết, nhận thức của người dân ngày một nâng lên. Tuy nhiên, để công tác quản lý ATTP mang lại hiệu quả hơn thì rất cần sự chịu trách nhiệm chính phải từ lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan chức năng; đồng thời nâng cao năng lực cho thanh tra VSATTP; thực hiện chế tài mạnh khi phát hiện vi phạm; chủ động kiểm soát ATTP trong các bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể…

Ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh thì lại đề cao vai trò giám sát của người dân trong công tác đảm bảo VSATTP. Ông Lưỡng cho rằng: “Hiện nay, chúng ta đã có hành lang pháp lý, tuy nhiên vấn đề là làm thế nào để thực hiện cho tốt. Cơ quan quản lý dù có đông nhân lực bao nhiêu cũng không thể phát hiện hết được tất cả các vấn đề. Do đó, việc bảo đảm VSATTP sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người dân. Bởi vấn đề ATTP gắn liền trong từng bữa ăn hàng ngày của người dân nên họ sẽ giám sát và dễ phát hiện, phản ánh những tồn tại của ATTP. Cái còn lại là các cơ quan chức năng quản lý ATTP phải làm sao để người dân dễ phản ánh thông tin nhất, chảng hạnh như thiết lập đường dây nóng…”.

HỮU NGHỊ

.
.
.