Thứ Ba, 06/12/2016, 15:39 (GMT+7)
.
GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO THANH, THIẾU NIÊN:

Cần sự chung tay của gia đình - nhà trường - xã hội

Hiện nay, vấn đề đạo đức, lối sống cho  thanh, thiếu niên đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm, bởi tình trạng xuống cấp về đạo đức, bạo lực học đường, tội phạm trong một bộ phận thanh, thiếu niên diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng…

Vợ chồng anh Trần Hiếu Đạt và chị Dương Thị Ngọc Uyên ngụ xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo không chỉ  quan tâm đến việc dạy chữ, mà còn dạy nền nếp gia phong. 					    Ảnh: THU HOÀI
Vợ chồng anh Trần Hiếu Đạt và chị Dương Thị Ngọc Uyên ngụ xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo không chỉ quan tâm đến việc dạy chữ, mà còn dạy nền nếp gia phong. Ảnh: Thu Hoài

Theo số liệu của ngành Công an, trong tổng số hàng trăm vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra gần đây trên cả nước, đáng báo động là các đối tượng phạm tội chủ yếu ở độ tuổi thanh, thiếu niên (từ 18 đến 30 tuổi chiếm hơn 80%). Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên, trong đó có nguyên nhân do thiếu sự quan tâm của gia đình và chưa kết hợp tốt mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên.

Trước thực trạng trên, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nâng cao nhận thức, tìm ra những biện pháp thích hợp để kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên. Trước hết, gia đình là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, là “trường học đầu tiên” để con người được dạy và học về đạo đức, nhưng do sức ép về lao động, việc làm khiến không ít bậc làm cha làm mẹ mải miết mưu sinh hoặc chỉ lo làm giàu mà thiếu quan tâm việc giáo dục đạo đức cho con cái, hoặc khoán trắng cho nhà trường và xã hội. Không ít trường hợp con cái vi phạm pháp luật mà cha mẹ không hay biết, hoặc không biết cách ngăn chặn, phòng ngừa.

Để giáo dục đạo đức cho giới trẻ, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nền nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho các giá trị đó ngày càng tỏa sáng, góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cao đẹp cho con cháu. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất đến con cái. Những bậc cha mẹ sống với nhau hòa thuận, chung thủy… là tấm gương sáng cho con cái noi theo.

Đối với nhà trường, cần làm tốt sứ mệnh là “trường học thứ hai” của thanh, thiếu niên, không chỉ dạy chữ, dạy nghề, mà còn là nơi dạy cách làm người, đặt việc giáo dục lý tưởng, đạo lý làm người là nội dung giáo dục quan trọng trong nhà trường. Đáng tiếc, hiện nay, do nhiều nguyên nhân nên việc giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường còn kém hiệu quả, trong đó có nguyên nhân nhà trường nặng về “dạy chữ” hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Mặt khác, thanh, thiếu niên đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Vì vậy các đoàn thể chính trị - xã hội cần quan tâm định hướng, tạo môi trường thuận lợi để các em phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các  đoàn thể thành viên của Mặt trận, nhất là Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh cần tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để thu hút, rèn luyện các em theo các chuẩn mực đạo đức truyền thống; kịp thời biểu dương, nhân rộng cách làm hay và kiên quyết uốn nắn những thiếu sót, những biểu hiện lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của thanh, thiếu niên.

Thiết nghĩ, làm được những điều trên, chúng ta sẽ thiết lập được mối quan hệ tốt hơn nữa giữa gia đình, nhà trường và xã hội để xây dựng hệ thống phòng ngừa liên hoàn giữa 3 môi trường, góp phần ngăn chặn tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên trong thời gian tới.

NGUYỄN MINH PHÚ

.
.
.