Người khuyết tật và khát vọng vươn lên
Bài 1: Nỗi niềm của người khuyết tật
Dù còn nhiều vất vả trong cuộc sống do cơ thể khiếm khuyết, nhưng người khuyết tật (NKT) luôn nỗ lực với khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn. Đồng hành với khát vọng ấy, những năm qua, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều chương trình hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ NKT vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
Với những nỗ lực vượt qua các khiếm khuyết của cơ thể, bạn Trương Thành Tâm đã tốt nghiệp loại khá ngành Cao đẳng tiếng Anh, Trường Đại học Tiền Giang. |
Chung tay tiếp sức cho NKT
Theo ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong những năm qua, Sở đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, đề án về chăm sóc, giúp đỡ NKT. Trong năm qua, Sở đã giải quyết trợ cấp xã hội cho 26.058 NKT nặng và đặc biệt nặng tại cộng đồng; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 10.592 NKT; vận động hỗ trợ xây dựng 35 căn nhà tình thương cho NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; tặng 586 xe lăn, xe lắc cho NKTvận động; thực hiện tổ chức mổ mắt miễn phí cho 654 bệnh nhân khuyết tật về mắt. Về đào tạo nghề cho NKT, do tỉnh chưa có trường dạy nghề chuyên biệt cho NKT nên phần lớn NKT tham gia các lớp dạy nghề ở nông thôn và tự tạo việc làm, mỗi năm có khoảng 100 người tham gia.
Thấu hiểu những khó khăn mà người khiếm thị gặp phải, Hội Người mù đã thực hiện nhiều dự án để tạo công ăn việc làm cho hội viên. Theo đó, Hội Người mù thực hiện quản lý và thu lãi 14 cụm dự án chăn nuôi, buôn bán nhỏ cho 189 người vay vốn với tổng nguồn vốn 1,430 tỷ đồng (do Trung ương Hội Người mù phân bổ từ Quỹ Quốc gia về việc làm) tại các Hội cơ sở. Tất cả hội viên được vay vốn đều phấn khởi, thực hiện trả vốn và lãi đúng hạn. Từ dự án trên đã có 87 người khiếm thị làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
Hội tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả dịch vụ xông hơi - xoa bóp do Hội quản lý, tạo việc làm cho 8 hội viên với thu nhập ổn định từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng/người/tháng. Hội còn phối hợp với Phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB-XH và Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang lập kế hoạch mở 2 lớp dạy nghề massage cho 16 hội viên trong tỉnh; tổ chức 1 lớp xóa mù chữ Braille tại Tỉnh hội cho 11 hội viên và 1 lớp xóa mù chữ Braille kết hợp dạy nghề bó chổi bông cỏ cho 7 hội viên ở huyện Cai Lậy. Ngoài ra, Hội còn vận động các nhà hảo tâm xây dựng và sửa chữa 21 căn nhà cho các hội viên khó khăn về nhà ở.
Ông Lê Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, chia sẻ: “Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam là hoạt động thường xuyên của Hội. Các cấp hội luôn cố gắng, nỗ lực vận động, tận dụng các mối quan hệ cá nhân, sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện, sự giúp đỡ của các tổ chức thành viên trong Ủy ban MTTQ tỉnh để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam một cách tốt nhất”. Trong năm 2016, Hội đã vận động xây tặng và sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương; nhận nuôi dưỡng thường xuyên, cấp học bổng, nhận đỡ đầu, trợ vốn chăn nuôi cho hội viên; tặng xe lăn, xe lắc; khám chữa bệnh cấp thuốc cho các nạn nhân khó khăn với tổng kinh phí 12,044 tỷ đồng, trong đó Hội cấp tỉnh vận động 1,230 tỷ đồng, Hội cấp huyện, xã 10,814 tỷ đồng.
Ngoài ra, để giúp đỡ trẻ em khuyết tật và trẻ mồ côi vượt qua khó khăn trong học tập, vào đầu năm học, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi còn phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức trao bổng cho 265 em với tổng kinh phí hơn 248 triệu đồng.
Vươn lên từ nghịch cảnh
Dù cơ thể bị khiếm khuyết, nhưng NKT luôn khao khát được làm việc, được sống bằng chính sức lao động của mình, không muốn lệ thuộc vào người khác. Với khát khao ấy, cùng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể và toàn xã hội, trong thời gian qua đã có một bộ phận không nhỏ NKT vươn lên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Để công tác chăm sóc, hỗ trợ NKT ngày càng tốt hơn, Sở đề nghị trong thời gian tới tỉnh cần tổ chức điều tra rà soát lại tình hình thực tế của NKT để có cơ sở hoạch định các chính sách đối với NKT, trước mắt là cấp giấy chứng nhận cho tất cả NKT để họ được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định. Cần phải có chế độ chính sách hỗ trợ vốn cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo từ 7% trở lên để giúp huyện tạo sinh kế cho người nghèo, đặc biệt là NKT khó khăn. Hàng năm, UBND tỉnh trích một phần ngân sách dành cho công tác chăm sóc, giúp đỡ NKT. Thành lập Hội NKT riêng biệt để thực hiện các công tác chăm sóc, hỗ trợ NKT tốt hơn. |
Bị mù vĩnh viễn từ năm 9 tuổi do tai nạn, anh Nguyễn Minh Hoàng không thoát khỏi cảm giác hụt hẫng, tuyệt vọng. Được sự động viên của gia đình, năm 16 tuổi, anh Hoàng vào học ở trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu ở TP. Hồ Chí Minh. Ở đây anh vừa được học chữ vừa được học nghề như: Dệt thảm, dệt chiếu, massage… Khoảng thời gian này đã giúp anh tìm lại được sự lạc quan, niềm vui trong cuộc sống. Sau khi rời trường, cuộc mưu sinh của anh trải qua nhiều thăng trầm với bộn bề khó khăn, vất vả, nhất là sau khi vợ anh bỏ đi để lại cho anh 2 đứa con nhỏ, anh đã phải làm mọi việc để nuôi con. Anh Hoàng chia sẻ: “Do quá khó khăn, tôi gửi 2 con cho ông bà nội rồi khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh làm cho một cơ sở massage dành cho người khiếm thị để có tiền gửi về nuôi con. Trong thời gian đó cũng có nhiều em khiếm thị người Tiền Giang vào làm chung, tôi nghĩ sao không mở một cơ sở massage ở quê để cho người khiếm thị ở quê cùng làm”. Nghĩ là làm, với số vốn ban đầu 25 triệu đồng do gia đình hỗ trợ, anh mở cơ sở massage Hồng Phúc (đường Trần Hưng Đạo, TP. Mỹ Tho), đến nay cơ sở của anh đã tạo việc làm cho 10 người cùng cảnh ngộ với thu nhập ổn định từ 2.000.000 - 2.500.000 đồng người/tháng.
NKT gặp khó khăn trong mưu sinh như thế nào thì trong học tập cũng như thế đấy. Không may mắn như các bạn cùng trang lứa, bạn Trương Thành Tâm (phường 5, TP. Mỹ Tho) bị liệt đôi chân từ nhỏ, đôi tay cũng không được khỏe như người bình thường, nhưng Tâm không vì điều đó mà tuyệt vọng. Trong lúc bạn bè cùng trang lứa đến trường, Tâm kiên trì tập vật lý trị liệu để có thể đến trường như bè bạn. Tâm chia sẻ: “Động lực để em vượt lên khó khăn chính là gia đình và sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè. Em nghĩ những khiếm khuyết của cơ thể mình không quan trọng, quan trọng chính là ý chí vươn lên vượt qua khó khăn của mỗi người. Hãy cứ nghĩ mình cũng như những người bình thường, cứ lạc quan sống không có gì phải mặc cảm, dè dặt cả”. Với tinh thần ấy, những cố gắng của Trương Thành Tâm đã được đền đáp, năm 2016 Tâm tốt nghiệp loại khá ngành Cao đẳng tiếng Anh của Trường Đại học Tiền Giang. Tấm gương vượt khó của Trương Thành Tâm được Tỉnh đoàn và Đoàn trường khen tặng nhiều danh hiệu như: “Thanh niên tiêu biểu”, “Gương sáng nghị lực”… Tâm cho biết, trong thời gian tới em sẽ tiếp tục học liên thông lên đại học để hoàn thành ước mơ trở thành biên dịch viên của mình.
PHAN THẮNG