Nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên
Huyện Cai Lậy hiện có hơn 22.600 hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tham gia sinh hoạt tại 16 cơ sở Hội. Đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, năm 2016 các cấp Hội LHPN huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ chị em nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Điểm đan ghế bằng dây nhựa của chị Đoàn Thị Thoại ở ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy. |
Xác định Chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập” là chương trình trọng tâm, hàng năm, Hội LHPN huyện Cai Lậy tăng cường công tác trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Trong năm 2016, các cấp Hội LHPN huyện Cai Lậy đã phối hợp với các ngân hàng giải ngân hơn 67 tỷ đồng cho 18.200 lượt hội viên để cải tạo vườn tạp, đầu tư chăn nuôi, mua bán nhỏ.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện phối hợp các ngành chức năng tổ chức 16 lớp dạy nghề, 48 cuộc chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 2.300 lượt hội viên với các nghề: May công nghiệp, trồng lúa, trồng nấm bào ngư, kỹ thuật chăm sóc sầu riêng… Hoạt động trợ vốn, đào tạo nghề của các cấp Hội được triển khai trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của hội viên. Chị em ở khu vực trung tâm xã được khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh vừa và nhỏ, phụ nữ nông thôn tham gia các mô hình chăn nuôi và phát triển kinh tế vườn.
Chị Dương Thị Lan (ngụ ấp Bình Trị, xã Bình Phú) chia sẻ: “Quanh nhà chỉ có 1 công đất trồng mít, nhưng vườn cây đã già cỗi, cho thu nhập thấp, muốn chuyển sang trồng sầu riêng nhưng chưa có kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc. Thấy vậy, Hội LHPN xã cho tôi tham gia lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc cây sầu riêng, tạo điều kiện để gia đình có thêm thu nhập khi vườn cây phát triển tốt…”.
Trong năm 2016, Hội LHPN huyện Cai Lậy cũng đã nhân rộng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp cho hội viên ở khu vực nông thôn. Thông qua các tổ nghề nghiệp, chị em tự tạo việc làm cho nhau, giúp nhau ổn định cuộc sống. Toàn huyện hiện có 35 tổ nghề nghiệp với hơn 1.000 thành viên tham gia, tạo thu nhập ổn định lúc nông nhàn với các nghề thủ công như: Kết cườm, xe nhang, may túi xách, đan các sản phẩm thủ công xuất khẩu… Tại ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên, Tổ đan ghế bằng dây nhựa của chị Đoàn Thị Thoại hiện tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động.
Tận dụng thời gian nhàn rỗi sau khi chăm sóc vườn, mỗi thành viên có thêm thu nhập bình quân 3.000.000 đồng/tháng để xoay xở sinh hoạt gia đình. Chị Thoại cho biết: “Lúc trước có thời gian làm thuê cho cơ sở đan ghế bằng dây nhựa giả mây nên tôi nhận hàng về mở điểm đan tại nhà, vừa có thêm thu nhập cho gia đình, vừa tạo việc làm cho chị em trong xã. Tùy sản phẩm là ghế tựa hay sofa mà tiền công dao động từ 75.000 đồng đến 400.000 đồng. Nguồn hàng khá thường xuyên, nên nhiều chị em có thêm thu nhập”.
Hiệu quả từ hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của các cấp Hội LHPN huyện Cai Lậy thời gian qua không chỉ giúp hội viên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, mà còn tạo động lực để chị em xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Bà Lê Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cai Lậy nhận xét: “Phụ nữ phát triển kinh tế không chỉ mang lại hiệu quả trực tiếp, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ ở nông thôn, nhất là hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Điều kiện kinh tế ổn định, chị em tích cực hơn với hoạt động Hội, nhờ vậy các phong trào Hội ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp Hội đã không ngừng nỗ lực trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, ngày càng có nhiều mô hình hay giúp chị em có việc làm thường xuyên để ổn định cuộc sống. Đây cũng là điều kiện để Hội góp sức hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới”.
QUẾ NGÂN