Vai trò nhà báo trong môi trường truyền thông số
Đại sứ quán Thuỵ Điển và Bộ thông tin Truyền thông cùng trường Đại học Lund của Thuỵ Điển đã tổ chức khai mạc Hội thảo báo chí với chủ đề “Kỹ năng báo chí truyền thông trong thế kỷ 21: Chia sẻ kinh nghiệm giữa Thụy Điển và Việt Nam.”
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu trong buổi khai mạc. Ảnh: Tiến Đạt/Vietnam+ |
Buổi hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo; Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Pereric Högberg.
Buổi hội thảo này là sự tiếp nối các hoạt động trong chương trình hợp tác đào tạo báo chí hiệu quả trước đây giữa Thụy Điển và Việt Nam. Tại buổi hội thảo, Ban tổ chức đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của Báo chí Thụy Điển trong quá trình 250 năm qua đồng thời cùng nhau thảo luận về cách thức các cơ quan báo chí truyền thông có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam một cách có ý nghĩa.
Phát biểu trong buổi hội thảo, của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: "Trong báo chí truyền thông, việc sử dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ đang trở thành một nhu cầu cấp thiết và không ngừng biến đổi. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì báo in hay các phương tiện thông tin truyền thống đang ngày càng có xu hướng sụt giảm trước sự ra đời, phát triển nhanh chóng của báo mạng và mạng xã hội.
Bên cạnh đó, mô hình toà soạn đa phương tiện là nhu cầu tất yếu để các cơ quan báo chí, truyền thông tồn tại và phát triển. Để đáp ứng được nhu cầu của toà soạn đa phương tiện đòi hỏi công nghệ tiên tiến và sự thông thạo về kỹ thuật của các nhà báo. Các cơ quan không kịp thời ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao sẽ nhanh chóng bị tụt lùi trong môi trường báo chí năng động hiện nay. Từ thực tiễn đó, báo chí đòi hỏi sự học hỏi không ngừng với các chiến lược truyền thông cụ thể của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, cán bộ truyền thông và của chính các nhà báo.”
Một vấn đề nữa là sự cạnh tranh thông tin giữa các báo điện tử, mạng xã hội, và cách làm báo đúng đắn để tránh sự nhiễu loạn thông tin. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp thì việc quản trị thông tin cũng khó khăn hơn. Các vấn đề có thể kể tới như: tính trung thực, đa chiều trong việc sử dụng, truyền tải thông tin; thông tin có phục vụ lợi ích của công chúng không... đang được đặt ra và đòi hỏi các nhà báo phải luôn học hỏi nâng cao kỹ năng báo chí truyền thông hiện đại cũng như ý thức được sứ mệnh cao cả của nhà báo chân chính.
Các nhà báo Thuỵ Điển chia sẻ ý kiến trong và kinh nghiệm thực tế của mình. Ảnh: Tiến Đạt/Vietnam+ |
Cũng tại buổi hội thảo nay, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, ông Lê Quốc Minh cũng đề cập tới vai trò của báo chí chính thống trong môi trường báo chí hiện nay. Ông cho biết: "Thông tin sai lệch đang là một vấn đề báo động tại nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, bắt nguồn từ một nguồn tin chưa được kiểm chứng, thường là một tin xấu nhưng được lan truyền nhanh chóng và gây ra nhiều hệ quả khó lường.
Các thông tin này thậm chí lan truyền trên mạng xã hội, vượt biên giới quốc gia và công chúng đọc khó mà kiểm chứng chính xác. Báo chí chắc chắn không thể chạy đua với mạng xã hội về tốc độ truyền tin nhưng hiện nay các độc giả sau khi đọc tin trên mạng xã hội họ sẽ quay trở lại với các trang báo chính thống để kiểm chứng lại thông tin. Chúng tôi thậm chí thường xuyên có những bài dài để cung cấp đầy đủ thông tin đa chiều và đính chính lại một số thông tin sai đã xuất hiện trước đó trên mạng xã hội. Chính vì vậy báo chí chính thống vẫn có một chỗ đứng, vai trò quan trọng trong môi trường truyền thông hiện đại.”
Hội thảo đã cung cấp các kỹ năng báo chí quan trọng, cần thiết trong thời đại công nghệ số cho các phóng viên, biên tập viên và quan bạn quan tâm tới lĩnh vực báo chí, truyền thông.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/ky-nang-bao-chi-va-vai-tro-nha-bao-trong-moi-truong-truyen-thong-so/419312.vnp)