Thứ Ba, 24/01/2017, 06:59 (GMT+7)
.

Mứt tết - vị ngọt tết quê hương

Nói đến mứt hạnh, kẹo chuối, bánh in, thèo lèo, mứt bí… người ta nghĩ ngay đến những món bánh, mứt truyền thống dành cho ngày tết của người Việt Nam, và dường như đang dần bị lãng quên. Thế nhưng, trong những con đường nhỏ ở TP. Mỹ Tho, vẫn còn một ít lò mứt ngày đêm đỏ lửa, đang cố gắng gìn giữ nghề truyền thống của gia đình.

ĐẶC TRƯNG CÁC LOẠI MỨT TRUYỀN THỐNG

Đến thăm một gia đình sản xuất mứt hạnh tại khu phố 5, phường 10, TP. Mỹ Tho vào một ngày gần Tết Âm lịch. Tuy không khí không còn nhộn nhịp như những năm trước, nhưng ngay từ đầu ngõ, ta có thể ngửi thấy mùi hương đặc trưng của mứt hạnh. Không khí trong tiết trời se lạnh trở nên ấm áp hơn cùng với tiếng cười nói của những người gọt vỏ, sên mứt, đóng gói.

Cô Hạnh vừa gói mứt hạnh vừa cho biết: “Nghề truyền thống đã gắn bó với gia đình tôi đã gần 20 năm. Làm mứt hạnh đòi hỏi kinh nghiệm và tỉ mỉ trong các khâu sản xuất, đặc biệt các công đoạn làm mứt hạnh đều làm thủ công, từ chọn hạnh, gọt vỏ, tách hạt, ướp đường, sên hạnh phải đều tay… Làm sao khi mứt thành phẩm vẫn còn hương vị và mùi thơm đặc trưng riêng mà không bị đắng vì vỏ hạnh”.
Tại các cơ sở sản xuất mứt truyền thống ở phường 3, TP. Mỹ Tho không khí khá nhộn nhịp hơn. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán, cơ sở sản xuất bánh mứt Thanh Nhàn (phường 3, TP. Mỹ Tho) cung cấp cho thị trường trên 10 tấn mứt. Chị Thủy, chủ cơ sở cho biết: “Mứt bí là nghề gia truyền của gia đình. Để có được độ trắng, trong và đẹp mắt, bí đao phải trải qua công đoạn ngâm nước vôi, sau đó xào cùng đường. Đó cũng là cách làm mứt bí truyền thống từ xưa. Giòn tan và ngọt lịm là hương vị đặc trưng không thể lẫn. Mứt bí thường ngọt hơn một số loại mứt khác, bởi vậy khi dùng kèm với tách trà nóng sẽ đem lại hương vị thơm ngon, hài hòa hơn”.

GIỮ NGHỀ GIA TRUYỀN

Tiếp nối và quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, anh Trần Nguyễn Bảo Quang, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Tân Mỹ (phường 9, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Nghề làm bánh, kẹo truyền thống, đặc biệt là bánh in, kẹo chuối và bánh trung thu là nghề gia truyền của gia đình anh. Từ đời bà ngoại, đến đời ba mẹ rồi đến anh, nay cũng đã gần 40 năm”.

Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, các công đoạn sản xuất bánh, kẹo cho tết đã được chuẩn bị. Anh Quang chia sẻ: “Đối với kẹo chuối thì mua chuối chín về phơi khô, vì phơi khô khi sên chuối mới có màu nâu đậm. Đối với bánh in thì công đoạn đầu tiên là thắng đường, xá đường rồi trữ vào thùng nhựa; chọn bột nếp thật ngon thì sản phẩm làm ra mới chất lượng. Bên cạnh, để bánh in ngon và có mùi vị đặc trưng riêng còn cần các nguyên liệu như: Trần bì, mè đen… Các công đoạn từ làm kẹo chuối đến bánh in đều bằng thủ công, nhưng luôn đảm bảo vệ sinh”.

Được biết, anh Quang từng học công nghệ thông tin, làm việc ở Viettel chi nhánh Tiền Giang gần 10 năm. Ngay từ khi còn nhỏ, đi học, đi làm, những khi có thời gian rảnh anh vẫn phụ ba mẹ làm bánh, kẹo. Gần 1 năm nay, anh Quang chính thức nghỉ làm ở Viettel về tiếp quản cơ sở bánh, kẹo của gia đình. Anh Quang chia sẻ: “Đây là cái nghề đã nuôi sống gia đình anh từ nhiều thế hệ. Các anh chị em dù ai cũng có việc riêng, nhưng mỗi năm tới mùa trung thu, tết đều tụ họp về để làm. Sống với nghề, bám lấy nghề không chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn là giữ nghề cha ông. Kiếm sống bằng nghề của cha ông để lại thì cũng phải có trách nhiệm bảo lưu tiếng thơm và thương hiệu”.

Đó là một quan niệm đã ăn sâu vào nếp nghĩ mọi thành viên trong gia đình anh Quang. Gia đình anh luôn tin rằng, nghề truyền thống của cha ông sẽ không bao giờ mai một, bởi gia đình anh luôn có ý thức giữ nghề. Anh bảo: “Để giữ được nghề, trước hết là nhờ vào uy tín. Anh thường xuyên thay đổi mẫu mã để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Cả gia đình anh hiện vẫn dốc lòng cho công việc này. Dù sau này có làm nhiều loại bánh, kẹo mới, nhưng anh vẫn làm bánh in và kẹo chuối”.

P. MAI

.
.
.