Bao giờ cảng cá Vàm Láng hết ô nhiễm?
Cùng với cảng cá Mỹ Tho, cảng cá Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) là 1 trong 2 cảng cá lớn của tỉnh. Những năm gần đây, cảng cá Vàm Láng ngày càng xuống cấp, môi trường ô nhiễm nặng; rác, nước thải được xả thẳng ra môi trường đã khiến cho cảng cá ngày càng bị ô nhiễm. Chính điều này đã tạo sự bồi lắng, cản trở ghe tàu ra vào cảng, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Nước, rác thải gây bồi lắng tại cảng cá Vàm Láng. |
Nhiều lần đến với cảng cá Vàm Láng, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự ô nhiễm của môi trường nơi đây. Tại khu vực cảng cá, nước biển có màu đen, bốc mùi, rác thải nằm la liệt trên bờ, một số trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Tại khu vực tàu ghe neo đậu, váng dầu mỡ đóng thành từng mảng trôi nổi trên mặt nước càng làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng hơn. Theo những người dân sinh sống tại khu vực này, trước kia tình trạng ô nhiễm ở khu vực này không nghiêm trọng như hiện tại. Kể từ hơn 1 năm nay, tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn, rác thải, nước thải sinh hoạt, sản xuất được xả thẳng xuống biển dẫn đến ứ đọng trong cảng, từ đó gây ô nhiễm.
Với lượng rác thải, nước thải sinh hoạt, sản xuất xả ra biển ngày càng nhiều, ngoài việc làm ô nhiễm môi trường biển tại cảng cá Vàm Láng thì nó cũng làm bồi lắng đường vào cảng, gây khó khăn cho tàu ghe khi ra vào. Ông Phan Văn Sáu (khu phố 2, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Rác thải lắng đọng làm cho ghe, tàu ra vào cảng khó khăn. Người dân ở quanh đây phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối. Tội nhất là mấy đứa trẻ phải hứng chịu sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng này”.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Gò Công Đông, tình trạng ô nhiễm môi trường ở cảng cá Vàm Láng chủ yếu là do nước và rác thải. Hiện tại, công suất của hệ thống xử lý nước thải ở địa phương chỉ xử lý được 50 m3/ ngày đêm, cùng với đó là các chất thải sinh hoạt bị thải ra môi trường làm cho môi trường nơi đây ngày càng suy thoái.
Trước thực trạng môi trường ở thị trấn Vàm Láng, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT xây dựng đề án “Cải tạo vệ sinh môi trường thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông” nhằm điều tra khảo sát và đánh giá hiện trạng môi trường, xác định nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thị trấn Vàm Láng; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường (BVMT) và tính sẵn sàng tham gia thực hiện công tác BVMT theo quy định pháp luật của cộng đồng cư dân; giảm thiểu tác động của các nguồn thải gây ô nhiễm; xây dựng chương trình hành động để giải quyết các vấn đề môi trường hiện hữu cho hiện tại và tương lai theo định hướng phát triển bền vững.
Theo nội dung của đề án, cảng cá Vàm Láng hiện tại sẽ được di dời sang khu neo đậu mới (đã khởi công xây dựng năm 2015), có khu xử lý nước thải riêng. Theo quy hoạch tổng thể thì hệ thống xử lý nước thải được xây dựng theo quy trình gồm: Bể điều hòa, bể lắng hai vỏ, lọc sinh học bể lắng đứng, bể tiếp xúc và khử trùng bằng Clo. Tuy nhiên, với đặc trưng nước thải có độ mặn cao và không ổn định, nên việc lựa chọn quy trình xử lý, hệ vi sinh trong bể lọc vi sinh cần phải nghiên cứu lựa chọn cho phù hợp để hệ thống xử lý đạt hiệu quả tốt và ổn định.
Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng ô nhiễm ở cảng cá thị trấn Vàm Láng trở nên nghiêm trọng đó chính là vấn đề nước thải. Theo đề án, để giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước mặt tại thị trấn Vàm Láng thì nước thải sinh hoạt và nước thải từ các cơ sở chế biến phải được xử lý đạt chuẩn thải trước khi thải ra môi trường.
Chính quyền thị trấn Vàm Láng và huyện Gò Công Đông cũng đã nhận diện được vấn đề môi trường và đã đưa ra quy hoạch xây dựng 3 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 5.500 m3/ngày (đến năm 2020), thêm 1 trạm xử lý nước thải có công suất 1.500 m3/ngày giai đoạn đến năm 2030. Tuy nhiên, với tổng công suất các trạm xử lý sẽ được xây dựng chỉ đủ xử lý nước thải phát sinh từ sinh hoạt.
Để người dân tự giác không đổ rác xuống kinh, rạch, ao hồ, vĩa hè, lòng đường và nơi công cộng, cần tăng cường công tác dân vận, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, trường học, vận động tuyên truyền giải thích cho người dân về tác động của sự ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người.
Qua đó, nâng cao ý thức của người dân về BVMT sống sẽ được nâng cao. Để hoàn thiện đề án, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn trực tiếp đại diện 220 hộ dân tại thị trấn Vàm Láng. Mặc dù tự nhận là đổ rác tại các bãi đất trống, kinh, rạch xung quanh nhà nhưng khi được hỏi nếu chính quyền địa phương phát động các chương trình như: Bỏ rác đúng nơi quy định, đăng ký thu gom rác, dọn vệ sinh các khu vực xung quanh thì hầu hết đều trả lời sẵn sàng hưởng ứng. Đây chỉ là kết quả phỏng vấn của 220/3.333 hộ dân của thị trấn Vàm Láng. Từ kết quả đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng việc chọn giải pháp dân vận để nâng cao ý thức về BVMT trong người dân là khả thi.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương cũng phải quan tâm đến nguồn nhân lực, mở rộng mạng lưới thu gom rác tại các khu dân cư. Đào tạo nguồn nhân lực cho công tác dân vận trong lĩnh vực môi trường.
MINH THÀNH