Thứ Ba, 07/02/2017, 06:42 (GMT+7)
.

Hiệu quả từ phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Nhờ tổ chức có hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi do Trung ương Hội Nông dân (HND) phát động, trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, điển hình nông dân SXKD có hiệu quả, mang lại thu nhập cao, tạo tiền đề thoát nghèo bền vững.  

Nhiều nông dân trở thành “triệu phú” từ cây thanh long.
Nhiều nông dân trở thành “triệu phú” từ cây thanh long.

NÔNG DÂN NĂNG ĐỘNG

Lựa chọn những loại nông sản có giá trị, đầu ra ổn định để canh tác, thích ứng với nhu cầu thị trường, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, chính là sự năng động thường thấy đối với nông dân của huyện. Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại xã Quơn Long, vốn nổi danh là quê hương của những “triệu phú” thanh long. Những vườn thanh long phủ màu xanh bạt ngàn chạy dài theo từng tuyến lộ nông thôn.

Ngôi nhà khang trang nằm giữa vườn thanh long tốt tươi là của chú Huỳnh Văn Hân, ấp Quang Khương. Hơn 10 năm với kinh nghiệm trồng thanh long, vườn thanh long của chú Hân lúc nào cũng xanh tốt, năng suất, chất lượng trái luôn đạt cao, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Vì thế, năm 2016 chú Hân được công nhận là nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.

Dù đã bước sang tuổi 60, nhưng chú Nguyễn Văn Ân, ấp Long Hòa vẫn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để ứng dụng vào chăm sóc vườn thanh long của gia đình. Với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nên gia đình chú Ân - chủ vườn thanh long rộng gần 1 ha không quá bận tâm đến chuyện tiền nong. Chú Ân cho biết: “Trước đây chú trồng lúa và dừa. Chú bắt đầu trồng thanh long gần 20 năm nay. Thấy bạn bè ở các xã Lương Hòa Lạc, Hòa Tịnh trồng thanh long cho kinh tế cao, chú bắt đầu tìm hiểu, mạnh dạn chuyển 4 công đất lúa, dừa sang đổ cột trồng thanh long ruột trắng. Khi chưa có mạng lưới điện phục vụ sản xuất, chú quyết định mua máy dầu chạy điện để xông đèn cho thanh long, vì thế thanh long cho trái quanh năm. Nhờ trúng mùa, trúng giá, năm 2004 chú mua thêm 5 công đất để trồng thanh long ruột trắng. 4 năm trước, chú bán thanh long ruột trắng giá 26.000 đồng/kg, lãi hàng trăm triệu đồng. Những năm gần dây giá thanh long ruột trắng dao động từ 8 - 15 ngàn đồng/kg.

Cũng nhờ thanh long mà chú sửa lại căn nhà khang trang, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại, chú đã hạ thế được 4 bình điện, trong đó 1 bình để xông thanh long vườn nhà, 3 bình còn lại chú cho các hộ xung quanh thuê”.
Rời nhà chú Ân, chúng tôi tìm đến gia đình chú Nguyễn Văn Bửu, ấp Long Thạnh để tìm hiểu bí quyết thành công với cây thanh long. So với nông dân trồng thanh long trong xã, diện tích trồng thanh long của chú Bửu không nhiều (4 công), nhưng năng suất và hiệu quả rất cao. Chú Bửu chia sẻ: “Kể từ ngày chuyển đổi sang trồng thanh long, cuộc sống gia đình chú chuyển biến rõ rệt. Đó là nhờ giá cả, thị trường loại trái cây này ít biến động.

Với 2 công thanh long ruột trắng và 2 công thanh long ruột đỏ, cả 2 loại đang chín, chú chuẩn bị thu hoạch. Với giá thanh long ruột trắng hiện nay từ 10 - 18 ngàn đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 30 - 40 ngàn đồng/kg, dự kiến chú lãi cả trăm triệu đồng. Vườn thanh long gần 10 năm, những bụi thanh long to cao, trái xum xuê, chú Bửu cho biết: “Những bụi này có thể cho trên 100 trái, nhưng chú tuyển bớt, chỉ để mỗi bụi từ 50 - 70 trái để trái to và không bị suy cây. Chú trồng thanh long luôn đặt chất lượng, an toàn lên hàng đầu; không chạy theo số lượng, giá cả”.

Ông Phạm Văn Tới, Phó Chủ tịch HND huyện cho biết: “Trong điều kiện cạnh tranh hàng hóa ngày càng gay gắt nên nông dân huyện nhà buộc phải năng động, sáng tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho kinh tế cao. Trong đó, cây thanh long được nhiều nông dân lựa chọn là cây trồng chủ lực. Hiện toàn huyện có khoảng 5.000 ha thanh long, sản lượng đạt khoảng 95.000 tấn mỗi năm. Thanh long được trồng ở khắp các xã trên địa bàn huyện nhưng tập trung tại các xã: Quơn Long, Thanh Bình, Tân Thuận Bình, Thanh Bình, Đăng Hưng Phước, Tân Bình Thạnh… Trên cơ sở đó, các ngành chuyên môn, HND các cấp luôn đồng hành, khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng có lợi, góp phần gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình”.

ƯA KHOA HỌC, VỐN ĐẾN VỚI NÔNG DÂN

Khoa học - kỹ thuật (KH-KT) đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi. Mỗi thời điểm mỗi khác, nếu hiện nay nông dân cứ áp dụng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi cũ thì giá trị cây trồng, vật nuôi sẽ thấp, kéo theo kinh tế khó mà phát triển. Vì vậy, một trong những hoạt động được Hội chủ động triển khai thực hiện đó là mở các lớp tập huấn chuyển giao KH-KT cho hội viên, nông dân. Năm 2016, Hội phối hợp với ngành Nông nghiệp, các tổ chức kinh tế tổ chức 435 cuộc chuyển giao tiến bộ KHKT cho 13.501 cán bộ, hội viên nông dân; thực hiện các mô hình thí điểm sử dụng công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu trên cây lúa và nhiều cuộc tham quan học tập kinh nghiệm thu hút 1.294 hội viên.

Hiện trên địa bàn huyện được Trung ương HND và Tỉnh hội đầu tư 7 dự án với số vốn gần 4 tỷ đồng; Huyện hội xây dựng 1 dự án chăn nuôi bò ở xã Lương Hòa Lạc. Phối hợp với ngân hàng củng cố 3 tổ liên doanh vay vốn với 3.817 hộ vay trên 197 tỷ đồng; củng cố 5 tổ tiết kiệm trên 23 tỷ đồng… Ông Nguyễn Văn Vẹn, Chủ tịch HND huyện cho biết: “Song song đó, Hội đã phối hợp phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tham gia các cuộc thi sáng tạo nhà nông. Củng cố các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), toàn huyện có 7 HTX và 137 THT. Thông qua đó, hội viên, nông dân phần nào nắm bắt được kỹ thuật cơ bản để từng bước áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao được kỹ năng lao động cũng như chủ động đăng ký và triển khai thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất”.

Năm 2016, huyện có 11 nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh, điển hình như: Anh Đào Văn Thanh, ấp Mỹ Thọ, xã An Thạnh Thủy với mô hình trồng thanh long và chăn nuôi gà, thu nhập hàng năm gần 1,5 tỷ đồng; hay như chú Phạm Hoàng Minh, ấp Bình An, xã Song Bình với mô hình trồng bưởi da xanh cho thu nhập hàng năm hơn 700 triệu đồng… Đây là những nhân tố quan trọng trong việc mạnh dạn thực hiện ứng dụng khoa học, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần thực hiện phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng mang lại kết quả thiết thực.

Ông Nguyễn Văn Vẹn cho biết thêm: “Trong thời gian tới các cấp HND của huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi bằng những việc làm, giải pháp cụ thể như: Hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng những mô hình SXKD có hiệu quả; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ; khuyến khích hội viên, nông dân phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình, THT, HTX; đồng thời chọn những loại giống mới có năng suất, chất lượng cao để phát triển trong trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất, xây dựng thương hiệu theo chương trình VietGAP, GlobalGAP...”.

P. MAI

.
.
.