Cần có nhiều chính sách quan tâm, chăm lo
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; quan tâm chăm lo đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống lang thang, cơ nhỡ. Tuy nhiên, vẫn còn khá phổ biến tình trạng trẻ em sống lang thang, cơ nhỡ và trẻ em lao động sớm. Để khắc phục tình trạng này, rất cần sự quan tâm, chăm lo của các tổ chức chính trị - xã hội.
Trẻ em đi bán vé số là hình ảnh rất dễ dàng bắt gặp tại nhiều nơi trong tỉnh. |
LÀM NHIỀU VIỆC ĐỂ KIẾM SỐNG
Dạo quanh các con đường của TP. Mỹ Tho, chúng tôi bắt gặp không ít trẻ em sống lang thang, đang rong ruổi khắp các nẻo đường làm nhiều công việc để kiếm sống. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lẽ ra các em phải được học hành, chơi đùa, được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, vậy mà nhiều em do hoàn cảnh thiếu may mắn đã phải vất vả lao động khi tuổi đời còn quá nhỏ.
Dưới cái nắng chói chang, nghe tiếng kêu của ông khách đang ngồi hóng mát ở Công viên Thủ Khoa Huân, Nam vội tấp xe vào vệ đường. Cầm xấp vé số dày cộm trên tay, Nam thở hổn hển, quơ nhanh cánh tay gầy guộc vào túi xách lấy chai nước uống thật nhanh, rồi chạy đến mời ông khách. Nam mới 12 tuổi nhưng đã có hơn 5 năm bán vé số dạo ở TP. Mỹ Tho. Nam cho biết, trước đây gia đình em sống ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Do không có đất sản xuất, không nghề nghiệp, cuộc sống khó khăn nên ba mẹ Nam buộc phải đưa mấy chị em Nam lên TP. Mỹ Tho thuê trọ để kiếm sống. “Hằng ngày, con đạp xe đi bán vé số. Thấy mấy cái chai, lon người ta vứt, con tranh thủ nhặt đem về bán. Ban đêm, con đi phụ chạy bàn bán hủ tiếu gõ cho người ta ở đầu xóm trọ...” - Nam kể.
Ở đường Lê Thị Hồng Gấm, chúng tôi gặp Phát, 8 tuổi, tay bưng thau bánh cam đi bán dạo. Em cho biết, nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngày em bán được khoảng 80 bánh, kiếm lời được vài chục ngàn đồng; vào mùa mưa, tiền lời chưa bằng phân nửa mùa nắng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều trẻ em phải vất vả lao động kiếm sống: Bán vé số, phụ việc nhà, bán hàng rong, khuân vác… Do tuổi còn quá nhỏ và kinh nghiệm sống chưa có, không ít em đã trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo, thậm chí sa chân vào các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, rượu chè, ăn cắp vặt, tiêm chích ma túy…
CẦN SỰ QUAN TÂM, GIÚP ĐỠ
Những năm qua, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể nên công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn tỉnh từng bước có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực trạng trẻ lao động sớm, sống lang thang, cơ nhỡ vẫn còn. Theo số liệu điều tra của Sở LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh còn trên 38.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có hơn 1.000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa hoặc bị cha mẹ bỏ rơi và khoảng 100 trẻ em phải lao động sớm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em sống lang thang, vất vả lao động sớm để kiếm sống, trong đó nguyên nhân chính có thể kể đến là cuộc sống gia đình. Chính cuộc sống gia đình không hạnh phúc: Cha mẹ ly hôn, bạo hành gia đình, bị bỏ rơi không nơi nương tựa… đã khiến nhiều em mặc cảm, tự ti với bạn bè và do suy nghĩ nông cạn, các em tỏ ra chán nản, bỏ học, bỏ nhà đi bụi, tụ tập băng nhóm sống lang thang khắp nơi. Mặt khác, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều em buộc phải nghỉ học sớm để phụ ba mẹ kiếm sống, không ít em đã trở thành trụ cột gánh vác, chăm lo cho cả gia đình. Hoặc do không được quan tâm, chăm sóc và giáo dục nên một số trẻ em sống lang thang, không nơi nương tựa rơi vào cạm bẫy xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm, sinh lý.
Để góp phần hạn chế tình trạng trẻ em sống lang thang, cơ nhỡ phải vất vả lao động kiếm sống, thiết nghĩ cần có sự quan tâm sâu sắc hơn nữa từ các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong việc hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục để các em vượt qua khó khăn, hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.
ĐỖ PHI