Thứ Năm, 23/03/2017, 20:43 (GMT+7)
.

Khi Hội là "điểm tựa" cho nông dân.

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng luôn được Hội Nông dân huyện Gò Công Tây xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của nông dân. Đây cũng là hoạt động để các hội viên gắn bó ngày càng chặt chẽ, qua đó nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Từ xác định trên, hằng năm, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân; xây dựng nhiều mô hình trình diễn cây, con giống mới, cải tiến kỹ thuật… cho nông dân. Ngoài ra, Hội còn giới thiệu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả trong và ngoài huyện, làm cơ sở để nông dân có điều kiện tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất.

Không những vậy, Hội còn hỗ trợ tư liệu sản xuất, tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Cụ thể, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách - Xã hội đã giải ngân hơn 240 tỷ đồng cho 9.500 nông dân vay để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Bằng các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác của Trung ương Hội, vốn từ Tỉnh hội, hàng tỷ đồng đã được đưa vào hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều cuộc thi như: Nông dân SX-KD giỏi, xây dựng nông thôn mới, sáng tạo kỹ thuật nhà nông…Qua đó, tinh thần sáng tạo, ham học hỏi của nông dân được khơi dậy; nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nông dân áp dụng vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Dự án chăn nuôi bò ở xã Long Vĩnh.
Dự án chăn nuôi bò ở xã Long Vĩnh.

Để khích lệ các phong trào của Hội, hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức phát động phong trào thi đua, bình xét, khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các dịp tổng kết, hội nghị biểu dương... nên đã thu hút đông đảo hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu SX-KD giỏi. Cũng từ đó, phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi ngày càng được phát triển sâu rộng trong nhân dân, góp phần làm thay đổi mạnh mẽ phương thức, tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ sang hợp tác đa canh, đa con với quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Điển hình như mô hình chăn nuôi, kinh doanh tổng hợp của bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, bà Trần Thị Minh Châu (xã Yên Luông), ông Lê Quang Thạnh, ông Võ Thanh Phong (xã Bình Nhì), ông Nguyễn Thanh Thống (xã Long Vĩnh)…thu lợi nhuận mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng; mô hình nuôi heo hướng nạc, nuôi bò sinh sản của ông Nguyễn Văn Minh (xã Yên Luông), ông Huỳnh Văn Y, ông Trương Công Anh (xã Bình Nhì), ông Huỳnh Văn Nghĩa (xã Thạnh Nhựt) mỗi năm thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng; mạnh dạn thực hiện “dồn điền đổi thửa” với trang trại nuôi cá sấu, heo, vịt đẻ, cá… đã mang về cho gia đình ông Võ Văn Thì (xã Long Vĩnh) lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm… Và còn nhiều điển hình khác về nuôi trồng, khai thác thủy sản, vườn dừa xen ca cao phát triển trên địa bàn huyện.

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, các cơ sở Hội đã phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân góp công, góp của với tổng trị giá trên 8 tỷ đồng. Đặc biệt, trong công tác bảo vệ môi trường, Hội thường xuyên chú trọng vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, nguồn nước sinh hoạt, trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường nông thôn, tại địa điểm công cộng.

“Các phong trào thi đua yêu nước triển khai thực hiện trong thời gian qua đã góp phần khơi dậy và phát huy tinh thần thi đua, vai trò làm chủ và sức sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân; giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, thích ứng với cơ chế thị trường. Cũng từ đó, quyền lợi của hội viên nông dân được tăng lên, các hội viên ngày càng gắn bó với tổ chức Hội, tạo cơ sở củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh” - ông Trần Văn Nghiệm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây khẳng định.

KIỀU TƯỚC NGUYÊN

.
.
.