Thứ Tư, 15/03/2017, 20:52 (GMT+7)
.

Nơi "chắp cánh" cho trẻ em khuyết tật

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đã tiếp nhận nuôi, dạy nhiều trẻ khuyết tật, trong đó có nhiều em đã vượt qua mặc cảm, tự tin bước vào đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Các em khuyết tật chăm chỉ học nghề tại Trung tâm.
Các em khuyết tật chăm chỉ học nghề tại Trung tâm.

Trung tâm tiếp nhận trẻ khuyết tật các dạng: Khuyết tật vận động, chậm phát triển trí tuệ, bệnh đao, trẻ tự kỷ (rối loạn hành vi)… Hiện Trung tâm có 110 trẻ khuyết tật từ 0 - 6 tuổi. Ông Võ Văn Lê, Giám đốc Trung tâm cho biết, đa số các em bị khuyết tật khá nặng, nhưng vẫn còn khả năng phục hồi. Khi ở gia đình, hầu hết các em ít tiếp xúc với môi trường xung quanh. Đặc biệt, đối với những trẻ chậm phát triển trí tuệ, ít ai nghĩ rằng có thể phục hồi được, nhưng qua một thời gian được Trung tâm nuôi dưỡng, dạy dỗ và điều trị, nhiều trẻ đã có sự tiến bộ rõ rệt, biết cách giao tiếp với những người xung quanh, có thể học giáo dục hòa nhập tại các trường. Hằng năm Trung tâm có khoảng 40 trẻ hòa nhập; số chưa hòa nhập được, Trung tâm vẫn tiếp tục nhận theo yêu cầu của phụ huynh.

Có tận mắt chứng kiến các cô giáo dạy trẻ khuyết tật mới cảm nhận tình yêu thương trẻ của các cô thật bao la. Với trẻ khuyết tật nặng, mỗi cô giáo chỉ dạy 1 em. Trung bình mỗi tuần các em học 2 buổi, mỗi buổi 2 giờ. Chỉ 1 kỹ năng nhỏ dạy cho trẻ khuyết tật phải dạy đi dạy lại nhiều tháng các em mới làm được, đòi hỏi các cô cùng lúc phải đảm đương nhiều vai trò: Cô giáo, người mẹ, người bạn. Đối với những trẻ bại não, trong các tiết dạy phải sử dụng những trang thiết bị dạy học trực quan để giúp các em tiếp thu.

Các cô còn tiến hành phục hồi chức năng vận động của trẻ bằng phương pháp luyện tập kết hợp với xoa bóp, kéo giãn, áp dụng các bài tập sửa tật ngôn ngữ, đã phòng ngừa được các biến chứng thứ phát cho trẻ như: Co rút cơ, teo cơ… Đối với các em khiếm thính, cho các em học ở phòng cách âm, dạy cho các em nghe và nói, kết hợp dạy ngôn ngữ khẩu hình, hội thoại, giảm đi ngôn ngữ dấu. Với trẻ chậm phát triển, các em học 4 kỹ năng: Tự lực, vận động, xã hội và giao tiếp, đặc biệt chú trọng kỹ năng “tự lực” để các em tự vận động trong sinh hoạt hằng ngày. Dù khó khăn nhưng nhờ kiên trì và tình yêu thương trẻ, các cô ở đây đã vượt qua áp lực công việc để gắn bó với các em. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên phối hợp với các bệnh viện tổ chức khám, điều trị và hướng dẫn người thân của trẻ phương pháp trị liệu cho trẻ tại gia đình.

Ngoài phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật nặng, Trung tâm còn dạy nghề cho các em khuyết tật nhẹ. Trung tâm đang trực tiếp dạy nghề cho 7 trẻ khuyết tật, chủ yếu các nghề như kết cườm, làm hoa giả…Anh Nguyễn Duy Hoàng Sơn, giáo viên dạy nghề ở Trung tâm cho biết: “Dạy kỹ năng, dạy nghề đối với những người bình thường đã khó, dạy cho những em khuyết tật càng khó hơn, người dạy phải hiểu ý từng em mới có thể dạy hiệu quả...”.

Được biết, ngoài dạy nghề, Trung tâm còn giới thiệu hơn 40 em khuyết tật đi học nghề may, điện dân dụng, thợ bạc... tại các công ty, doanh nghiệp. Nhiều em học nghề xong đã được các công ty, doanh nghiệp giữ lại làm việc hoặc ra ngoài tìm việc, đa số đều có việc làm phù hợp, có em tự mở tiệm tự lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, đã tạo niềm vui, hạnh phúc và là phần thưởng lớn lao mà các thầy cô giáo ở Trung tâm nhận được.

P. MAI

.
.
.