Tình hình hạn, mặn chưa gay gắt
Đến thời điểm này, mực nước nội đồng ở các vùng dự án phía Đông của tỉnh vẫn còn rất dồi dào, chất lượng nước tương đối tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân thu hoạch dứt điểm diện tích lúa đông xuân 2016 - 2017, cũng như phục vụ tưới tiêu cho rau màu và sinh hoạt trong mùa khô. Dự báo của ngành chuyên môn, hạn, mặn năm nay không gay gắt và cũng không phức tạp như năm trước.
Nước vẫn dồi dào trên ruộng lúa ở xã Tân Đông |
NƯỚC NỘI ĐỒNG DỒI DÀO
Giữa tháng 3, chúng tôi về các huyện phía Đông của tỉnh để khảo sát tình hình hạn, mặn mùa khô 2017. Từ các tuyến kinh ven Quốc lộ 50 hướng về phía biển mênh mông nước. Càng đi sâu vào nội đồng, mực nước ở các con kinh lớn lẫn nhỏ vẫn còn rất cao. Các ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch phải bơm nước ra ngoài. Ông Nguyễn Văn Mây, ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây) cho biết, năm rồi vào thời điểm này, con kinh Bảy Quang đã cạn khô nhưng năm nay nước rất cao. Nhiều ruộng lúa sắp thu hoạch bị nước tràn vào, chủ ruộng phải tốn tiền cho việc bơm tát ra bên ngoài.
Tại huyện Chợ Gạo, ông Phạm Văn Tiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo ngành Nông nghiệp vừa khảo sát những địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn, mặn ở ấp Bình Thọ I, Bình Thọ II, Bình Khương II, Bình Quới (xã Bình Phục Nhứt)... Sau khi khảo sát, ông Phạm Văn Tiếu cho biết, mực nước nội đồng còn khá cao, chất lượng nước được đảm bảo, rau màu phát triển tốt, bà con rất phấn khởi.
Về các xã ở huyện biển Gò Công Đông, nước kinh nội đồng cũng còn khá cao, tỷ lệ mặn không đáng kể. Kinh Champeaux thuộc xã Tân Thành vào thời điểm này năm trước đã cạn khô, năm nay, mực nước còn khá cao. Bà Lê Thị Huệ, nhà cập tuyến kinh này cho biết, đến nay, mực nước còn cao, độ mặn cũng không đáng kể nên rất thuận lợi cho việc tưới tiêu rau màu và sinh hoạt của người dân. “Trước các khuyến cáo của địa phương về tình hình xâm nhập mặn, năm nay, nông dân đã chủ động trữ nước ngọt cho sản xuất và sử dụng nước tiết kiệm, chú ý bảo vệ môi trường, gieo sạ đúng lịch thời vụ” - bà Huệ nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Gò Công Đông cho biết, mực nước ở hầu hết các tuyến kinh trên địa bàn huyện còn khá cao nên không có diện tích lúa nào bị ảnh hưởng. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân trồng lúa bơm tát trong những ngày tới, cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Tuy lượng nước vẫn còn đủ, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn thường xuyên theo dõi chất lượng nước để thông báo cho nhân dân biết khi mặn xâm nhập.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, diễn biến xâm nhập mặn từ đầu mùa khô 2016 - 2017 đến trung tuần tháng 3-2017 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện muộn hơn và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 - 2016. Mùa khô 2016 - 2017 ở vùng ĐBSCL có khả năng thuộc năm thủy văn diễn biến xâm nhập mặn ở mức bình thường. Nguồn nước ngọt về đồng bằng khá dồi dào so với cùng kỳ năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, từ nay đến cuối tháng 4-2017, xâm nhập mặn ngưỡng 4g/l vẫn có khả năng xảy ra và ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân trong phạm vi cách biển 20 - 25 km. Trong tháng 5-2017, nếu không có mưa, độ mặn trên các cửa sông vẫn còn cao và kéo dài sang tháng 6. |
HẠN, MẶN CHƯA PHỨC TẠP
Huyện cù lao Tân Phú Đông trong thời gian qua đã cho triển khai nhiều biện pháp ứng phó với tình trạng hạn, mặn năm 2016 - 2017. Cụ thể, huyện đã cho nạo vét hoàn thành 17 tuyến kinh trong khu vực nội đồng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông và chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái. Ngoài 2 cống hiện hữu để dẫn nước xuống vùng Phú Thạnh - Phú Đông, ngành Nông nghiệp huyện còn đang cho mở thêm một cống dẫn nước ngọt khác nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân. Đối với nước sinh hoạt, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết, bên cạnh hỗ trợ bồn trữ nước ngọt, ngành chức năng tỉnh còn đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống ống dẫn nước ngọt từ huyện Gò Công Tây (6.000 m3/ngày đêm) sang huyện Tân Phú Đông. Tiếp đó, tỉnh còn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để huyện nâng cấp và kéo mới đường ống nước vào các khu dân cư đang thiếu nước, cũng như dự kiến mở 33 vòi nước công cộng và 6 ao trữ nước ngọt.
Nói về tình hình hạn, mặn hiện nay, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: “Theo dự báo của chi cục, mặn năm 2017 sẽ sớm hơn trung bình nhiều năm và trễ hơn 2016. Nhưng qua số liệu quan trắc, từ đầu mùa khô đến nay, trên sông Tiền và sông Vàm Cỏ, độ mặn xấp xỉ trung bình nhiều năm. Cụ thể, cống Vàm Giồng nằm trong vùng Ngọt hóa Gò Công đóng ngăn mặn từ ngày 22-12-2016, trễ hơn dự kiến 12 ngày và trễ hơn 2016 là 32 ngày. Cống Xuân Hòa dự kiến đóng ngăn mặn khoảng 10-2-2017, nhưng đến nay cống này vẫn lấy nước ổn định. Mực nước nội đồng rất cao, dao động từ 0,6 - 0,8 m. Độ mặn ở các cống cuối nguồn cũng còn tốt. Cụ thể, độ mặn tại cống Long Hải chỉ có 0,85 g/l, cống Rạch Bùn 0,5 g/l. Với độ mặn này, các trà lúa trong vùng Ngọt hóa Gò Công vẫn phát triển tốt. Tại Dự án Bảo Định, mực nước đang rất cao, dao động từ 0,5 - 0,8 m. Hầu như độ mặn trong vùng dự án này không có”.
Vùng Ngọt hóa Gò Công hiện còn trên 20.000 ha lúa sử dụng nước, khoảng 10.000 ha vừa thu hoạch, vừa cắt nước chờ thu hoạch. Đến ngày 20-3, trong vùng có khoảng 3.000 - 4.000 ha lúa còn sử dụng nước. Nếu cống Xuân Hòa lấy nước đến cuối tháng 3-2017 thì nguồn nước sẽ đáp ứng hoàn toàn vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 ở các huyện, thị phía Đông. Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, với lượng nước này sẽ đảm bảo cho vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, cũng như sinh hoạt của người dân. Dự báo cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, mặn sẽ xâm nhập sâu, nhưng thời điểm đó, lúa đã thu hoạch xong, mực nước trong nội đồng vẫn đáp ứng tưới tiêu cho cây thanh long ở huyện Chợ Gạo và các vườn cây ăn trái khác.
SĨ NGUYÊN