Thứ Bảy, 25/03/2017, 22:57 (GMT+7)
.

Trung tâm Công tác xã hội Tiền Giang: Nơi lòng nhân ái thăng hoa

Ra đời cách nay khoảng 41 năm, tiền thân là Trại Dưỡng lão Tân Mỹ Chánh (năm 1976), Trung tâm Công tác xã hội Tiền Giang qua 4 lần đổi tên: Trại Xã hội Mỹ Tho (năm 1978), Trung tâm Xã hội Tiền Giang (năm 1995), Trung tâm Bảo trợ xã hội Tiền Giang (năm 2006) và Trung tâm Công tác xã hội Tiền Giang (từ năm 2012 đến nay) - gọi tắt là Trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm và tặng quà  đối tượng đang nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm và tặng quà đối tượng đang nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

NÂNG CAO TÍNH CHUYÊN NGHIỆP

Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành với những tên gọi khác nhau gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ, các thế hệ cán bộ, viên chức, nhân viên của Trung tâm đã đồng lòng, chung sức vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Suốt nhiều năm qua, Trung tâm luôn là một trong những địa chỉ uy tín, tin cậy trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng xã hội. Trung tâm luôn được Trung tâm Công tác xã hội các tỉnh lựa chọn làm cơ sở nghiên cứu xây dựng mô hình cơ sở Công tác xã hội.

Trung tâm Công tác xã hội Tiền Giang là đơn vị sự nghiệp, được tổ chức lại theo Quyết định 1492/QĐ-UBND ngày 22-6-2012 của UBND tỉnh Tiền Giang, trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang.Có chức năng tham mưu cho Ban Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tổ chức thực hiện quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và tổ chức các hoạt động khác cho các đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm theo đúng quy định Nhà nước; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng xã hội theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và quy định của pháp luật.

Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng cho người tâm thần, người bị rối nhiễu tâm trí đang sống tại cộng đồng. Đồng thời là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng xã hội phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, nhân cách; chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.

Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm có thêm chức năng tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về, được các cơ quan chức năng ở Việt Nam tiếp nhận, phân loại, đánh giá và bàn giao cho Trung tâm dựa trên sự tự nguyện của đối tượng để tiếp tục hỗ trợ thông qua việc cung cấp các dịch vụ phục hồi sức khỏe, tư vấn tâm lý, pháp lý, hướng nghiệp và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

LÀM VIỆC BẰNG TÌNH THƯƠNG

Hiện Trung tâm nuôi dưỡng hơn 350 đối tượng chính sách neo đơn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang cơ nhỡ và người bệnh tâm thần… Hoạt động của Trung tâm ngày càng đi vào nền nếp, quy củ, với 3 phòng chức năng thực hiện công tác xã hội ngày một chuyên nghiệp hơn. Các cán bộ, nhân viên của Trung tâm được đào tạo chuẩn hóa và làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả tình thương yêu, đã vun đắp tinh thần cho những trẻ em sớm xa rời tình thương ruột thịt, của những cụ ông, cụ bà lúc tuổi xế chiều và xoa dịu bệnh tật của những người yếu thế trong xã hội.

Cô nữ sinh lớp 11, Trường THPT Chợ Gạo Nguyễn Thị Bé Lệ chia sẻ: “Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, những đứa trẻ sống tại Trung tâm như chúng con không có được sự đùm bọc, chở che của cha mẹ, ông bà và những người thân. Chúng con mỗi đứa một hoàn cảnh khác nhau: Có bạn vì bệnh tật, gia đình nghèo khó; có bạn vì cha mẹ ly hôn, không người nuôi dưỡng, bỏ nhà sống lang thang; có bạn thì cha mẹ mất sớm; có bạn bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi cất tiếng khóc chào đời và còn nhiều hoàn cảnh đáng thương khác... Tất cả chúng con đã được cùng về sống dưới mái nhà chung - Trung tâm Công tác xã hội Tiền Giang. Vốn là những đứa trẻ đầy mặc cảm, tự ti và nhiều nỗi âu lo, chúng con đã có được niềm vui, niềm tin yêu vào cuộc sống và trưởng thành theo thời gian trong sự đùm bọc, yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ tận tình của các cô, chú”.

Ông Đinh Huỳnh Long ở ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây xúc động: “Sau 3 tháng được điều trị tại Trung tâm, sức khỏe con tôi đã ổn định, được trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng. Gia đình tôi rất vui mừng và biết ơn các cấp lãnh đạo, tập thể cán bộ và nhân viên Trung tâm”. Theo ông Long, con trai của ông tên Đinh Minh Triết bị chấn thương phần đầu do bị tai nạn, dẫn đến chứng rối nhiễu tâm trí. Triết thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà, quấy phá hàng xóm, có khi bỏ nhà đi lang thang. Gia đình ông từ chỗ đủ ăn, đủ mặc dẫn đến khó khăn, túng thiếu do phải tốn tiền thuốc men lo cho con và do phải mất thời gian đưa con đi điều trị ở nhiều nơi nên bỏ bê công việc ruộng đồng.

Gia đình ông lúc nào cũng lo lắng, hồi hộp khi nghĩ đến con sẽ có những hành vi làm tổn thương đến mọi người xung quanh bất cứ lúc nào. “Gửi con vào Trung tâm,  từ tiền thuốc điều trị đến chi phí ăn uống, sinh hoạt đều được Nhà nước hỗ trợ, gia đình không phải đóng bất cứ một khoản tiền nào. Bằng các phương pháp: Tập vật lý trị liệu, lao động trị liệu…, bệnh của con tôi đã thuyên giảm từng ngày, dần vui vẻ, hoạt bát trở lại, cùng tập thể làm những công việc thường ngày (quét dọn, tưới cây…). Cháu còn biết phụ giúp nhân viên của Trung tâm chăm sóc những đối tượng bệnh nặng hơn trong sinh hoạt hằng ngày...” - ông Long cho biết thêm.

Sự hồi phục sức khỏe của bệnh nhân, sự trưởng thành của những đứa trẻ mồ côi, niềm vui ấm áp của những người cao tuổi… chính là sự động viên tinh thần rất lớn đối với tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm. Nhiều trẻ mồ côi trưởng thành từ Trung tâm luôn nhớ về nơi đây như mái nhà ấm áp với những người xa lạ đã hóa thành ruột rà như ba Chính, má Châu, anh Vinh, chị Hằng… Đó là những cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã dành nhiều thời gian và tình thương để vun đắp hạnh phúc cho những người yếu thế trong xã hội.

MAI HÀ

.
.
.