"Long đong" nghề bán hàng rong
Bên cạnh những ồn ào, náo nhiệt của phố thị, đâu đó trong cuộc sống hằng ngày, ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh những gánh hàng rong lọc cọc trên các con đường, góc phố. Để duy trì được kế sinh nhai, hằng ngày, những gánh hàng rong ấy vẫn cứ rong ruổi khắp các “hang cùng ngõ hẻm”. Và đằng sau những gánh hàng nặng trĩu là nỗi lo toan và niềm tin về một ngày mai tươi sáng.
MÓN ĂN CỦA NGƯỜI NGHÈO
Khó thể có con số thống kê chính xác bao nhiêu người bán hàng rong ở TP. Mỹ Tho nhưng chắc chắn con số đó không hề ít. Người bán hàng rong đa phần là dân tứ xứ, do không có trình độ chuyên môn, tay nghề nên họ chọn lề đường, hè phố làm nơi kiếm kế sinh nhai. Mặt hàng vô cùng phong phú, đa dạng, đó là những món ăn dân dã, mùa nào thức ăn đó, tạo cảm giác ngon miệng cho thực khách và giá cả rất phải chăng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Phúc Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết: “Thời gian qua, về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho đối tượng bán hàng rong, ngành Y tế cũng đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nhận được nhiều chuyển biến tích cực từ người buôn bán. Trong thời gian tới, để quản lý vấn đề này, ngoài công tác kiểm tra, nhắc nhở, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác khám sức khỏe cho đối tượng bán hàng rong trên địa bàn tỉnh”. |
Trong cuộc sống hối hả, bộn bề lo toan hiện nay, hàng rong không còn là mặt hàng để “ăn chơi” nữa, mà còn là món ăn để lót dạ của nhiều người dân nghèo, công nhân lao động sau những buổi làm việc mệt nhọc. Chỉ cần từ 5.000 đến 10.000 đồng là họ có ngay bữa ăn sáng vừa rẻ vừa hợp túi tiền. Hằng ngày, trước cổng Khu công nghiệp Mỹ Tho, những gánh hàng rong, xe đẩy bán đồ ăn sáng luôn tấp nập người mua, người bán. Những mặt hàng ăn sáng được bày bán rất đa dạng, phong phú. Nào là bánh mì, khoai lang, bún, bánh ướt, bắp, xôi…, tất cả được người bán che đậy rất cẩn thận. Với sự tiện lợi như vậy, người lao động hoàn toàn có thể có bữa ăn sáng cho mình vừa tiện lợi vừa không mất thời gian.
Chị Nguyễn Thị Lý, công nhân Khu công nghiệp Mỹ Tho cho biết, mỗi ngày chị dành khoảng 10.000 đồng để ăn sáng. Có hôm chị ăn hộp bún 15.000 đồng thì hôm sau ăn gói xôi 5.000 đồng. “Mình làm công nhân, bữa ăn sáng rất quan trọng để làm việc. Tuy nhiên, lương công nhân không có bao nhiêu, lại phải trang trải nhiều thứ, nên tôi phải tiết kiệm chọn ăn sáng ở mấy gánh hàng rong, vừa rẻ vừa đảm bảo chất lượng” - chị Lý cho biết.
“VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH”
Mỗi ngày ở TP. Mỹ Tho có hàng trăm người mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Mỗi cảnh đời, mỗi số phận khác nhau nhưng ẩn chứa đằng sau những gánh hàng rong nặng trĩu ấy là những con người tuy nghèo khó nhưng lại có ý chí và nghị lực mạnh mẽ. Từ tỉnh Quảng Nam vào Mỹ Tho mưu sinh bằng nghề bán bánh mì hơn 10 năm nay, anh Lê Văn Quý (45 tuổi) vẫn không thể nào nguôi ngoai được nỗi nhớ quê. Anh tâm sự: “Lúc mới đến nơi này, tôi làm đủ nghề, sau đó may mắn quen được vài anh em cùng quê chỉ cho công việc bán bánh mì. Mỗi ngày, trừ hết chi phí, tôi kiếm được 150.000 đồng. Ăn uống tiết kiệm, hằng tháng, tôi còn dành dụm được ít tiền gửi về quê phụ gia đình, đỡ phần vất vả cho vợ con”.
Còn chị Phan Thị Liếng (48 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) một ngày bắt đầu từ lúc 5 giờ chạy đi lấy bánh mì, bánh tét, bì bún, bánh ướt… ở chợ rồi về rảo quanh các nhà trọ công nhân và sinh viên để bán. Chị tâm sự, gần 10 năm qua, xe hàng rong của chị vẫn đều đặn lăn bánh mỗi ngày. Nhờ vậy mà chị có thu nhập để lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. “Ba tụi nhỏ mất sớm nên tôi phải gánh vác trọng trách vừa làm mẹ vừa làm cha để nuôi dạy các con. Đến nay, đứa con lớn đang học năm thứ nhất đại học, còn đứa nhỏ đang học gần hết cấp 3. Tôi chỉ mong sao mình có sức khỏe để chăm lo cho các con được ấm no, học hành đến nơi đến chốn là mãn nguyện rồi”- chị Liếng bộc bạch.
Và cứ thế, từng ngày những gánh hàng rong lại tiếp tục rong ruổi khắp các nẻo đường, ngõ phố để mưu sinh. Đã có biết bao hoài bão, ước mơ tốt đẹp được viết lên từ những gánh hàng rong tảo tần như vậy!
ĐỖ PHI