Thứ Ba, 23/05/2017, 15:27 (GMT+7)
.

Những phận đời hát rong

Khi màn đêm buông xuống, TP. Mỹ Tho ngập tràn ánh đèn cũng là lúc những người hát rong bắt đầu cuộc hành trình kiếm sống nơi hè phố. Họ làm nghề không chỉ vì cuộc mưu sinh mà còn là cái nghiệp yêu lời ca tiếng hát.

Hằng đêm, được đem lời ca tiếng hát phục vụ cho mọi người là một hạnh phúc của những người làm nghề hát rong.
Hằng đêm, được đem lời ca tiếng hát phục vụ cho mọi người là một hạnh phúc của những người làm nghề hát rong.

HÁT ĐỂ TÌM VỢ

Ngồi lai rai với vài người bạn ở một quán cóc ven đường gần chợ đêm Mỹ Tho, chúng tôi bỗng thổn thức khi nghe giai điệu bài hát “Xin làm người hát rong”. Một ông già mắt kèm nhèm, tay cầm cây đàn vừa gảy vừa say sưa hát, giọng ông trầm buồn, da diết nghe “não nuột”. Bên cạnh, cô con gái xếp lại rổ kẹo bưng bán khắp quán. Đi cả một vòng mấy quán nhậu, chỉ bán được chừng 5 - 6 cây kẹo, cô con gái buồn buồn giục cha: “11 giờ khuya rồi, hát cả đêm mà bán được có mười mấy cây kẹo hà”. Trong lúc 2 cha con lúi húi kéo cái thùng loa cũ kỹ, chúng tôi gọi họ lại mua hết kẹo rồi trò chuyện dăm ba câu.

Ông tên Sáu Lèo, quê ở huyện Cái Bè, vì đi tìm vợ mà lang bạt đến Mỹ Tho đã hơn 20 năm nay. Cho đến bây giờ, 2 cha con cũng còn ở trọ, sống bằng nghề cầm ca “rày đây mai đó”. Ông kể trong một lần cãi nhau, vợ ông đã bỏ đi. Mấy ngày sau, ông hối hận đi tìm nhưng không thấy. Bà chủ quán nhậu cũng kéo ghế kể chuyện: “Nghe đâu trước đây ông ấy làm chủ vựa trái cây lớn lắm. Đi tìm vợ riết rồi giờ không còn nhà để về luôn. Con gái cũng không được học hành gì, hơn 30 tuổi rồi mà cứ lờ khờ”.

Ông ngậm ngùi tiếp lời: “Đi tìm vợ riết hết tiền, tôi mới đi hát và bán kẹo để có tiền thuê nhà trọ ở, kiếm bữa ăn cho 2 cha con sống qua ngày tháng”. Nhưng “kiếp” hát rong bạc lắm, mỗi đêm, 2 cha con đi từ 6 giờ tối đến tận khuya mà cũng chỉ kiếm được chừng 50.000 - 100.000 đồng. Bóng ông Sáu và cô con gái đã khuất dần trong đêm, trước khi đi ông còn hát tặng chúng tôi mấy câu trong bài Tiếng Thạch Sùng nghe ai oán.

ĐƯỢC HÁT LÀ HẠNH PHÚC

Chị Bùi Thị Ngọc (quê ở huyện Cai Lậy) đã sống với nghề hát rong hơn cả chục năm nay. Từ những ngày mới 15 - 16 tuổi, chị đã yêu cái nghiệp cầm ca này. Chị trải lòng: “Hồi nhỏ, mình mê hát cải lương lắm, cứ mỗi lần nghe cô Lệ Thủy ca là tập tành ca theo. Nghe cải lương từ nhỏ tới lớn nên nó ngấm vào máu. Lớn lên, mình chỉ mơ ước được làm ca sĩ đi hát thôi, hát ở đâu cũng được”. Thế nhưng, mong ước thi vào trường nghệ thuật của Ngọc đã không thành vì cuộc sống quá khó khăn. Ngọc sống với bà ngoại từ nhỏ, bà già yếu, tiền còn không đủ lo cho 2 bà cháu ngày 3 bữa cơm, nên ước mơ của Ngọc mãi mãi chỉ có thể giấu kín trong lòng.

Năm 18 tuổi, Ngọc lên Mỹ Tho xin làm công nhân để kiếm tiền thuốc men cho bà ngoại già yếu. Hằng đêm, sau khi tan ca đạp xe về qua những con đường của thành phố, nghe những người hát rong say sưa chìm đắm trong âm điệu bài hát, Ngọc lẩm nhẩm hát theo rồi nuôi ý định đổi nghề đi hát rong để được sống với niềm đam mê của mình.

Ngọc nhớ lại những ngày đầu tiên đi hát chỉ đủ tiền mua một cái micro và cái loa cũ mua ở hàng ve chai sửa lại xài tạm. Cứ vài ngày, cái loa lại “trở chứng” khiến Ngọc bị khách chê cười. Nhưng không bỏ cuộc, cô gái nhỏ vẫn lặn lội hằng đêm đạp xe chở thùng loa kẹo kéo đi khắp các nẻo đường để đem lời ca tiếng hát đến với mọi người. Ngày nào loa hư thì Ngọc hát “chay”. Có những hôm trời mưa tầm tã, không bán được, Ngọc phải ăn mì gói trừ cơm. Có đôi lần Ngọc đã bỏ trở về quê làm ruộng, nhưng rồi nhớ nghề lại đi hát tiếp.

Đêm nay, Ngọc phá lệ ca mấy bài tân nhạc. Vài anh, chị đang ngồi ăn ốc vỗ tay tán thưởng, có anh cao hứng lên hát song ca với Ngọc. Vài anh còn lại gật gù bảo: “Cô này mà có điều kiện chắc nổi tiếng lắm đây”. Ngọc nghe vậy thẹn thùng đỏ mặt cảm ơn rối rít và tiếp tục cuộc hành trình của mình.

NÊN VỢ CHỒNG NHỜ NGHIỆP HÁT RONG

Và cũng nhờ vào cái nghiệp hát rong ấy, cái tình yêu ca hát ấy, nhiều người cùng cảnh ngộ đã tìm đến với nhau nên vợ nên chồng. Anh Ngô Văn Tùng (30 tuổi, quê huyện Tân Phước) sở hữu giọng hát chất chứa ưu tư không thua gì nam ca sĩ Trường Vũ. Hằng ngày, anh cùng vợ hát rong khắp các nẻo đường của TP. Mỹ Tho kết hợp bán các loại bánh kẹo kiếm sống.

Dưới ánh đèn đường mờ ảo, anh ôm cây đàn ghi-ta hát, chị mang bánh kẹo mời thực khách. Anh kể ngày xưa nhà nghèo lắm, không có tiền đi học nên 18 tuổi đã bắt đầu đi bán kẹo kéo kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em nhỏ. Hồi đó, chị Vân - vợ anh, bán nước mía, thấy anh hát hay nên quý mến. Từ quý mến giọng hát, chị quý luôn chàng nghệ sĩ nghèo có tính tình hiền lành, chất phác. Vậy là họ nên nghĩa vợ chồng đã ngót chục năm rồi. Từ ngày đó, chị bỏ luôn xe nước mía theo anh đi hát rong. Hằng ngày, chị phải làm đủ thứ việc: Bán quán cơm, chăm sóc 2 đứa con nhỏ, tối đến lại cùng anh đi hát. Đang trò chuyện với chúng tôi bỗng giọng anh Tùng chùng xuống: “Dạo này, bà con không còn ủng hộ nhiều như trước. Nhiều người nhậu say yêu cầu hát những bài chế có ca từ tục tĩu và tôi đã từ chối hát nên bán không được nhiều”. Để khắc phục tình hình trên, sắp tới, anh sẽ đi học thêm ảo thuật để đổi khẩu vị cho bà con. Dự định lớn nhất của vợ chồng anh lúc này là dành dụm tiền để cho con vào lớp 1 trong năm học tới.

Một dịp khác, chúng tôi gặp 2 vợ chồng Giang và Hạnh, cả 2 từng là ca sĩ tự do ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, không có nhiều tiền để làm liveshow, quay MV, Giang đành bỏ dở sự nghiệp âm nhạc ở TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang làm ruộng. Đồng cảnh ngộ, Hạnh thấu hiểu và sợ Giang tuyệt vọng rơi vào cảnh cờ bạc, rượu chè nên bỏ việc hát đám cưới ở TP. Hồ Chí Minh về quê tìm bạn. Nhờ sự động viên, tình yêu thương ấy, Giang đã “đứng dậy” và cả 2 gom góp tiền mua đồ nghề để cùng nhau đi hát, bán kẹo kéo. Đến năm 2015, cả 2 đã dành dụm đủ tiền để làm đám cưới. Giang chia sẻ: “Trong ngày cưới của chúng tôi, có mấy chục anh, chị, em trong nghề hát rong đến chung vui. Vợ chồng mình vui và cảm động không kể xiết”.

PHI CÔNG

.
.
.