Chủ Nhật, 25/06/2017, 13:25 (GMT+7)
.

Ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường

Nếu như từ năm 2006 - 2012, trên địa bàn Tiền Giang không xảy ra trường hợp học sinh, sinh viên (HS-SV) sử dụng ma túy thì hiện nay đã phát hiện có HS-SV sử dụng trái phép chất ma túy. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý các em HS-SV và gây lo lắng, bức xúc cho các bậc phụ huynh.

Tuyên truyền về tác hại của ma túy và cách phòng tránh.
Tuyên truyền về tác hại của ma túy và cách phòng tránh.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng ma túy xâm nhập học đường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, nhất là ngành Giáo dục - Đào tạo và Đoàn Thanh niên thực hiện tốt công tác tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp đến các em HS - SV về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan có liên quan đã tổ chức được 500 cuộc tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy trong trường học, với gần 2 triệu lượt người tham dự thông qua các buổi dạy chính khóa, ngoại khóa, tập huấn, tuyên truyền dưới cờ, hái hoa dân chủ, sinh hoạt Đoàn - Hội - Đội, đố vui để học, tọa đàm, gặp gỡ người nghiện. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn thường xuyên duy trì việc phát tờ bướm, tài liệu, đặc san tuyên truyền phòng, chống ma túy và thông báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy.

Ngoài ra, thông qua hệ thống thông tin truyền thông các cấp, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy còn phối hợp các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ma túy… Với các biện pháp phòng, chống, tuyên truyền đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung đã mang lại hiệu quả thiết thực trong ngăn chặn việc ma túy xâm nhập vào môi trường học đường.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm về ma túy và ngăn chặn tệ nghiện ma túy trong học đường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) tiếp tục thực hiện một số giải pháp:

1. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị; Nghị quyết liên tịch 03 của Bộ Công an với Trung ương Đoàn và Kế hoạch liên ngành 1066 của Công an tỉnh với Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang. Tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ có hiệu quả với các ngành, các cấp, các địa phương để thực hiện Kế hoạch 1413/LN về phòng, chống nghiện ma túy trong HS-SV và thanh, thiếu niên; các kế hoạch 01, 02, 03, 07 liên ngành về phòng, chống ma túy trong nhà trường.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy trong nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức và nội dung tuyên truyền phải được cập nhật thường xuyên, chú trọng vào những vấn đề nảy sinh trong phòng, chống ma túy trong trường học như các loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện, phương thức, thủ đoạn mới của bọn tội phạm; nâng cao ý thức cho HS-SV, gia đình và tổ chức đoàn thể hiểu biết tác hại của ma túy, luật pháp liên quan đến ma túy, để từ đó tích cực tham gia phòng, chống ma túy trong trường học.

3. Xây dựng, nhân rộng các mô hình giáo dục phòng, chống nghiện ma túy trong HS-SV và thanh niên đạt kết quả tốt, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền, gia đình và xã hội. Xây dựng hòm thư tố giác, phát giác để kịp thời tố giác HS-SV, thanh thiếu niên có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép các chất ma túy. Đối với các trường có ký túc xá cần có chế độ trực luân phiên của đội thanh niên xung kích kết hợp với Ban quản lý ký túc xá bố trí lực lượng kiểm tra chặt chẽ việc đi lại, rà soát ký túc xá. Đối với những HS-SV, thanh thiếu niên có biểu hiện nghi vấn hoặc nhóm “nguy cơ cao” về sử dụng trái phép các chất ma túy, lớp học, chi đoàn, chi đội không được xa lánh mà cần có sự quan tâm giúp đỡ, tìm hiểu và tháo gỡ những vướng mắc. Đồng thời, động viên, tuyên truyền giáo dục để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc đấu tranh phòng chống ma túy, phòng, chống việc sử dụng trái phép các chất ma túy trong HS-SV và thanh thiếu niên.

4. Đưa nội dung giáo dục phòng, chống ma túy và chương trình học giảng dạy ở các trường học. Tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung chương trình, tài liệu học tập về phòng, chống ma túy với nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ thực hiện. Chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp trong nhà trường, xây dựng các văn bản quy định về quản lý HS-SV, trong đó chú trọng đến phòng, chống ma túy ở khu vực nội trú và ngoại trú. Tổ chức hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ, các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật phòng chống ma túy, hoạt động thể dục - thể thao nhằm thu hút đông đảo HS-SV vào các hoạt động lành mạnh, thường xuyên kiểm tra HS-SV thực hiện các quy định về tổ chức cam kết giữa HS-SV; nhà trường với phụ huynh, giữa các nhà trường với Công an địa phương về xây dựng trường học không ma túy.

5. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tấn công trấn áp các loại tội phạm về ma túy. Phối hợp với lực lượng Công an cơ sở thường xuyên kiểm tra, làm trong sạch môi trường trong và ngoài trường học, không để các đối tượng xấu lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy hoặc rủ rê, lôi kéo HS-SV. Khi phát hiện HS-SV sử dụng ma túy cần phối hợp với chính quyền, gia đình, nhà trường kịp thời xử lý và tổ chức cai nghiện để các em sớm từ bỏ ma túy trở lại học tập.

NGUYỄN QUANG MINH

.
.
.