Lan tỏa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
Châu Thành, quê hương của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt với quân thù. Vì thế, sau chiến tranh huyện cũng có nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh và có công với nước. Hiện toàn huyện có 16.214 người có công, gồm 1.029 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), trong đó còn sống 72 mẹ; 5.750 liệt sĩ, 4.183 đối tượng trợ cấp hằng tháng…
Những năm qua, cùng với cả nước thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, Huyện ủy cùng chính quyền các cấp luôn quan tâm đề ra những chủ trương, chính sách, các giải pháp thiết thực, tích cực vận động nhân dân, cùng các ngành tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách (GĐCS). Bằng các Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND cùng Chương trình hành động của UBND, các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với những giải pháp tích cực, đã mang lại hiệu quả cao trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Cụ thể: Vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 2 tỷ đồng mỗi năm; làm tốt công tác phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, với 72 mẹ còn sống đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng suốt đời với mức tối thiểu 500.000 đồng/tháng/mẹ.
Lễ phong tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” ở huyện Châu Thành. |
Nuôi dưỡng thân nhân liệt sĩ, thương binh, đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh có hoàn cảnh khó khăn. Đối với 3 chương trình cụ thể như: Chương trình nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã xây và sửa chữa 397 căn. Chương trình ổn định đời sống thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên, thì huyện đang duy trì 66 người phục vụ cho 66 thương, bệnh binh có tỷ lệ thương tật 81% trở lên và những thương bệnh binh có vết thương đặc biệt đang an dưỡng tại nhà. Hằng năm, huyện đều tổ chức đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm chăm sóc người có công như: Khánh Hòa, Lâm Đồng từ 70 - 100 đối tượng. Sau những đợt điều dưỡng, hầu hết các đối tượng đều tăng cân, khỏe mạnh do được tham quan, nghỉ dưỡng phù hợp.
Đợt kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, ngoài những phần quà của Trung ương, tỉnh, Tỉnh ủy có 12 phần quà cho gia đình chính sách tiêu biểu của 2 xã Hữu Đạo và Bình Trưng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có 10 phần quà cho 2 xã Kim Sơn và Song Thuận. Huyện ủy Châu Thành cũng có những suất quà thăm viếng gia đình những Huyện ủy viên hy sinh và những gia đình chính sách không trùng những đối tượng nêu trên, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng. |
Theo đánh giá của UBND huyện Châu Thành, phong trào Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công cơ bản được quan tâm chu đáo nên đời sống những đối tượng này từng bước được nâng lên, cùng với những nỗ lực tự vượt lên, nhìn chung những đối tượng chính sách đời sống đã khấm khá hơn. 23/23 xã, thị trấn trong huyện đều được công nhận đã làm tốt công tác chính sách. Tuy nhiên, cần có sự quan tâm nâng chất để duy trì, giữ vững phong trào đầy ý nghĩa này. Cụ thể: Cần điều chỉnh tăng mức trợ cấp hằng tháng cho phù hợp với giá cả hiện nay; tăng nguồn đảm bảo xã hội để tổ chức thăm hỏi, chăm sóc thường xuyên các đối tượng và GĐCS gặp khó khăn, khi ốm đau; nâng cấp, sửa chữa mới cho nhà chính sách, tăng cường nguồn vốn vay ưu đãi đối với con cháu GĐCS để giúp họ làm kinh tế, tự thoát nghèo bền vững. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đoàn thể phụng dưỡng các Bà mẹ VNAH, thường xuyên thăm hỏi với những mẹ còn sống, nhất là với những mẹ già yếu, neo đơn.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, nỗ lực của chính quyền, các đoàn thể và cộng đồng xã hội, những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện Châu Thành đã thực sự lan tỏa, làm sáng thêm đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của vùng đất vốn giàu truyền thống cách mạng. Qua đó, đã từng bước ổn định và nâng cao đời sống đối tượng có công, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 12 CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chăm sóc người có công. Theo đó, hằng năm tiếp tục lập kế hoạch vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để tiếp tục xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tuợng chính sách. Bằng nhiều giải pháp, nhiều hình thức giúp nhiều GĐCS gặp khó khăn được hỗ trợ vốn ưu đãi trong làm ăn, để ổn định kinh tế cho GĐCS. Thường xuyên quan tâm giúp đỡ GĐCS gặp khó khăn, thường xuyên tổ chức họp mặt gia đình thương binh, liệt sĩ vào dịp lễ, tết... nhằm giúp họ ôn lại truyền thống gia đình, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
SƠN PHẠM