Một sáng ở Ngã ba Đồng Lộc
Đã có biết bao bài thơ, văn và cả tác phẩm điện ảnh nói về Ngã ba Đồng Lộc. Đó là một ngã ba xanh, ngã ba anh hùng, ngã ba thần diệu, một ngã ba khác lạ nhất trên mảnh đất Việt Nam này. Bởi nó không chỉ là lối rẽ về mỗi hướng, mà còn được tạo nên bằng xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Tất cả những điều đó đã làm cho chúng tôi thêm náo nức trong chuyến “ về nguồn” nhiều thú vị này.
Ngã ba xương máu - ngã ba xanh
Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc năm 2002 - Ảnh: Duy Sơn. |
Buổi sáng, trời âm u vần vũ, ông Lê Hữu Quý, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh đưa chúng tôi về Đồng Lộc. Con đường láng nhựa dài gần 4km nối Quốc lộ 1 vào đến Ngã ba Đồng Lộc đi qua những làng mạc thanh bình, những cánh đồng quê êm ả, xinh tươi gợi cho chúng tôi nhớ đến dòng sông Lam, núi Hồng Lĩnh trong “Một chút tâm tình người Hà Tĩnh…” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông Quý cho biết: Đồng Lộc ngày xưa ban đêm không được đỏ đèn, đỏ lửa, nhưng bây giờ nhà nào cũng có điện. Nếu xưa kia Đồng Lộc là “toạ độ lửa” thì giờ đây mảnh đất này đã trở thành “chấm xanh” trong dự án xây dựng kinh tế của huyện Can Lộc.
Thật thế, suốt hơn 20 phút từ Quốc lộ 1 vào Đường 15, chúng tôi không thể hình dung ra được nơi đây xưa kia từng là “điểm nóng” của chiến trường ác liệt. Đồng Lộc hôm nay đã thay da đổi thịt. Ngã ba huyền thoại hiện ra thoáng đãng, đẹp như thơ với những rặng thông xanh cao vút trên dãy núi Trọ Voi, và hùng vĩ hiên ngang với tượng đài chiến thắng, biểu tượng của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng của lực lượng thanh niên xung phong(TNXP) trong những năm chống Mỹ.
Lãnh đạo, phóng viên Báo Ấp Bắc và Báo Hà Tĩnh tại Ngã ba Đồng Lộc năm 2002. Ảnh: DS |
Theo chân cô hướng dẫn viên của khu di tích, chúng tôi vượt lên những bậc tam cấp đến viếng Nhà bia tưởng niệm lực lượng TNXP cả nước, nhà bia được Trung ương Đoàn đầu tư xây dựng vào năm 1998 khắc tên 1950 Anh hùng liệt sĩ TNXP cả nước. Mặt chính của bia là danh sách 487 liệt sĩ hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc, hai bên là danh sách các liệt sĩ TNXP của mọi miền đất nước. Chúng tôi dò tìm và thật xúc động trước danh sách những người con Tiền Giang trong Bảng vàng Tổ quốc ghi công tại ngã ba huyền thoại này.
Cô hướng dẫn viên với giọng Hà Tĩnh nhẹ nhàng truyền cảm đã dẫn chúng tôi về với Đồng Lộc của những năm 1968-1972 vô cùng ác liệt: Ngã ba Đồng Lộc có một vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc-Nam qua địa bàn Hà Tĩnh. Toàn bộ Ngã ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp thuộc phạm vi 4 xã của huyện Can Lộc. Ngày 20-4-1968, đoạn Quốc lộ 1 từ Bến Thuỷ đến đèo Ngang bị địch cắt đứt, ta chuyển hướng vận tải sang tuyến Đường 15 trên vùng rừng núi phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh, khi đó Ngã ba Đồng Lộc là nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược này đi qua. Vì thế địch tập trung đánh phá ác liệt ngã ba này.
Trong 7 tháng từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968 chúng đã đánh vào ngã ba 1.863 lần, ném gần 50.000 quả đạn các loại. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, có ngày nhiều nhất là 103 lần với trên 800 quả đạn các loại. Với ý chí cách mạng, sự thông minh, mưu trí của lực lượng cách mạng mà tiêu biểu là sức trẻ TNXP, đã viết nên bản Anh hùng ca bất tử, chỉ trong 5 tháng ta bắn rơi 14 máy bay, trong 7 tháng của năm 1968 ta đã phá 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến làm đường, tổng quân số toàn mặt trận lúc cao điểm lên đến 16.000 người.
Huyền thoại 10 cô gái Đồng Lộc
Cách Nhà bia tưởng niệm lực lượng TNXP chừng 50m, cùng dưới chân núi Trọ Voi vi vút thông xanh, là khu mộ của 10 cô gái TNXP tuổi đời chỉ từ 17 đến 24, mà từ ngày 24-7-1968 (ngày các cô hy sinh) đã có một cái tên chung: 10 cô gái Đồng Lộc. Hôm đó vào lúc 16 giờ, 10 cô gái TNXP của tiểu đội 4, đại đội 552 đến hiện trường làm nhiệm vụ lấp hố bom cho xe thông tuyến. Bỗng một tốp máy bay phản lực vượt qua trọng điểm, tất cả nhanh chóng nép mình vào sườn đồi. Một lúc sau hết tiếng máy bay, cả tiểu đội chồm dậy ra làm tiếp. Bất ngờ một chiếc máy bay quay trở lại, thả một loạt bom. Một quả rơi trúng đội hình các cô đang làm, đất đá tung tóe, khói bom mù mịt, đen ngòm bao trùm lên cả đội hình…
Phía trước đường vào bậc tam cấp dẫn lên khu mộ là một hố bom nơi các cô hy sinh, nay vẫn còn nguyên, trên miệng hố khói hương luôn hòa quyện theo bước chân bồi hồi xúc động của du khách mọi miền đất nước. Thi hài các cô lúc đầu được an táng tại đồi Bãi Dịa, cách khu mộ hiện nay khoảng 1km, sau này được chuyển về gần nơi các cô đã hy sinh và được tôn tạo lại vào năm 2000.
Tất cả 10 ngôi mộ đều được xây với đá men trắng, mà theo cô hướng dẫn viên là để biểu thị cho sự trong trắng của các cô gái hy sinh khi tuổi hãy còn xanh. Quanh các nấm mộ trồng rất nhiều hoa hồng, màu đỏ của hoa nổi bật trên nền trắng của mộ, trong sương khói của buổi sớm mai tại ngã ba huyền thoại, tạo cho chúng tôi một cảm xúc khó tả về sự hy sinh cao cả của các liệt nữ TNXP
Và thắp hương trên mộ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: DS |
Cảm xúc càng trao dâng khi chúng tôi bắt gặp trên bia mộ của Liệt sĩ Võ Thị Hà, cô gái 17 tuổi, trẻ nhất của tiểu đội một cái gương và chiếc lược chải tóc. Tại nhà truyền thống của lực lượng TNXP trong khu di tích, chúng tôi thật sự xúc động khi đọc lại lá thư của cô tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gởi về cho mẹ, thư viết ngày 19-7-1968, trước lúc hy sinh 5 ngày “ …. Mẹ ơi! Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con…Mẹ ơi! Thời gian này địch bắn phá ác liệt, nhưng con vẫn tập hợp được nhiều bài hát mới, quyển sổ tay dạo nọ mẹ gởi cho con đã ghi gần hết rồi, mẹ gởi cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ đó mà sao con nhớ mẹ quá…”
Và đặc biệt là bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “ Tôi nhớ mãi một lần đi qua Ngã ba Đồng Lộc, gặp anh chị em TNXP đang hăng say làm việc ngày đêm. Khi biết được tôi, các anh chị em ôm chầm lấy khóc nức nở: “Bác ơi, mời bác đi nhanh lên, kẻo máy bay địch đến thả bom. Và không ngờ ít ngày sau đó, tôi được tin chính các cháu gái hôm ấy đã hy sinh trong trận đánh bom ngày 24-7-1968”.
Nhìn di ảnh 10 cô gái, nay đã nhuộm màu thời gian,nhưng vẫn còn đó nụ cười hồn nhiên vô tư của những Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Xuân…Và đặc biệt là Võ Thị Hà, cô gái ra đi khi vừa 17 tuổi. Các cô vẫn trẻ mãi với thời gian và sống mãi trong tâm tưởng của mỗi người dân yêu nước, sự hy sinh của các cô là khúc nhạc hùng tráng của bài ca “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, là niềm tự hào của tuổi trẻ cả nước qua mọi thời kỳ.
Rời ngã ba Đồng Lộc, tạm biệt Hà Tĩnh, chúng tôi xuôi Nam trên con đường quốc lộ nay đã thênh thang rộng mở, chợt liên tưởng đến con đường Trường Sơn năm xưa, nơi có hàng ngàn Anh hùng liệt sĩ đã gửi lại tuổi xanh của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến. Lòng chợt thấy tự hào và ấm lại vì đã đến được ngã ba huyền thoại, thắp một nén hương, ôn lại bài học lịch sử hào hùng của quá khứ để có thêm niềm tin, sức mạnh trong cuộc sống mới hôm nay.
“…. Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng sông, bằng thuỷ triều lên xuống.
….Nhưng Ngã ba Đồng Lộc xây bằng xương máu
Khi con về quê, con nhớ viếng thăm
Mộ mười cô kề bên đường đỏ
Các cô như còn đứng đó
chờ lấp hố bom…”
Những vần thơ của nhà thơ Huy Cận trong tập thơ-văn “Ngã ba Đồng Lộc” xem vội trong Nhà trưng bày truyền thống lực lượng TNXP như theo tôi suốt chặng về Nam.
DUYSƠN