Tăng cường kiểm soát chất lượng nước đá
Nước đá là mặt hàng chủ yếu để phục vụ nhu cầu giải khát cũng như bảo quản thực phẩm. Thực tế cho thấy, nước đá được bày bán trên thị trường vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chính vì thế, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nước đá cần được chú trọng.
Kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá. |
Thời điểm này, nhu cầu nước đá để giải khát trong người dân đã “hạ nhiệt”. Mặc dù không sôi động bằng những tháng trước nhưng nước đá vẫn có nhu cầu nhất định. Trên thực tế, nước đá viên và nước đá cây (loại thường được dùng để ướp thực phẩm) là 2 loại được sử dụng để phục vụ nhu cầu ăn uống. Tuy nhiên, hiện nước đá viên ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi tính tiện dụng.
Kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai Từ ngày 11 đến 12-7, Chi cục ATVSTP đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh. Tại các nơi Chi cục đến kiểm tra, hầu hết các cơ sở sản xuất đều đáp ứng những tiêu chuẩn về ATVSTP. Tuy nhiên, một số vấn đề mà các cơ sở còn mắc phải như: Khám sức khỏe cho người lao động chưa đầy đủ, ghi sai nhãn hiệu… và đã được Chi cục nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở tiến hành khắc phục. |
Có mặt tại cơ sở sản xuất nước đá Tân Hiệp (xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo), chúng tôi thấy một người đàn ông chở các bao nước đá viên từ bên trong cơ sở đi ra để giao hàng. Điều đáng nói ở đây, nước đá được chứa trong những bao thức ăn chăn nuôi chứ không phải loại bao chuyên dụng. Chủ cơ sở sản xuất nước đá Tân Hiệp cho biết: Mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 8 đến 10 tấn nước đá viên, phục vụ chủ yếu ở khu vực Khu công nghiệp Tân Hương và một số điểm bán lẻ trên địa bàn. Nước dùng để làm nước đá nơi đây được lấy từ giếng khoan với độ sâu hơn 300 m, sau đó được xử lý qua hệ thống lọc rồi mới đưa vào sản xuất. Thực tế qua kiểm tra của ngành chức năng, cơ sở sản xuất này đã đảm bảo các yêu cầu về ATVSTP. Nước đá đều được chứa trong bao chuyên dụng, chỉ có số lượng nhỏ chứa trong bao thức ăn.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất nước đá ăn uống trên địa bàn tỉnh đa phần đều dùng nước máy, một số ít dùng nước giếng khoan. Các cơ sở đều dùng hệ thống màng lọc RO để xử lý nguồn nước trước khi làm nước đá, đồng thời thực hiện các xét nghiệm liên quan để đảm bảo yêu cầu về ATVSTP. Dù vậy, trong quá trình vận chuyển, bảo quản nước đá cũng là vấn đề đáng lo ngại. Ông Nguyễn Đức Thanh Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) cho biết: Toàn tỉnh có 32 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền. Trong những đợt lấy mẫu kiểm nghiệm, các cơ sở đều đạt yêu cầu về ATVSTP. Nhưng thực tế khi lấy mẫu tại các đại lý, điểm bán lẻ nước đá phục vụ ăn uống, nhiều trường hợp bị nhiễm khuẩn Ecoli, Coliform. Có thể trong quá trình vận chuyển, bảo quản không cẩn thận nên dẫn đến nước đá bị nhiễm khuẩn.
Ông Nguyễn Đức Thanh Nguyên cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay, Chi cục ATVSTP đã tổ chức các buổi hội thảo cho tất cả cơ sở sản xuất nước đá, nước uống, bếp ăn tập thể về vấn đề ngộ độc thực phẩm; cập nhật kiến thức về ATVSTP, triển khai các văn bản pháp luật đến các hộ sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở kiểm tra, lấy mẫu, Chi cục sẽ tiến hành rà soát lại các cơ sở có mẫu phát hiện nước đá bị nhiễm khuẩn. Từ đó, Chi cục sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm nước đá tại các cơ sở sản xuất này.
M. THÀNH