Thấm nhuần đạo lý "uống nước nhớ nguồn"
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hưng đã thực hiện tốt công tác chăm lo cho các gia đình chính sách (GĐCS), người có công (NCC) khó khăn và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).
Thời gian qua, UBND và các đoàn thể xã Long Hưng đã thực hiện tốt công tác thăm hỏi, chăm lo GĐCS-NCC. |
Xã Long Hưng thuộc vùng căn cứ kháng chiến với truyền thống đấu tranh cách mạng ở cả 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Chiến tranh ác liệt tàn phá nặng nề, đã để lại cho vùng đất này nhiều mất mát. Theo UBND xã Long Hưng, trên địa bàn xã có 1.774 GĐCS-NCC, gồm: 944 người có công, 92 thương binh, 29 bệnh binh, 521 gia đình liệt sĩ, 109 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 8 mẹ), 49 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 30 nạn nhân chất độc hóa học.
Thời gian qua, chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã Long Hưng đã thực hiện tốt phong trào Toàn dân chăm sóc người có công, giúp đỡ các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết: “Từ khi có pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong xã đã tổ chức thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc GĐCS, từng bước đưa pháp lệnh đi vào cuộc sống, tạo sự phấn khởi và tăng thêm niềm tin của người dân vào các chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Bên cạnh các công tác chăm lo về vật chất, Đảng bộ, chính quyền xã Long Hưng còn quan tâm chú trọng chăm lo về tinh thần và sức khỏe cho các GĐCS-NCC với 520 suất quà tặng nhân các dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ; tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho 1.120 lượt người có công. Chế độ điều dưỡng được UBND xã thực hiện luân phiên đều đặn tại nhà, nhằm tạo điều kiện tốt cho các GĐCS-NCC ổn định cuộc sống, thuận tiện sản xuất kinh tế.
Trong công tác chăm lo nhà ở cho GĐCS khó khăn, UBND xã đã phát động bằng nhiều hình thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thu hút nhiều cá nhân, đơn vị trong và ngoài huyện đóng góp. Qua đó, từ năm 2007 - 2017, xã đã tổ chức xây dựng 61 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 42 căn cho GĐCS khó khăn, với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng từ nguồn vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” theo tinh thần Quyết định 22 của Chính phủ.
Trong công tác chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, UBND xã đã vận động các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện nhận phụng dưỡng 8 mẹ đến cuối đời và 1 gia đình thương binh nặng với chi phí 250.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, UBND xã còn thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho con em GĐCS-NCC học tập có việc làm ổn định. Nhìn chung, qua thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của được Đảng bộ, chính quyền xã Long Hưng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các GĐCS-NCC, giúp con em của họ phát huy truyền thống gia đình, siêng năng trong học tập, lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác chăm lo GĐCS-NCC của xã vẫn còn nhiều khó khăn như: Việc lập hồ sơ thờ cúng liệt sĩ, hồ sơ giải quyết cho người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày còn nhiều khó khăn do các đối tượng không còn giấy tờ lưu giữ, thân nhân liệt sĩ còn tranh chấp…
Để khắc phục những khó khăn và thực hiện công tác chăm lo cho GĐCS-NCC trong thời gian tới ngày càng tốt hơn, UBND xã đã đề ra các phương hướng trọng tâm sau: Tiếp tục rà soát, xét duyệt kết luận và đề nghị giải quyết các chính sách, các trường hợp còn tồn đọng theo đúng quy định; tập trung vận động toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân trong xã tích cực tham gia các phong trào chăm lo GĐCS-NCC và thông qua các chương trình cho vay vốn sản xuất, dự án về việc làm để hỗ trợ 100% GĐCS-NCC khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình của người dân nơi cư trú”.
PHAN THẮNG