Thương binh Nguyễn Văn Quởn: Cuộc đời vẫn đẹp sao
Với ý chí kiên cường và bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, đã thôi thúc anh Nguyễn Văn Quởn (thương binh hạng ¼, ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành) vượt khó, vươn lên bằng nghị lực rất đáng khâm phục.
Với tinh thần vượt khó, anh Quởn xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo. |
Nghe anh em ở xã Phú Phong nói về anh, tôi đã thấy ngưỡng mộ, nay gặp mặt mới thấy hết nghị lực của anh, người thương binh trẻ, mà suy nghĩ và nghị lực đáng để nhiều bạn trẻ noi theo.
Nhiều năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi hồi tưởng về những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, anh Quởn vẫn còn nhớ như in: “Lúc trẻ, thấy bọn Pôn Pốt tàn ác quá, sát hại nhiều người dân vô tội, tôi tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự với hy vọng sang giúp nước bạn hạn chế phần nào sự đổ máu”. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 1986 khi vừa tốt nghiệp Trung học cơ sở, anh Quởn đã tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, thuộc Tiểu đoàn Thông tin Mặt trận 979 - Quân khu 9.
Anh Quởn kể: “Thời điểm này, bọn diệt chủng chống trả ác liệt lắm. Dù biết rằng mình đang đối mặt từng giờ với cái chết, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ, cùng đồng đội chia sẻ, động viên nhau để chiến đấu. Nhiều lần băng rừng, vượt suối, bị sốt rét rừng hành hạ, tôi tưởng rằng mình đã không có cơ hội trở về với gia đình”. Năm 1989, trong một lần leo cây rải dây, không may anh té ngã dẫn đến bị liệt hai chân.
Rời chiến trường trở về quê hương, anh Quởn rất buồn và bi quan vì nghĩ mình đã trở thành người vô dụng, làm khổ cho gia đình. Anh Quởn chia sẻ: “Được sự động viên của đồng đội và gia đình, tôi cũng dần quên đi nỗi đau. Những lúc khó khăn như vậy, tôi luôn nhớ lại lời Bác Hồ dạy là “Thương binh tàn, nhưng không phế”, mình phải sống sao cho lạc quan hơn, kiên cường hơn vì sự hy sinh của mình không vô nghĩa, cuộc sống vẫn còn phía trước với bao điều tốt đẹp”.
Với ý nghĩ đó, anh Quởn quyết định xin theo học nghề sửa chữa điện tử ở địa phương, sau đó anh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu đi học ở Trường Dạy nghề thương binh quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Sau thời gian miệt mài học tập, anh về quê mở tiệm sửa điện tử ở chợ Phú Phong kiếm sống qua ngày. Với tính cần cù, chịu thương chịu khó, tiệm điện của anh Quởn ngày một đông khách và trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người dân trong vùng mỗi khi cần sửa đồ điện gia dụng. Bên cạnh đó, anh còn được một công ty chuyên kinh doanh về các sản phẩm điện tử ở TP. Hồ Chí Minh đề nghị làm đại lý bán hàng. Thu nhập của gia đình có đồng ra đồng vô, anh sửa sang lại nhà cửa, mở rộng cơ sở buôn bán, mua thêm đất để sản xuất.
Đồng cảm, sẻ chia với nghị lực vượt khó của anh thương binh trẻ, năm 2004, chị Nguyễn Hồ Phương Uyên, một giáo viên ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây đã cùng anh nên duyên vợ chồng. Hiện anh chị có 2 cháu trai kháu khỉnh, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
Qua bao khó khăn, hiện cơ sở điện tử đã khang trang, kinh tế ổn định, anh Quởn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Hằng năm, gia đình anh tích cực đóng góp kinh phí cùng địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, tặng quà cho học sinh nghèo khó khăn, thăm và tiễn tân binh lên đường nhập ngũ…
Ông Ngô Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Phong cho biết: “Mặc dù bị thương tật ở hai chân, nhưng anh Quởn đã tích cực học nghề, chí thú làm ăn, không ngại vượt khó, phát triển kinh tế, trở thành công dân tiêu biểu của địa phương”.
Với tinh thần vượt khó, chăm lo phát triển kinh tế, nhiều năm liền anh Quởn được khen tặng danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi. Năm 2012, anh được tỉnh chọn đi Hà Nội dự báo cáo điển hình tiên tiến thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi.
ĐỖ PHI