Nâng cao mức sống của gia đình chính sách, người có công
Trong những năm qua, Tiền Giang là một trong những địa phương của cả nước luôn triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với gia đình chính sách và người có công với cách mạng.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều phong trào vì gia đình chính sách, người có công đã được triển khai rộng rãi, đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy, hiện nay đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình chính sách, người có công trong tỉnh đã không ngừng được ổn định và nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức cài hoa và trao quà cho người có công trước chuyến tham quan Thủ đô Hà Nội. |
Hiện toàn tỉnh quản lý 123.809 đối tượng người có công, trong đó chỉ tính trong năm 2016 đã xác nhận để công nhận mới 608 đối tượng. Sở LĐ-TB&XH đã hoàn tất các thủ tục để trình trung ương xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng 2 đợt, với số lượng 281 mẹ, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh lên 5.820 mẹ, trong đó có 421 mẹ còn sống.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã thẩm định hồ sơ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học để giải quyết chế độ cho 67 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; nâng tổng số người được hưởng chế độ chất độc hóa học của tỉnh lên 1.860 người và công nhận 234 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày...
Không chỉ quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng, tỉnh Tiền Giang còn triển khai thực hiện kịp thời, chu đáo việc thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách vào mỗi dịp lễ, tết. Trong dịp tết cổ truyền vừa qua, tỉnh đã trao 46.809 suất quà của Chủ tịch nước, trợ cấp kinh phí đảm bảo xã hội của tỉnh đến 67.500 người với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2016, tỉnh đã tổ chức được 3 đợt đưa 100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công đi viếng Lăng Bác, tham quan Thủ đô Hà Nội và đưa đoàn người có công tiêu biểu đi dự Hội nghị Biểu dương toàn quốc tại TP. Cần Thơ. Tổ chức đưa người có công đi điều dưỡng được 13 đợt tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tại các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Kiên Giang với số lượng 660 người. Tiền Giang cũng đã cấp trên 7 tỷ đồng để điều dưỡng người có công tại gia đình là 6.346 suất. Qua theo dõi và từ báo cáo của các huyện, thành, thị cho thấy, công tác đưa người có công đi điều dưỡng đạt yêu cầu đặt ra. Việc xét chọn đưa đối tượng điều dưỡng tập trung, tổ chức các chuyến đi an toàn, ý nghĩa, chu đáo và đảm bảo sức khỏe. Vì vậy các đối tượng tham gia đều rất phấn khởi.
Thực hiện sự chỉ đạo của Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH về triển khai thực hiện Phương án điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang đã nghiệm thu Phiếu điều tra ở các huyện, thành, thị trong tỉnh với 48.785 phiếu. Tỉnh cũng đã xây dựng và sửa chữa xong trên 1.000 căn nhà cho gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở, với số tiền lên đến 31,77 tỷ đồng do trung ương cấp và từ ngân sách đối ứng của địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn cho tạm ứng 60 tỷ đồng để hỗ trợ tiếp 1.967 căn nhà cho đối tượng thuộc diện có khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ ngay. Toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.796 căn, phần còn lại các địa phương đang tiếp tục thực hiện. Đến nay, đại đa số gia đình chính sách, người có công đã có nhà ở kiên cố, khang trang.
Để hoàn thành Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công, trong năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương tiến hành tổng rà soát, lập danh sách nhà ở theo Đề án, báo cáo tình hình thực hiện, nhu cầu nhà để tham mưu HĐND và UBND tỉnh tiếp tục cho chủ trương và kinh phí thực hiện; dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 64,36 tỷ đồng...
Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), Sở LĐ-TB&XH trình UBND tỉnh Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, tổ chức lễ kỷ niệm, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa khác: Tổ chức Hội nghị Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tập thể và cá nhân tiêu biểu trong công tác thương binh, liệt sĩ và gương điển hình trong thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công vượt khó làm giàu, nuôi con thành đạt, tiêu biểu trong học tập và công tác của tỉnh. Tổ chức Hội nghị Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cha, mẹ liệt sĩ cô đơn, hỗ trợ thương binh, bệnh binh nặng, nhận đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh trong học tập. Tổ chức Thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh...
Qua 1 năm thực hiện công tác chính sách người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhiều khó khăn, vướng mắc ở địa phương đã được tháo gỡ, như việc xác nhận người có công, công tác giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được chặt chẽ, chính xác, đúng quy trình và thời gian quy định. Công tác chăm sóc đời sống mọi mặt cho người có công cũng đã được quan tâm hơn thông qua các chính sách thiết thực về nhà ở, bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, tham quan nghỉ dưỡng, thăm hỏi, tặng quà...
Thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ và tiếp tục xử lý các trường hợp còn tồn đọng. Triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn II, số lượng tạm ứng còn lại khoảng 2.291 căn, với tổng kinh phí thực hiện 63,58 tỷ đồng.
Tổ chức tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, lập thủ tục xác định mồ liệt sĩ thiếu thông tin bằng phương pháp xét nghiệm ADN và phương pháp thực chứng. Nâng cao chất lượng công tác nhận phụng dưỡng đến cuối đời 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, không ngừng hỗ trợ để nâng cao mức sống gia đình chính sách, người có công, đảm bảo trên 98,5% gia đình đối tượng này có mức sống từ trung bình trở lên.
NGỌC TÁNH