Bình đẳng giới và nỗ lực của phụ nữ
Bình đẳng giới (BĐG) đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Hành lang pháp lý để thực hiện BĐG đã được triển khai, để nam và nữ được bình đẳng trong việc nắm bắt cơ hội phát triển. Tuy nhiên, phụ nữ cần phải nỗ lực rèn mình để nắm bắt cơ hội bình đẳng.
Ngày càng có nhiều phụ nữ khẳng định được vị thế trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Ảnh: Cao Lập Đức |
CÓ HÀNH LANG PHÁP LÝ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm trân trọng đối với phụ nữ. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng của Bác, đã dành cho phụ nữ sự quan tâm sâu sắc: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Thực hiện Di chúc của Bác, vấn đề phụ nữ và trẻ em gái luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Trong đó, Luật Bình đẳng giới đã được Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-11-2006. Tiếp đến, ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước. Đây là 2 văn bản quan trọng, thể hiện rõ những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện của Đảng và Nhà nước về BĐG và công tác phụ nữ ở nước ta hiện nay; khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác phụ nữ. Phụ nữ cả nước nói chung, phụ nữ Tiền Giang nói riêng rất vui mừng vì sự ra đời của 2 văn bản quan trọng này.
Tại Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức đã ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về BĐG trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo Kế hoạch này, mục tiêu tổng quát về BĐG nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện BĐG; giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, địa phương có bất BĐG hoặc có nguy cơ bất BĐG cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2020. Xây dựng và tổ chức thực hiện đạt được các mục tiêu về công tác BĐG đến năm 2020, về cơ bản đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, vì sự phát triển chung của tỉnh.
Phấn đấu 80% công chức, viên chức, người lao động, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, sinh viên, học sinh các cấp và 60% người dân ở các cụm dân cư được truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG. Phấn đấu 80% cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ, cán bộ hoạch định các cấp, đội ngũ cộng tác viên về BĐG được tập huấn cập nhật kiến thức BĐG. Phấn đấu 100% nữ đại biểu dân cử, nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và nữ cán bộ trong diện quy hoạch được trang bị kiến thức về BĐG và kỹ năng quản lý, lãnh đạo; 100% người có nhu cầu hỗ trợ về BĐG được tiếp cận ít nhất một dịch vụ tư vấn, hỗ trợ…
PHỤ NỮ CẦN RÈN MÌNH
Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một sự định hướng để phụ nữ rèn mình xứng tầm với thời cuộc. Theo nội dung của Đề án này, phẩm chất phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước được xác định gồm 4 đức tính: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Tự tin ở đây là tin vào bản thân mình. Biểu hiện cụ thể của tự tin là: Tự đánh giá được bản thân; có chí tiến thủ, không ngại khó khăn, thử thách, coi khó khăn là môi trường để rèn luyện; sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; quyết đoán, chủ động, bình tĩnh xử trí mọi tình huống khó khăn trong cuộc sống; tự lực, tự chủ, thích độc lập; thái độ hợp tác cao, sẵn sàng tôn vinh thành công của người khác; thắng không kiêu, bại không nản, “coi thất bại là mẹ thành công”; mạnh dạn trong giao tiếp, bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân.
Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình. Biểu hiện của tự trọng là: Tôn trọng pháp luật của Nhà nước, quy tắc ứng xử của tập thể, cộng đồng; tôn trọng chuẩn mực đạo đức xã hội; coi trọng danh dự bản thân và có lòng tự tôn dân tộc.
Trung hậu là trung thực, trung thành, nhân hậu trong quan hệ với mọi người. Biểu hiện của lòng trung hậu là: Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; thủy chung trong các mối quan hệ; sống nhân ái, vị tha và trung thực, thẳng thắn, cương trực. Trung hậu luôn là phẩm chất đạo đức của người Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng. Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung hậu vẫn luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam.
Đảm đang là biết lo toan, sắp xếp để thực hiện được cả công việc gia đình và xã hội. Đức tính đảm đang không phải là phụ nữ phải cáng đáng hết mọi việc, mà sự đảm đang của phụ nữ thể hiện qua việc sắp xếp, phân công công việc hợp lý, thu hút các thành viên tích cực tham gia; chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, tạo thu nhập ổn định, đóng góp vào nguồn thu của gia đình; tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình; quan tâm, chăm sóc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; chi tiêu hợp lý, có kế hoạch, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và thực hành tiết kiệm; biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, nâng cao trình độ và chăm sóc bản thân.
Những chuẩn mực trên đã được các ngành, các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp phụ nữ. Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang là những phẩm chất đạo đức của phụ nữ trong thời đại mới. Đây là chuẩn mực để chị em phụ nữ noi theo mà hoàn thiện mình. Để đáp ứng được những yêu cầu của thời đại mới hiện nay, điều đầu tiên là phụ nữ phải có tri thức, do đó chị em cần học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt. Tri thức chính là chìa khóa để chị em mở cánh cửa tự tin. Thứ hai là, chị em phải có sức khỏe tốt. Một yêu cầu nữa, đó là, chị em phải biết tự trọng và đảm đang. Tất nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng đạt được tứ đức của phụ nữ trong thời đại mới. Chính vì vậy, chị em cần phải nỗ lực để rèn mình và việc rèn luyện này phải luôn được thực hiện.
MAI HÀ