Góp phần thay đổi cuộc sống người dân
Sau 15 năm, hàng tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Tiền Giang đưa đến tận tay nông dân đã góp phần rất lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội tại địa phương.
Hỗ trợ xây cầu giúp việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi. |
Những gói tín dụng dành cho học sinh, sinh viên; tín dụng thoát nghèo; giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn… do Ngân hàng CSXH Tiền Giang triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực.
1. Có thể nói Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên do Ngân hàng CSXH Tiền Giang triển khai thực hiện đã giúp cho nhiều trường hợp khó khăn được đến trường, thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình. Một trong những trường hợp được hưởng lợi từ chương đình đó là gia đình bà Ngô Thị Thu Vân (ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, TX. Gò Công). Ở vùng đất phèn, mặn, thu nhập từ cây lúa chỉ đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. Nhà có 4 người con, đồng lương giáo viên không thể lo cho các con vào đại học. Để ước mơ của các con không dở dang, bà Vân đã tiếp cận nguồn vốn của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên từ Ngân hàng CSXH Tiền Giang để lo cho các con ăn học. Nhờ nguồn vốn vay này, 4 người con của bà Vân đã ăn học thành tài. Kết quả của gia đình bà Vân đạt được sau bao năm vất vả là 3 người con có việc làm ổn định, người con út vừa ra trường đang xin việc. Em Võ Hữu Lợi (con thứ 3 của bà Vân) hiện đang làm việc tại Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng TX. Gò Công chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH Tiền Giang, tôi đã thực hiện được giấc mơ vào giảng đường đại học của mình. Tôi mong ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy chương trình tín dụng này để những bạn gặp khó khăn về kinh tế không bị dở dang việc học”.
Cho vay giải quyết việc làm tại xã Thân Cửu Nghĩa. |
Bên cạnh việc vay vốn để lo cho các con ăn học, gia đình bà Vân còn vay Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Do là một trong các xã nằm ở cuối nguồn ngọt hóa nên vào mùa khô hằng năm, nước sinh hoạt là vấn đề khó khăn đối với nhiều hộ dân nơi đây. Nhờ Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mà vấn đề nước sinh hoạt cơ bản đã được giải quyết. Ngoài ra, gia đình bà Vân còn vay vốn từ Chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền vay là 30 triệu đồng để buôn bán. Nguồn vốn này gia đình đầu tư vào việc mua bán gạo để phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu nhằm cải thiện cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó, đời sống gia đình bà Vân dần được cải thiện, các con ăn học thành tài, có việc làm ổn định.
2. Để giúp người dân tránh tình cảnh tái nghèo, thời gian qua, Ngân hàng CSXH Tiền Giang đã thực hiện Chương trình tín dụng thoát nghèo bền vững. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều hộ đã vươn lên phát triển kinh tế, “đẩy lùi” cái nghèo. Ông Nguyễn Văn Lực (ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, TX. Cai Lậy) trước đây là hộ nghèo ở địa phương, nhờ quá trình phấn đấu đã thoát nghèo. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất và lo cho 3 đứa con ăn học. Nhờ sự hỗ trợ từ địa phương, gia đình ông đã tiếp cận được nguồn vốn theo Chương trình tín dụng thoát nghèo bền vững của Ngân hàng CSXH Tiền Giang.
Ông Lực đã vay 40 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò. Trước đây, do cuộc sống gia đình còn “thiếu trước hụt sau” nên ông Lực không có điều kiện phát triển đàn bò (luôn duy trì 1 con). Nhờ nguồn vốn vay, đến nay đàn bò của ông đã có được 5 con. Ông Lực bày tỏ: “Trước đây, cuộc sống gia đình còn khó khăn lắm, 2 đứa con vào đại học với bao nhiêu nỗi lo. Vì vậy, bò đẻ ra con nào là phải bán con đó để có tiền lo cho con ăn học. Nhờ đồng vốn từ chương trình cho vay thoát nghèo bền vững, gia đình đã phát triển đàn bò, đầu tư chuồng trại, phát triển kinh tế gia đình”.
Có thể nói, trong các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH Tiền Giang, Chương trình cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong đó, Làng nghề nón lá buông Thân Cửu Nghĩa là một trong những nơi thụ hưởng chương trình này. Việc cho vay giải quyết việc làm ở làng nghề vừa giúp các hộ dân nơi đây có nguồn vốn để sản xuất, vừa tạo điều kiện để làng nghề phát triển. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành cho biết, hiện nay, tổ vay vốn có 42 thành viên với tổng dư nợ 1,3 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi tiết kiệm 230 triệu đồng. Trong 42 thành viên, có khoảng 20 hộ vay để giải quyết việc làm, mức vay trung bình từ 10 - 50 triệu đồng/hộ. Với mức vay này, các cơ sở sản xuất lớn cơ bản đáp ứng được nguồn vốn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu làng nghề phát triển hơn nữa thì Ngân hàng CSXH Tiền Giang nên tăng mức cho vay để các cơ sở sản xuất có điều kiện phát triển.
Bên cạnh đó, Chương trình tín dụng cho hộ gia đình sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH Tiền Giang cũng đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Trong đó, gia đình bà Trần Thị Thương (xã Bình Đông, TX. Gò Công) là một trong những hộ tiêu biểu. Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH Tiền Giang, bà Thương đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi heo. Đến nay, đàn heo của gia đình bà có khoảng 50 con (cả heo thịt lẫn nái). Cùng với đó, để tăng thêm thu nhập, bà Thương còn nấu rượu, tận dụng hèm để làm thức ăn cho heo. Nhờ chịu khó làm ăn, đến nay cuộc sống gia đình bà Thương dần ổn định.
“Nhờ nguồn vốn vay, gia đình tôi mới có điều kiện đầu tư mở rộng chuồng trại để nuôi heo. Trong thời gian tới, tôi mong Ngân hàng CSXH Tiền Giang tạo điều kiện để nhiều người dân tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, tôi cũng mong ngân hàng tăng nguồn vốn cho vay để gia đình có điều kiện đầu tư hầm biogas nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến bà con xung quanh”- bà Thương cho biết.
NHÓM PV KT
(Còn tiếp)