Thứ Năm, 21/09/2017, 20:24 (GMT+7)
.

Nơi ghi dấu hoạt động của đồng chí Phan Văn Khỏe

Đó là Đình làng Mỹ Hạnh Đông. Ngôi đình tọa lạc gần vàm Cống Huế, thuộc ấp Mỹ Phú. Theo các bô lão, người xưa đặt tên các ấp thuộc làng Mỹ Hạnh Đông là Bình - Lương - Phú - Hội. Ngôi đình được xây dựng trên ấp Mỹ Phú, với ước vọng dân làng sẽ giàu có. Đây là một trong những ngôi đình xưa trong vùng, đã mất dấu tích từ hơn 70 năm trước.

Sắc thần làng Mỹ Hạnh, được lưu giữ tại nhà ông Lê Quang Hanh.
Sắc thần làng Mỹ Hạnh, được lưu giữ tại nhà ông Lê Quang Hanh.

ÔNG “BỘ KHỎE” LÀM CÁCH MẠNG

Các bô lão thuật lại, kế bên đình có nhà việc làng, còn gọi là nhà vuông cái. Khoảng năm 1924, ông Phan Văn Khỏe được cử làm Hương bộ - 1 trong 12 chức vụ Ban hội tề làng, lo việc giữ sổ bộ hộ tịch và lưu trữ công văn của làng, từ đó dân gian gọi ông là Bộ Khỏe.

Cuối năm 1928, phong trào Thanh niên Cao vọng đảng chấm dứt hoạt động,  ông Phan Văn Khỏe đứng ra vận động thành lập Chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được nhiều thanh niên trong làng tham gia. Không bao lâu, tổ chức này được quần chúng các làng lân cận Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây... hưởng ứng. Hoạt động chủ yếu của chi bộ là tuyên truyền chủ trương của Hội “làm cuộc cách mạng dân tộc, đập tan ách thống trị của đế quốc giành lại độc lập cho dân tộc”. Đình làng Mỹ Hạnh Đông là nơi đồng chí Phan Văn Khỏe đã tổ chức các cuộc họp bí mật lẫn công khai để trao đổi công việc.

Cuối năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản ở Mỹ Hạnh Đông được bí mật thành lập, ông Phan Văn Khỏe được cử làm Bí thư. Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã nhanh chóng hình thành các tổ chức Nông hội Đỏ, Cứu tế Đỏ…, tập hợp quần chúng đấu tranh thông qua cuộc diễn thuyết, biểu tình trên địa bàn Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Hội... Phong trào cách mạng ở các làng này đã phát triển thêm một bước, hình thành thêm các tổ chức: Vạn cấy, Vạn gặt..., đấu tranh với địa chủ tăng tiền công cho những người cấy, gặt thuê.

Năm 1935, phong trào Mặt trận Dân chủ phát triển mạnh bên Pháp đã ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Đông Dương. Lúc bấy giờ, các cơ sở hoạt động mạnh vận động đơn ký tên gửi lên Thống đốc Nam kỳ, tố cáo quận trưởng Cai Lậy Nguyễn Văn Tâm ăn hối lộ, bắt bớ dân vô cớ, đánh đập tàn nhẫn dân trong quận. Ngày 1-5-1936, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng các đồng chí Chính, Hà… chỉ huy khoảng 300 người dân các làng Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Hội, Tân Phú tổ chức cuộc biểu tình từ cầu Vĩ kéo ra Tân Hội lên Bến Cát. Lính quận Tâm đến giải tán nhưng đoàn vẫn tiến về quận, giơ cao băng với các khẩu hiệu: Giảm thuế thân! Ngày làm 8 giờ! Bãi bỏ thuế thuốc lá! Giảm tô, tức!... Đoàn biểu tình kéo đến gần dinh quận thì dừng lại và đề nghị quận Tâm đến tiếp đoàn một mình. Quận Tâm ra nhận yêu sách và hứa sẽ gửi cho Thống đốc Nam kỳ. Sau đó, đoàn biểu tình tự động giải tán.
Trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, khoảng 7 giờ ngày 23-11-1940, tại đình Mỹ Hạnh Đông, đồng chí Nguyễn Văn Đê đã cắm cờ búa liềm lên nóc Nhà việc Mỹ Hạnh Đông, hướng dẫn mọi người căng biểu ngữ xung quanh. 2 thanh niên nòng cốt là anh Thê và Huỳnh Văn Biết phá tủ hồ sơ của Ban Hội tề, toàn bộ sổ sách của làng bị đem ra đốt. Cuộc mít tinh nhanh chóng được tổ chức tại sân đình Mỹ Hạnh Đông, với khoảng 500 người, nghe Ban lãnh đạo khởi nghĩa tuyên bố chủ trương, chính sách của cách mạng.

MẤT DẤU ĐÌNH XƯA

Ngày 17-1-1946, giặc Pháp sử dụng tàu chiến theo sông Ba Rài hành quân vô kinh 12. Một chiếc tàu nhỏ chở quân phá cản hàn ở vàm Sông Cũ rồi tiến về hướng Mỹ Hạnh Đông. Đi đến đâu, chúng cũng xả súng bắn loạn xạ hai bên bờ. Nghe mõ báo động, dân ùn ùn kéo nhau tản cư vào vùng rừng tràm phía Bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp. Tình hình khẩn cấp, Ban lãnh đạo kháng chiến quyết định cho phá bỏ đình Mỹ Hạnh Đông, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, không chừa chỗ cho giặc đóng quân.

Giữa năm 1948, thực hiện chủ trương phong tỏa kinh tế địch, với tinh thần tự túc tự cấp, Ủy ban Kháng chiến hành chánh cho phép lập một số tụ điểm trao đổi mua bán nông sản trên bờ sông Cũ. Những ngôi chợ chồm hổm này thường nhóm vào lúc chạng vạng và kết thúc trước 21 giờ. Khu vực vàm Cống Huế có rất nhiều tiệm quán, như quán cà phê, hủ tiếu do các đồng chí Nguyễn Kỳ Mẫn, Cao Phi, Tám Bồi... hùn vốn mở, vừa tự túc kinh phí cho lực lượng kháng chiến, vừa phục vụ bà con trong xóm ấp. Cán bộ, chiến sĩ đi công tác được phục vụ miễn phí. Đây cũng là khu vực bị giặc đốt phá nhiều nhất, có tháng chúng vào đốt đến 3 lần, nhưng người dân không hề nao núng. Quán xá bị đốt thì lập tức được dựng lại. Đến năm 1949, do giặc càn quét liên tục, kết hợp với việc tăng cường hoạt động quân sự ở Xóm Chòi, Cống Huế…, nên các ngôi chợ chồm hổm và tiệm quán mới chấm dứt hoạt động. 

Sau năm 1975, phần đất nền đình được chính quyền trưng dụng làm chợ, song ngôi chợ vẫn không phát triển được. Kiến trúc ngôi đình hầu như mất dấu vết. Hiện vật duy nhất còn giữ được là 6 đạo sắc phong từ thời vua Thiệu Trị đến Tự Đức, được ông Lê Quang Hanh lưu giữ, hằng đêm đốt nhang cúng vái:

“Sắc Mỹ Hạnh Bảo An Thành hoàng chi thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Minh Mạng nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh tổ Nhân hoàng đế Ngũ tuần đại Khánh tiết, khâm phụng bảo chiếu Đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kim phi ưng Cảnh mạng miễn niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo An Chánh trực chi thần. Nhưng chuẩn Kiến Đăng huyện Mỹ Hạnh Đông thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Thiệu Trị ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập nhất nhật”.

Đây là nguyên văn của 1 trong 6 đạo sắc nhà Nguyễn ban cho làng Mỹ Hạnh, nhắc lại trước khi dân làng chia ra 3 làng Đông - Trung - Tây, làng Mỹ Hạnh Đông là một làng lớn chi phối. Đạo sắc này được phong tặng vào ngày 27-11 năm Thiệu Trị thứ năm (tức ngày 25-12-1845), khi làng xã chia ra, làng Mỹ Hạnh Đông nhận đến 6 lá, Mỹ Hạnh Tây (tức xã Mỹ Phước Tây hiện nay) và Mỹ Hạnh Trung mỗi làng nhận 2 lá. 

Ngày 26-5-2017, Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Văn Khỏe. Hội thảo có nêu ý kiến về việc xây dựng nhà lưu niệm. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nên lưu ý việc khôi phục lại ngôi đình này để ghi dấu nơi đồng chí Phan Văn Khỏe tập hợp lực lượng hoạt động cách mạng.

PHAN LÊ

.
.
.