Thứ Tư, 13/09/2017, 20:45 (GMT+7)
.

Tuổi 20 của cô gái mắc bệnh xương thủy tinh

Có thể nói, tuổi 20 là tuổi tươi đẹp của đời người. Với Nguyễn Kim Ngân (ngụ xã Tân Hương, huyện Châu Thành), bị bệnh xương thủy tinh từ lúc lọt lòng mẹ, khiến cơ thể không thể phát triển bình thường. 20 tuổi, dù chỉ cao 80 cm, nặng 18 kg, nhưng Ngân đã “vượt lên chính mình”, biết vẽ tranh quilling để giúp ba mẹ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, sống lạc quan, yêu đời...

Dù đau đớn nhưng Ngân vẫn cố gắng để hoàn thiện tranh.
Dù đau đớn nhưng Ngân vẫn cố gắng để hoàn thiện tranh.

Lúc mới sinh ra, xương tay em bị gãy. Lành chưa lâu, Ngân bị gãy chân. Chị Hồng - mẹ em cho biết, từ nhỏ Ngân thường xuyên bị gãy xương, suốt ngày cơ thể em bị đau nhức, phải nằm yên một chỗ, lăn nhẹ cũng bị đau, nhiều lúc ngủ quên trở mình là em thức giấc kèm theo cơn đau kéo dài. Nhìn con khóc thét mà trái tim người mẹ như thắt lại, đau buốt. Đã vậy, năm lên 8 tuổi, em còn bị bệnh viêm phổi, thời gian ở bệnh viện để trị bệnh nhiều hơn ở nhà. Anh Nguyễn Thành Trọn (sinh năm  1966) - cha Ngân, dù tính cách mạnh mẽ, đã nhiều lần rơi nước mắt vì con. Gạt đi những giọt nước mắt, anh cố gắng làm kiếm tiền để lo cho Ngân và em của Ngân đang học lớp 6.

Mẹ em chăm sóc em từng chút một. Vất vả, khó khăn nhưng chị Hồng không hề than vãn, mà chỉ mong sao tình thương bao la của người mẹ bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi cho đứa con kém may mắn. “Chỉ sợ lớn lên con  mặc cảm với mọi người. Nhiều lúc nhìn thấy con người ta tung tăng nô đùa, còn con mình..., khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi cầu mong có một phép mầu đến với con!..” - chị Hồng tâm sự.

Ngân lớn lên, càng tủi thân. Mẹ vỗ về an ủi mà tim đau như cắt. “Những lúc thấy em buồn, em khóc làm mẹ buồn và khóc theo. Nếu như mẹ đừng sinh ra đứa con như em, thì mẹ đâu phải đau khổ như thế này!” - Ngân chia sẻ. Cảm thấy có lỗi vì làm mẹ buồn, Ngân tự dặn lòng không được khóc nữa. Tình thương bao la của người mẹ giúp em hiểu được những điều tốt đẹp trong cuộc sống luôn ở quanh mình. Từ đó, Ngân cười nhiều hơn, trò chuyện, nô đùa nhiều hơn, không để ý đến những khiếm khuyết trên cơ thể. Tròn 20 tuổi, Ngân sống lạc quan, yêu đời.

Năm 2015, Ngân đọc bài báo về nghị lực vượt khó của một cô gái bị bệnh xương thủy tinh nhưng mở được cửa hàng riêng. Lúc đó, Ngân day dứt, trăn trở: “Tại sao người ta làm được, còn mình thì không?”. Thế là em quyết tâm tìm một công việc để phụ giúp cha mẹ; đồng thời chứng minh bản thân không phải là người vô dụng. Năm 2016, Ngân được một người quen hướng dẫn làm tranh quilling, làm từ giấy màu cắt thành sợi nhỏ, gấp cuộn lại rồi khảm, dán vào nền của bức tranh, đòi hỏi sự chăm chỉ, tỉ mỉ...

Với Ngân, đó là công việc không hề đơn giản, vì xương tay em yếu ớt, nhiều lần đã bị gãy, nên cầm kéo khó khăn, phải kiên trì luyện tập. Nhiều lúc, Ngân lấy sức mạnh từ hàm răng để sử dụng kéo cắt giấy. Khó khăn, đau đớn trong công việc, nhưng với nghị lực vượt khó, em vẫn kiên trì học nghề. “Em không muốn là người tàn phế trong mắt mọi người. Em phải làm được một công việc gì đó giống như những người lành lặn. Vả lại, anh Tài hướng dẫn em làm tranh, đã lặn lội từ TP. Mỹ Tho đến nhà em tận tối mới về, nên em không muốn phụ lòng anh” - Ngân chia sẻ.

Sau 1 tháng kiên trì học nghề, Ngân đã có thể làm được những bức tranh cơ bản. Với chí cầu tiến, em lên mạng học hỏi thêm về cách trang trí để tranh được đẹp. Mỗi tranh Ngân làm bán được vài trăm ngàn đồng, phụ giúp ba mẹ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. “Tranh do Ngân làm bình thường lắm, nếu không muốn nói là xấu so với những bức tranh khác, nhưng nếu chứng kiến một cô bé như Ngân đã kiên trì vượt khó để hoàn thiện bức tranh thì đó là một bức tranh hoàn hảo!...” - Ngô Thị Ngọc Diệu, người chơi tranh quilling cho biết.

Bây giờ, công việc làm tranh với Ngân đã đem đến niềm vui cuộc sống trong em. Ba mẹ Ngân và những người xung quanh rất vui khi nhìn Ngân say mê với công việc. Mẹ em không còn nhìn thấy những giọt nước mắt chạnh lòng của cô con gái vừa tròn 20 tuổi, bởi tinh thần lạc quan và nghị lực vượt khó của chính Ngân. 

QUỐC TUẤN

.
.
.