Đến năm 2021 giảm tối thiểu 10 % tổng biên chế
Chiều nay 30/10, các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016. Đa số các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh câu chuyện về tinh giản biên chế, đổi mới cơ cấu tổ chức của các cơ quan công quyền...
Trong phần thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều đồng tình với nội dung báo cáo giám sát về kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết, khách quan trong việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đề xuất một loạt giải pháp liên quan đến việc rà soát, hoàn thiện hệ thống VBQPPL về tổ chức bộ máy, đánh giá cán bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử,... Nhiều ý kiến đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm cán bộ công chức sai phạm, kỷ luật công vụ không nghiêm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế không đạt yêu cầu.
Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại hội trường chiều nay. (Ảnh:KS) |
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng Quốc hội bàn về bộ máy hành chính Nhà nước ngay sau khi Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc và Tổng Bí thư đã ký một loạt văn bản về tổ chức nhân sự để đổi mới bộ máy chính trị nói chung và bộ máy Nhà nước nói riêng. Chính vì vậy, ngoài những vấn đề mà Quốc hội đã nhắc đến thì một số nội dung cần phải làm rõ đó là phân công quyền lực; cân đối nguồn lực thực thi; tuyển chọn nhân sự đặc biệt là cán bộ cấp cao là "gốc rễ của mọi vấn đề".
Về những giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Vân nhấn mạnh, cần thành lập Ban chỉ đạo Trung ương để thực hiện quyết liệt các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới hệ thống chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Bên cạnh đó, cần phải phân định chức năng của hệ thống hành pháp theo 3 nhóm gồm hành chính chính trị (tập trung vào ban hành thể chế và các giải pháp thực hiện các quyết định lập pháp); hành chính công vụ (tập trung vào kiểm soát hành vi tuân thủ pháp luật ) và hành chính tư pháp (kiểm tra, kiểm soát hệ thống hành chính, bảo đảm cơ thể hành chính lành mạnh và phát triển đúng hướng). Chính phủ cần hoàn thiện các thể chế về nhân sự và đi sâu vào tìm ra những tiêu chí cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ để làm sao tìm được người tài, loại ra khỏi bộ máy hành chính những cá nhân không làm được việc.
Bên cạnh đó, chúng ta phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng như tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp và hành pháp. Với riêng Quốc hội, đại biểu cho rằng Quốc hội phải tự đổi mới mình khi trao quá nhiều quyền cho Chính phủ dẫn đến hệ thống hành pháp không còn thời gian tập trung điều hành một cách hiệu quả.
Đồng tình với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng báo cáo giám sát tuy được thực hiện công phu song những đề xuất đưa ra sẽ khó đem lại nhiều chuyển biến. Đặc biệt, các giải pháp không chỉ dừng lại ở văn bản hành chính mà phải gắn với cả giáo dục, vận động xã hội trong đó vai trò chủ yếu thuộc về Mặt trận và các đoàn thể chính trị. Ở đây nếu chúng ta chỉ đơn thuần ra văn bản, ra nghị quyết thì cải cách bộ máy hành chính Nhà nước sẽ khó có tác dụng.
"Trong những năm qua, nhiều nghị quyết của Đảng rất đúng, rất sát nhưng khi đưa ra thực tế thì có hiện tượng thực hiện chậm, không đầy đủ, không thực hiện và thậm chí là đi ngược lại nghị quyết. Điều này thể hiện ở thực trạng dư thừa cấp phó, dư thừa lãnh đạo, dư thừa biên chế...Trong khi nghị quyết nói rất nhiều về trọng dụng nhân tài nhưng hiện tượng bổ nhiệm người thân lại đang kéo dài và ngày càng lan rộng. Ở đây chúng ta phải xác định trách nhiệm cụ thể thuộc về ai chứ không thể chung chung như hiện tại”, đại biểu dẫn chứng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tham gia giải trình một vấn đề các đại biểu quan tâm về công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước. (Ảnh:KS) |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đặt ra câu hỏi “vì sao chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về cải cách thủ tục hành chính Nhà nước đã có nhưng việc triển khai tại các cấp, ngành lại khó khăn như vậy? Phải chăng các địa phương còn đang ỷ lại, thiếu chủ động, các bộ, ngành chưa lắng nghe ý kiến, kiến nghị ở các địa phương. “Có thực tế các địa phương đã đề nghị được phân cấp, có chứng minh rõ lý do vì sao cần phân cấp, nhưng bộ, ngành chưa lắng nghe vấn đề này”, đại biểu cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần làm rõ nguyên nhân vì sao việc phân cấp, phân quyền chưa đạt như yêu cầu đặt ra. Để việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền đi sát với quy đinh pháp luật, theo đúng chủ trương của Đảng, đại biểu đề nghị, chính quyền địa phương cần có sự chủ động đề xuất, kiến nghị được phân cấp cụ thể. Chính quyền địa phương phải chứng minh cho được năng lực, chứng minh được sự đổi mới của mình trong tư duy trong quản lý. Ngược lại, Chính phủ và các bbộ, ngành cũng phải chủ động phân cấp, phân quyền cho địa phương, đánh giá đúng tình hình năng lực chính quyền địa phương để phân cấp.
Tham gia báo cáo giải trình thêm về những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, vấn đề hoàn thiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, Chính phủ đã tiếp thu và xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội gắn với triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ với chức năng nhiệm vụ của mình rà soát lại các luật, các nghị quyết của Quốc hội về vướng mắc chồng chéo trong phân định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; đồng thời phân định rõ chức năng nhiệm vụ quyền hạn đối với từng lĩnh vực, giữa các cơ quan cùng cấp theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền hợp lý.
Về vấn đề tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về tiêu chí xác định biên chế của các bộ, ngành địa phương trên cơ sở phân loại cơ quan, đơn vị hành chính. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Đảng và quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng biên chế hướng tới thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10 % tổng biên chế.
Quá trình tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính, bảo đảm không tăng thêm về đầu mối và biên chế, trong trường hợp đặc biệt thành lập mới phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó đẩy mạng việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án việc trí việc làm nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm áp lực tăng biên chế.
Theo dangcongsan.vn