Thứ Tư, 18/10/2017, 09:37 (GMT+7)
.

Du lịch sinh thái Tiền Giang, cần phát triển theo quy hoạch

Với lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đa dạng, phong phú, có sông Tiền, kinh Chợ Gạo kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và sang cả tiểu vùng sông Mekong, cùng với hơn 70.000 ha vườn cây ăn trái đặc sản, nên tỉnh Tiền Giang đã định hướng và hỗ trợ cho người dân tham gia các hoạt động du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn phục vụ khách tham quan, du lịch.

Du khách mua sắm ở làng nghề.	Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ
Du khách mua sắm ở làng nghề. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ

Từ năm 2005, trong khuôn khổ Dự án “Phát triển du lịch Mekong Tiền Giang” do Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) tài trợ, Tổ chức Phát triển quốc tế của Hà Lan (SNV) đã phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch Tiền Giang (nay là Sở VH-TT&DL Tiền Giang) triển khai Chương trình du lịch bền vững vì người nghèo, với các hoạt động chính như: Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, phục vụ du khách cho nông dân; các hoạt động về bảo vệ môi trường; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch trong cộng đồng... Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng nông thôn tham gia phát triển du lịch, nhất là ở khu vực cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy. Đến nay, tỉnh đã xây dựng, phát triển khá hiệu quả, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch.

Theo số liệu thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2016, Tiền Giang đón 1.690.000 lượt khách, trong đó có 662.000 lượt khách quốc tế, gần 70% lượng du khách đến các điểm du lịch gần gũi với môi trường thiên nhiên, trải nghiệm các giá trị văn hóa địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, du lịch sinh thái ở Tiền Giang thời gian qua vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu đa dạng. Nhiều hộ kinh doanh chỉ chạy theo phong trào, không theo quy hoạch nên thiếu tính chủ động trong việc đầu tư chỉnh trang vườn cây ăn trái, cảnh quan môi trường xung quanh và hầu như chỉ đáp ứng theo mùa mà chưa có sự chủ động áp dụng những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật nhằm cho ra hoa, quả trái vụ để có thể phục vụ khách du lịch quanh năm.

Đội ngũ quản lý, lao động ở các cơ sở du lịch còn thiếu hoặc yếu về chuyên môn, hầu hết các điểm du lịch nhà vườn hoạt động chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân là chính, chưa được đào tạo nhiều về năng lực quản lý, kinh doanh. Du khách đến các hộ nhà vườn phần lớn là khách quốc tế nhưng tỷ lệ người dân có trình độ ngoại ngữ để giao tiếp rất thấp. Việc liên kết giữa các hộ nhà vườn còn nhiều hạn chế, chưa quan tâm đến chất lượng, giá cả cũng không có sự thống nhất, sản phẩm chậm được cải tiến, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh chưa cao…

Theo Sở VH-TT&DL, trong thời gian tới, để phát triển du lịch sinh thái ở Tiền Giang thực sự hiệu quả và bền vững, cơ quan quản lý Nhà nước cần định hướng, đưa ra những giải pháp đồng bộ và mang tính khả thi cao như: Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái ở những vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế và tăng cường quản lý Nhà nước để đảm bảo việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng để người dân hoạt động tự phát. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, như hỗ trợ về vốn, về thuế, đào tạo nhân lực, quảng bá… để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, hộ dân, tạo ra sản phẩm mới mang nét đặc trưng địa phương, tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Xây dựng và phổ biến các mô hình du lịch sinh thái tiêu biểu, phù hợp với lợi thế của các địa phương, như mô hình du lịch trồng trọt, làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cùng với cộng đồng (homestay)... Xây dựng quy ước làng, xã trong khai thác du lịch, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hình ảnh, sản phẩm du lịch Tiền Giang. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch (cầu, đường giao thông, bến tàu, bến xe, hệ thống điện, nước…), các biện pháp về an ninh trật tự, về bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, các doanh nghiệp du lịch, các hộ dân về kiến thức, kỹ năng du lịch, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng về ngoại ngữ, khoa học công nghệ, giúp doanh nghiệp, hộ dân có đủ năng lực hội nhập du lịch. Hỗ trợ tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm, quảng bá các chương trình du lịch sinh thái qua các hội chợ, triển lãm du lịch và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận (Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp…) để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch, hạn chế việc phát triển những dịch vụ trùng lắp, tạo sự hấp dẫn cho chuyến tham quan, trải nghiệm của khách du lịch.

TẤN PHONG

.
.
.