Thứ Bảy, 14/10/2017, 15:06 (GMT+7)
.
Huyện đảo Tân Phú Đông:

Thoát nghèo từ khai thác lợi thế

Năm 2008, Cù lao Lợi Quan chính thức trở thành huyện Tân Phú Đông. Đây là bước khởi đầu cho quá trình vực dậy tiềm năng của vùng đất cù lao ven biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Bởi khi đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn khá cao (trên 50%), sản xuất nông - ngư nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, dịch bệnh khó kiểm soát; cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là giao thông đi lại rất khó khăn.

Sau gần 10 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng nỗ lực của huyện, Tân Phú Đông đã từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể là không lâu sau khi thành lập huyện, đường tỉnh 877B đã được trải nhựa; nhiều tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn, bến phà kết nối với đất liền được đầu tư, nâng cấp tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cây mãng cầu Xiêm đã giúp cho nhiều hộ dân huyện Tân Phú Đông thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cây mãng cầu Xiêm đã giúp cho nhiều hộ dân huyện Tân Phú Đông thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nói gì thì nói, nhưng trên hành trình phát triển của huyện “đảo” không thể không nhắc đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Với địa thế cù lao, Tân Phú Đông có nhiều tiềm năng trong phát triển thủy - hải sản. Và thực tế là trên địa bàn huyện có hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản, tập trung ở khu vực phía Đông và ven sông Cửa Tiểu và Cửa Trung. Đó là chưa nói đến vùng bãi bồi ven biển thuận lợi cho phát triển loài thủy sản ven biển (nghêu, sò). Bởi những tiềm năng trên mà huyện cù lao đã xác định thủy sản là kinh tế mũi nhọn của địa phương. Xác định lợi thế này, huyện đã và đang đẩy mạnh các mô hình nuôi thủy sản theo hướng bền vững như mô hình tôm - lúa (trên 500 ha), hình hành các tổ quản lý nuôi tôm cộng đồng…

Đối với khu vực phía Tây và vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông được xem là “bài toán” khó trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trước tác động của xâm nhập mặn ngày càng có xu hướng gay gắt và kéo dài. Trong “cái khó, ló cái khôn”, chính từ vùng đất khắc nghiệt này đã xuất hiện những cây trồng, mô hình phù hợp và hiệu quả thay thế dần những diện tích lúa kém hiệu quả. Chỉ trong thời gian ngắn, cây mãng cầu Xiêm đã “bám rễ” và phát triển mạnh trên vùng đất này. Khi thành lập huyện cây mãng cầu Xiêm chỉ khoảng 200 ha, đến nay cây trồng này phát triển lên đến trên 900 ha. Bên cạnh cây mãng cầu Xiêm, cây sả cũng đang trở thành cây trồng chủ lực của huyện, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo. Theo thống kê, đến nay toàn huyện có khoảng 1.500 ha trồng sả, tập trung chủ yếu ở 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt hơn là 2 cây trồng này phù hợp với điều kiện của huyện cù lao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, cây mãng cầu Xiêm và cây sả chịu hạn - mặn tốt, cho hiệu quả kinh tế cao nên thích hợp phát triển với điều kiện của vùng đất cù lao, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Cùng với phát triển cây trồng, đàn vật nuôi của huyện cũng có sự chuyển biến mạnh theo hướng phát triển những vật nuôi sử dụng ít nước ngọt, ăn thức ăn từ tự nhiên. Phong trào phát triển đàn bò, dê trong dân càng được thúc đẩy khi nhiều dự án sinh kế cho người dân nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai trên địa bàn huyện. Theo đó, nhiều hộ dân nghèo của huyện Tân Phú Đông đã được Dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển Việt Nam” tại Tiền Giang đã chọn con dê để hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân; Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo” đã và đang triển khai tại huyện bằng hình thức cho mượn con bò cái để nuôi đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo của huyện có điều kiện vươn lên, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Cùng với đó, các dự án trên còn hỗ trợ trang, thiết bị cho các Đài Truyền thanh xã, phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện thực hiện chương trình truyền thông sinh kế cho hộ nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Có thể nói, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 36,8%. 

Trên cơ sở đó, tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cù lao; đẩy mạnh phát triển cây mãng cầu Xiêm (đạt 1.200 ha vào năm 2020) và cây sả trên nền đất lúa kém hiệu quả (tiến tới huyện không còn sản xuất lúa); chú trọng phát triển mô hình lúa - tôm, các tổ quản lý nuôi tôm cộng đồng hướng đến phát triển thủy sản bền vững… là những định hướng mà huyện Tân Phú Đông hướng đến để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của huyện, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại địa phương để góp phần giải quyết đầu ra nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân huyện cù lao.

N.V

.
.
.