Bất cẩn của người lớn có thể gây tai nạn cho trẻ
Trẻ em không phải là người lớn dưới hình hài thu nhỏ. Khả năng và hành vi của các em khác với người lớn, điều này khiến các em có nguy cơ bị thương tích cao hơn. Nỗi đau khi bất ngờ mất đi đứa con do tai nạn thương tích (TNTT) phải nhiều năm mới có thể nguôi ngoai, thậm chí nó đeo đẳng cả cuộc đời. Nỗi đau càng trở nên sâu sắc khi những bậc làm cha, làm mẹ này biết rằng mình có khả năng ngăn chặn TNTT cho con mình, nhưng đã không làm hoặc chưa kịp làm.
Tắm sông - trò chơi dễ dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. |
HIỂM HỌA TỪ MÔI TRƯỜNG SỐNG
Có rất nhiều nguy cơ trong cuộc sống có thể gây thương tích cho con trẻ, bên cạnh những rủi ro khách quan, còn có cả những hiểm họa tiềm ẩn do chủ quan, thiếu sự quan tâm của người lớn như ngộ độc, ngã, bỏng... Tại Việt Nam, TNTT đang có xu hướng tăng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em.
Những nghiên cứu và báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng, TNTT ở Việt Nam chủ yếu xảy ra do sự thiếu ý thức, kiến thức và kỹ năng của người dân về phòng, chống TNTT và do môi trường sống không an toàn (trong gia đình và cộng đồng). Mặt khác, hệ thống các văn bản pháp luật, các quy phạm, tiêu chuẩn không đầy đủ và bất cập, đi kèm với việc thiếu các biện pháp triển khai thực hiện phù hợp trong
lĩnh vực phòng, chống TNTT...
Vụ TNTT đau lòng xảy ra gần đây nhất là trường hợp bé trai 11 tháng tuổi tử vong do nuốt bong bóng. Tai nạn xảy ra vào ngày 28-10. Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh đã tiếp nhận 1 ca tử vong rất đáng tiếc và thương tâm. Theo ThS-BS Đỗ Quang Thành, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của bệnh viện, bệnh nhi là bé trai ngụ xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, nhập viện trong tình trạng cơ thể tím tái, ngưng tim, ngưng thở, đồng tử 2 bên dãn to, đo điện tâm đồ biểu hiện tình trạng đẳng điện. Bệnh nhi được xác định tử vong trước khi nhập viện. Người nhà cho biết, cho bé nằm chơi, bên cạnh có vài cái bong bóng, dự định sẽ thổi lên cho bé chơi. Trong lúc để bé tự chơi đùa, bé đã nuốt bong bóng. Phát hiện, người nhà dùng tay móc dị vật ra nhưng không được, đã chuyển bé vào bệnh viện. Tại bệnh viện, dù được các nhân viên y tế cấp cứu tích cực, lấy dị vật ra khỏi đường khí quản của bệnh nhi, nhưng do tình trạng quá nặng, bé đã tử vong.
Theo kết quả điều tra được tổ chức UNICEF công bố, mỗi năm Việt Nam có khoảng 27 ngàn trẻ em chết do TNTT, chưa kể hàng ngàn trẻ em khác bị thương tích làm tàn tật suốt đời. Tại Tiền Giang, số trẻ em bị TNTT liên tục tăng sau mỗi năm, chủ yếu là những tai nạn trong sinh hoạt như: Bỏng, té ngã, nuốt dị vật, sặc thức ăn, súc vật cắn, ngộ độc, đuối nước, điện giật và tai nạn giao thông...
Mặc dù công tác tuyên truyền luôn được tăng cường, tập trung ở những nơi có nguy cơ cao trong việc xảy ra TNTT, nhưng tình trạng TNTT trẻ em vẫn không giảm, nhất là trẻ em chết do đuối nước. Trong điều kiện đó, việc mỗi người, mỗi gia đình cần có ý thức bảo vệ con em mình khỏi nguy cơ TNTT bằng cách xây dựng cho trẻ môi trường sống an toàn là vô cùng quan trọng.
GIẢI PHÁP “NGÔI NHÀ AN TOÀN CHO TRẺ EM”
“Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” là mô hình đang được khuyến cáo áp dụng tại các gia đình, với mục đích giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết các mối hiểm họa, cách loại bỏ các mối hiểm họa xung quanh nhà và trong nhà có thể gây ra TNTT cho trẻ. Qua đó góp phần giảm đến mức thấp nhất các loại TNTT ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hằng ngày gây ra.
Một ngôi nhà được công nhận là “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” phải đảm bảo loại bỏ các nguy cơ gây TNTT cho trẻ em, cụ thể như: Giếng nước, bể nước, lu nước có nắp đậy chắc chắn, an toàn; có bếp riêng với cửa chắn và cửa ra vào an toàn để đề phòng trẻ bị bỏng; phích nước nóng để nơi an toàn, trẻ không sờ, với tới được; các vật dễ cháy nổ (ga, xăng, cồn, đèn, diêm…) để nơi an toàn để đề phòng trẻ bị bỏng; ổ điện đặt trên cao, an toàn, nơi trẻ không với tới được để đề phòng điện giật; không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn (dao và mảnh kính vỡ…); đặt tủ thuốc trị bệnh ngoài tầm với của trẻ; dụng cụ đựng hóa chất (thuốc trừ sâu, axit, chất tẩy rửa…) phải có nhãn rõ ràng và để trên giá cao hoặc tủ có khóa, đảm bảo trẻ không thể nhìn hoặc sờ được; cầu thang, ban công phải có tay vịn và có rào chắn an toàn để phòng tránh trẻ ngã; không để trẻ nhỏ chơi các vật dễ nuốt để đề phòng hóc nghẹn đường thở; sàn gác trong nhà phải chắc để đề phòng gãy sập; lối ra sông, ao, kinh, rạch… phải có rào chắn để đề phòng trẻ chết đuối; vật dụng để trong nhà (xe máy, xe đạp, dao, kéo…) để gọn gàng và an toàn. Bên cạnh đó, không cho trẻ chơi những món đồ chơi có chi tiết nhỏ để trẻ không nuốt hoặc cho vào mũi, tai; không để trẻ chơi gần ao, hồ nếu không có người lớn...
Nói chung, trẻ em hay tò mò, thích khám phá và hay bắt chước người lớn nhưng còn ít hiểu biết. Do đó, một mặt, cha mẹ, người lớn phải tạo cho trẻ môi trường sống an toàn và luôn canh chừng trẻ, đặt trẻ trong tầm mắt của mình; đồng thời từng bước nói cho trẻ hiểu về những nguy hiểm và hướng dẫn trẻ tránh.
TNTT là một hiểm họa khôn lường đối với trẻ em. Phòng tránh TNTT cho trẻ em là một vấn đề lớn, là mối quan tâm của cả nhân loại. Tuy nhiên, ý thức và kiến thức của mỗi người là yếu tố quyết định hiệu quả của việc bảo vệ con trẻ khỏi những rủi ro có thể phòng ngừa được.
MỘC TRÀ