Thứ Tư, 15/11/2017, 16:27 (GMT+7)
.

Chất lượng nước sinh hoạt nông thôn còn kém

Hàng loại trạm cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc cung cấp nước cho người dân chưa được thực hiện đúng hợp đồng như nước cấp không kịp thời, cấp không đủ nước để sinh hoạt, chất lượng nước kém…

Nhiều người dân sử dụng nước không đạt chất lượng từ các trạm cấp nước.
Nhiều người dân sử dụng nước không đạt chất lượng từ các trạm cấp nước.

51 TRẠM NƯỚC NHIỄM MẶN

Qua phối hợp với các huyện, thị, thành khảo sát, lấy mẫu thử, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang (NN&PTNT) báo cáo có 51 trạm cấp nước có độ mặn không đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Ngay sau khi kiểm tra của các ngành chức năng, 13 trạm cấp nước đã được cải tạo, nâng chất bằng cách đấu nối với nguồn nước của Nhà máy nước Đồng Tâm (huyện Gò Công Đông 4 trạm, TX. Gò Công 2 trạm, huyện Gò Công Tây 6 trạm, huyện Chợ Gạo 1 trạm), khoan giếng mới thay thế giếng bị nhiễm mặn 1 trạm (huyện Gò Công Tây) và 1 trạm bị giải thể do hoạt động không hiệu quả, không có khả năng cải tạo được chất lượng nước (huyện Chợ Gạo). Đối với 36 trạm cấp nước bị nhiễm mặn còn lại, có 3 trạm trên địa bàn các huyện phía Tây sẽ thực hiện đầu tư khoan giếng mới thay thế giếng cũ bị nhiễm mặn; 33 trạm trên địa bàn các huyện phía Đông sẽ tiến hành nâng cấp, trong đó cải tạo hệ thống xử lý nước ở 10 trạm cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện Chợ Gạo và 1 trạm cấp nước sử dụng nguồn nước mặt ở huyện Gò Công Tây.

Về lâu dài, khi hệ thống tuyến ống của Nhà máy nước Đồng Tâm kéo về các huyện phía Đông được hoàn chỉnh, các trạm này sẽ thực hiện đấu nối sử dụng nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm. Do đó, tiến độ thực hiện nâng chất lượng nước của 33 trạm cấp nước bị nhiễm mặn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện tuyến ống phân phối nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm.

Một trạm cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Một trạm cấp nước sinh hoạt cho người dân.

143 TRẠM CẤP NƯỚC NHIỄM ASEN

Việc các trạm cấp nước cho người dân bị nhiễm asen vượt quá chỉ số cho phép đã khiến không ít người dân lo lắng; bởi nước bị nhiễm hàm lượng asen cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Dù nguồn nước bị nhiễm asen nhưng người dân vẫn phải sử dụng do không có nguồn nước khác thay thế.

Theo Sở NN&PTNT, 3 trạm cấp nước ở huyện Chợ Gạo nhiễm asen đã bị giải thể do hoạt động kém hiệu quả, không có khă năng cải tạo chất lượng nước và người dân đã chuyển sang sử dụng nước của các trạm kế cận; 3 trạm khoan giếng mới thay thế giếng cũ bị nhiễm asen, 1 trạm thực hiện đấu nối nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm; 64 trạm được cải tạo, nâng chất đạt quy chuẩn bằng xử lý lắng, lọc hàm lượng asen sơ bộ do chỉ vượt ngưỡng tối đa cho phép với hàm lượng rất ít. Hiện còn 72 trạm có hàm lượng asen lớn hơn giới hạn cho phép tối đa trong cấp nước sinh hoạt đối với các cơ sở cung cấp nước, gồm 47 trạm có hàm lượng asen từ 0,011 - 0,013 mg/l, 9 trạm có hàm lượng asen từ 0,014 - 0,015 mg/l, 10 trạm có hàm lượng asen 0,016 - 0,02 mg/l, 5 trạm có hàm lượng asen từ 0,021 - 0,026 mg/l và 1 trạm có hàm lượng asen 0,036 mg/l (giới hạn cho phép tối đa trong cấp nước sinh hoạt đối với các cơ sở cung cấp nước theo quy chuẩn của Bộ Y tế là ≤ 0,01 mg/l).

Nói về giải pháp cải tạo chất lượng nước đối với 72 trạm nhiễm asen cao, Sở NN&PTNT cho biết sẽ khoan thêm 67 giếng tầng sâu thay thế giếng cũ ở 67 trạm bị nhiễm asen. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý ở 5 trạm bị nhiễm asen. Riêng trong 20 trạm nước bị nhiễm sắt, các đơn vị cấp nước đã thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo bể xử lý nhằm nâng cao chất lượng nước đối với 9 trạm trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

Qua kết quả rà soát, đánh giá của các huyện, thị, thành (tháng 9-2017) thì có phát sinh tăng thêm 9 trạm cấp nước trên địa bàn huyện Chợ Gạo có hàm lượng sắt vượt mức quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân là hệ thống xử lý ở các trạm này đã xuống cấp cần phải cải tạo lại. Vì vậy, đến nay vẫn còn 20 trạm cấp nước nông thôn có hàm lượng sắt không đạt quy chuẩn (huyện Chợ Gạo 19 trạm, huyện Gò Công Tây 1 trạm). Giải pháp nâng cao chất lượng nước ở 20 trạm này là phải đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý.

SĨ NGUYÊN

.
.
.