Khi ngân hàng đồng hành cùng người nghèo
Sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Gò Công Tây đưa đến tận tay người nghèo, góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội của huyện. Cũng nhờ đó, tình trạng vay nặng lãi ở các vùng nông thôn được hạn chế, thay đổi tư duy làm kinh tế của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nhiều nông dân thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện. |
Qua 15 năm, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện đạt hơn 167 tỷ đồng, tăng hơn 7,9 lần so với khi mới thành lập. Đáng chú ý là nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương 600 triệu đồng (chiếm 0,36% tổng nguồn vốn). Theo đó, tổng doanh số cho vay của Phòng Giao dịch đạt hơn 419 tỷ đồng, với 47.855 lượt khách hàng vay vốn. Mạng lưới hoạt động của Ngân hàng CSXH huyện từng bước được kiện toàn, với 13 điểm giao dịch tại xã và 257 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phân bổ ở tất cả các khu phố, ấp trong toàn huyện. Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã triển khai thực hiện 8 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, với tổng dư nợ đạt hơn 157 tỷ đồng, tăng 7,5 lần so với năm 2003, với 10.201 khách hàng vay vốn (bình quân 1 khách hàng dư nợ trên 17 triệu đồng), nợ xấu chiếm 0,22% so với tổng dư nợ (giảm 9 lần so với năm 2003).
Đánh giá về chặng đường hoạt động vừa qua, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Công Tây Phạm Thanh Điền cho biết: “Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi, Ngân hàng CSXH huyện đã giúp cho hơn 8.000 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động; tạo điều kiện cho 4.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập; giúp xây dựng 14.000 công trình nước sạch, vệ sinh hợp chuẩn và xây 600 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giúp nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả, các làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển”.
Năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Việt Nam và chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện - Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện. Việc thực hiện chủ trương này đã góp phần tăng cường hơn nữa vai trò của chính quyền cấp xã đối với công tác nâng cao chất lượng tín dụng, phát huy hiệu quả đồng vốn vay ở địa phương. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ đắc lực từ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện. “Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đã giúp đưa vốn vay đến tận tay các đối tượng thụ hưởng. Từ chỗ ủy thác 1 chương trình khi mới thành lập, đến nay dư nợ của 8 chương trình tín dụng ủy thác qua 4 tổ chức Hội, đoàn thể trên đạt hơn 156 tỷ đồng, chiếm 99,82% tổng dư nợ” - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phạm Thanh Điền nhấn mạnh.
Đánh giá về chương trình phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện trong việc thực hiện công tác nhận ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, Hội, đoàn thể các cấp thường xuyên quan tâm phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện, đồng thời làm tốt việc kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Bên cạnh đó, các Chi, Tổ hội quan tâm tiếp cận hội viên là một trong những “đòn bẩy” nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Hiện tại, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đang quản lý hơn 71 tỷ đồng vốn ủy thác, chiếm 45,37% trong tổng dư nợ Ngân hàng CSXH huyện ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, trong khi đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,11% trong tổng dư nợ hiện Hội đang nhận ủy thác.
Ngoài việc triển khai các chương trình tín dụng giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, Ngân hàng CSXH huyện còn quan tâm công tác an sinh xã hội. Trong những năm qua, với sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần giúp đỡ thiết thực đối với người nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ Quỹ Tình nghĩa, Quỹ An sinh xã hội, thực hiện Chương trình “Cặp lá yêu thương”, phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với tổng số tiền đóng góp trên 32 triệu đồng. Ngân hàng CSXH huyện còn thường xuyên ủng hộ các chương trình an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện - xã hội tại địa phương như: Tặng quà cho trẻ em nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán thông qua Mặt trận Tổ quốc; ủng hộ Quỹ Tấm lòng vàng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vận động; hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt; hỗ trợ bò giống giúp người nghèo biên giới, đóng góp kinh phí xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma và xây dựng công trình kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Ngân hàng với số tiền trên 50 triệu đồng.
Có thể khẳng định 15 năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Gò Công Tây đã trở thành địa chỉ tin cậy, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Không chỉ trao “cần câu” giúp người dân thoát nghèo mà thông qua việc tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV, người dân tiếp cận phương thức sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN