Khó kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống
Chợ truyền thống là nơi cung cấp thực phẩm thường xuyên cho đa số người dân trên địa bàn nên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ trên luôn được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, ở các chợ hiện nay vẫn tồn tại nhiều mặt hàng kinh doanh, mua bán chưa theo quy định, mất ATTP, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hàng hóa buôn bán ở một chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 176 chợ, trong đó có 5 chợ hạng 1; 21 chợ hạng 2 và 150 chợ hạng 3. Mạng lưới chợ của tỉnh được phân bố tới tận cấp xã, phường, thị trấn, với hầu hết đều có kinh doanh, chế biến hàng thực phẩm. Mặt hàng thực phẩm chủ yếu được lưu thông qua chợ bao gồm: Thịt gia súc, gia cầm; hàng thủy, hải sản tươi sống; hàng rau, củ, quả; hàng lương thực, ngũ cốc; hàng ăn và đồ uống, thức ăn chín; hàng thực phẩm công nghệ tổng hợp (bánh kẹo, hàng khô...).
Những năm qua, hệ thống chợ của tỉnh đã được các địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ngay trên địa bàn, góp phần thúc đẩy việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, đằng sau những đóng góp quan trọng đó, hệ thống chợ này vẫn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề vệ sinh ATTP. Bởi phần lớn chợ truyền thống đều có cơ sở vật chất hạn chế, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác... Thực phẩm sống được bày bán lẫn lộn với những thức ăn chín. Tình trạng nước thải ứ đọng quanh chợ bốc mùi hôi thối. Phế phẩm của những mặt hàng tươi sống bị vứt bừa bãi, tràn lan làm cho khu vực chợ bị ô nhiễm. Trong khi đó, thực phẩm tươi sống bày bán không đúng quy định, thức ăn đã qua chế biến bày bán không che đậy hoặc không được bày bán trong tủ kính... gây mất vệ sinh. Bên cạnh đó, việc kiểm tra ATTP tại chợ cũng rất khó khăn do tình trạng vận chuyển thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cũng như các chất phụ gia trong nuôi, trồng, chế biến vẫn tồn tại; thực phẩm được đưa vào chợ từ nhiều nguồn khác nhau rất khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng; nhiều mặt hàng tươi sống không có bao bì, tem nhãn… nhưng các ban quản lý chợ chưa có trang thiết bị kiểm tra chất lượng thực phẩm.
Còn theo Sở Công thương, tuy đã được tuyên truyền, cung cấp các thông tin, kiến thức liên quan đến ATTP nhưng sự hiểu biết các quy định về ATTP của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn nhiều hạn chế nên mất ATTP vẫn có nguy cơ xảy ra. Cùng với đó, việc kiểm soát cũng như ý thức của người bán hàng và người tiêu dùng chưa cao. Nhiều ý kiến khác cho rằng, chính yếu tố tiện lợi, giá phù hợp thu nhập phần lớn người dân và tự do thỏa thuận về giá cả đã khiến cho việc kiểm soát chất lượng, vệ sinh ATTP tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Công thương, hiện nay công tác bảo đảm ATTP tại các chợ, đặc biệt là các chợ nông thôn còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn phổ biến. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa phải rõ ràng; thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP đối với ban quản lý chợ và các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ... “Nhưng dù các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương có tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thì ý thức về bảo đảm vệ sinh ATTP của các hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ vẫn mang tính quyết định” - đại diện Sở Công thương cho biết.
PHƯƠNG NGHI