Mô hình giảm nghèo nhờ chăn nuôi hợp lý
Nhằm hỗ trợ các hộ nghèo có điều kiện phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, Phòng Lao động- Thương binh- Xã hội (LĐ-TB-XH) TX. Gò Công triển khai thực hiện Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, trong đó có mô hình chăn nuôi dê sinh sản hỗ trợ hộ nghèo ở 2 xã Bình Đông và Bình Xuân.
Từ 2 con dê mang thai ban đầu, đến nay đàn dê của chị Lê Thị Mỹ Ly đã tăng lên 14 con. |
Năm 2016, thực hiện Kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH về nhân rộng mô hình giảm nghèo và phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh cho TX. Gò Công và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, Phòng LĐ-TB&XH TX. Gò Công đã triển khai thực hiện Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi dê sinh sản (gọi tắt là Dự án) ở 2 xã Bình Xuân và Bình Đông cho 66 hộ nghèo (mỗi xã 33 hộ), với tổng kinh phí thực hiện 462 triệu đồng. Dự án ưu tiên hỗ trợ những hộ nghèo đảm bảo các tiêu chí: Có đất sản xuất, có điều kiện xây dựng chuồng trại, có nguồn lực nhân công lao động… Để quản lý và thực hiện tốt Dự án, UBND các xã đã thành lập Ban quản lý (BQL) Dự án, phối hợp với Ủy ban MTTQ xã và các ngành liên quan thực hiện công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của Dự án sâu rộng trong người dân; đồng thời chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Phòng Kinh tế thị xã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ hưởng Dự án để đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các hộ tham gia Dự án được hỗ trợ vốn 7 triệu đồng để mua con giống, thực hiện hoàn vốn trong 3 năm (2 năm đầu mỗi năm 2 triệu đồng, năm cuối 3 triệu đồng), lãi suất 0%. Vốn thu hồi sẽ tiếp tục được sử dụng để hỗ trợ cho các hộ khác trong những năm tiếp theo. Với số vốn được hỗ trợ, các hộ dân tham gia Dự án sử dụng linh hoạt để mua con giống và xây dựng chuồng trại tùy theo hoàn cảnh từng gia đình.
Ông Nguyễn Văn Lâm, ấp Năm Châu, xã Bình Đông, cho biết: “Do sử dụng cây tạp sẵn có để xây dựng chuồng trại để tiết kiệm chi phí, tôi dùng toàn bộ số vốn được Dự án hỗ trợ để mua 4 dê cái giống. Sau hơn 1 năm nuôi đã cho sinh sản và mở rộng đàn, đến nay đàn dê của gia đình tôi được 14 con, trong đó có 4 dê đang mang thai, hứa hẹn sẽ cho sinh sản từ 4 - 8 dê con trong thời gian tới. Dê là vật nuôi sử dụng thức ăn tự nhiên từ cỏ, so đũa…, nên chi phí thức ăn không cao, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Ngoài ra, gia đình tôi còn có thêm thu nhập từ nguồn bán phân chuồng từ 1 - 2 triệu đồng/3 tháng”.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Liễu Quốc Thái cho biết: “Dự án được xã triển khai thực hiện ở 5 ấp: Cộng Lạc, Hòa Thân, Năm Châu, Muôn Nghiệp và Hồng Rạng, với 33 hộ nghèo của xã tham gia. Công tác khảo sát, tuyển chọn các hộ được hưởng Dự án được UBND xã chú trọng thực hiện, công khai lấy ý kiến của bà con. Tiếp đó, BQL Dự án xã chủ động liên hệ Phòng LĐ-TB-XH thị xã tìm trại giống có uy tín để giới thiệu cho các hộ tham gia Dự án đến chọn mua con giống. Bên cạnh đó, BQL Dự án xã thường xuyên cử cán bộ đến kiểm tra tiến độ chăn nuôi tại các hộ gia đình. Đến nay, đàn dê trên địa bàn xã đã tăng thêm 46 con, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân khi xuất bán...”.
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH TX. Gò Công, tính đến tháng 5-2017, đàn dê thuộc Dự án ở 2 xã Bình Đông và Bình Xuân đã tăng thêm 71 con (57 hộ), trọng lượng từ 9 kg đến 12 kg/con (nuôi trong 3 tháng) và có 9 hộ có dê đang mang thai. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Dự án đã mang lại hiệu quả, với số lượng đàn dê ngày càng mở rộng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
CAO THẮNG