Thứ Sáu, 10/11/2017, 14:28 (GMT+7)
.

Phía Tây lo…lũ, triều cường, sạt lở

Lũ về. Nông dân trồng lúa mừng. Họ vui vì đồng ruộng được xả phèn, phù sa bồi đắp, mầm bệnh được rửa trôi… Tuy vậy, mực nước năm nay khá cao, kết hợp với triều cường đã gây thiệt hại không nhỏ cho vườn cây ăn trái, cũng như tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở các huyện phía Tây.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu gia cố các cống, đập để bảo vệ vườn cây ăn trái.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu gia cố các cống, đập để bảo vệ vườn cây ăn trái.

DÂN LO LŨ KẾT HỢP TRIỀU CƯỜNG

Trong vài năm trở lại đây, nước lũ không về. Tuy nhiên, mực nước lũ năm nay khá cao, kết hợp với triều cường phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho nông dân, cũng như ngành chức năng trong việc ứng phó. Ông Nguyễn Văn Nam, ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) đã chuyển đổi hơn 1 ha lúa sang trồng chanh, mít, dừa. Do khu vực của ông không có đê bao khép kín nên gia đình tự đầu tư để gia cố các bờ bao xung quanh vườn. Ông Nam cho biết, nhiều năm nay, lũ không về, triều cường cũng không cao nên canh tác lúa không mang lại lợi nhuận. Thấy vậy, gia đình chuyển đổi sang trồng chanh, mít, dừa để tăng thu nhập. Tuy vậy, mực nước lũ năm nay cao, kết hợp với những đợt triều cường đã làm tràn các bờ bao. Gia đình phải thuê lao động gia cố, chủ động bơm tát nên không thiệt hại nhiều.

Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Tú cho biết, lũ kết hợp với triều cường vừa qua đã gây những thiệt hại đáng kể cho huyện. Theo đó, xã Mỹ Lương có 15 ha vườn cây ăn trái bị chết và giảm năng suất do nước tràn khoảng 800 m đê cặp sông Cái Cối, nước tràn ở tuyến đê Rạch Miễu giáp xã Mỹ Đức Tây dài khoảng 120 m gây ảnh hưởng 8 ha vườn cây ăn trái, tràn tuyến đê Mù U Ông Bổn dài 150 m ảnh hưởng 10 ha vườn. Tại xã Mỹ Lợi A, cửa cống Tám Thiện bị nước đẩy đứt dây làm ngập khoảng 12 ha vườn cây ăn trái. Tại xã Tân Thanh, nước đã tràn cục bộ qua một số tuyến đê bao ấp 1, 2 và đặc biệt là sạt lở đập Ông Tư Bổn làm ngập khoảng 20 ha vườn cây ăn trái…

Tại huyện Tân Phước, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết, lũ kết hợp với triều cường vừa qua đã khiến cho trên 300 ha khóm đứng trước nguy cơ bị thiệt hại nặng do ngập úng. Khu vực trồng khóm tại ô bao Mỹ Thành, xã Mỹ Phước (từ kinh 500 đến kinh Trương Văn Sanh) có diện tích 950 ha bị ngập nước cục bộ khoảng 20% - 30%, ô bao số 12 xã Tân Hòa Đông có diện tích 311 ha bị ngập úng cục bộ khoảng 11 ha. Ngoài ra, một số diện tích trồng khóm nằm nhỏ lẻ cũng bị ngập úng.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết, do ảnh hưởng lũ thượng nguồn đổ về và kỳ triều cường giữa tháng 9 âm lịch, mực nước trên các sông, kinh, rạch Tiền Giang lên nhanh. Đến ngày 6-11, mực nước tại Mỹ Thuận cao nhất từ đầu năm đến nay là 1,95 m (xuất hiện ngày 9-10 và 6-11), cao hơn báo động III là 0,15 m, cao hơn đỉnh triều ngày 17-10-2016 là 0,03 m. Tại Mỹ Tho, mực nước cao nhất từ đầu năm đến nay là 1,81 m (xuất hiện ngày 6-11), cao hơn mức báo động III là 0,21 m, cao hơn đỉnh triều ngày 28-10-2016 là 0,1 m.

Đối với khu vực nội đồng tại Hậu Mỹ Bắc, mực nước cao nhất đo được 1,54 m, thấp hơn đỉnh triều ngày 20-10-2017 là 0,02 m, thấp hơn đỉnh triều 2016 là 0,03 m. Tại xã Mỹ Trung, mực nước cao nhất đo được 1,55 m, thấp hơn đỉnh triều ngày 20-10-2017 là 0,12 m, thấp hơn đỉnh triều 2016 là 0,2 m.

Nhiều nông dân trồng cây ăn trái ở huyện Cái Bè khốn đốn trong đợt lũ và triều cường vừa qua.
Nhiều nông dân trồng cây ăn trái ở huyện Cái Bè khốn đốn trong đợt lũ và triều cường vừa qua.

Tại xã Mỹ Phước, mực nước cao nhất đo được 1,3 m, thấp hơn đỉnh triều ngày 19-10-2017 là 0,08 m, cao hơn đỉnh triều 2016 là 0,02 m. Tại ngã Năm Bắc Đông, mực nước cao nhất đo được 1,14 m, thấp hơn đỉnh triều ngày 24-10-2017 là 0,11 m, tương đương đỉnh triều 2016.
Trước diễn biến phức tạp của lũ kết hợp với triều cường, Chi cục Thủy lợi sẽ tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao vùng có nguy cơ bị ngập lũ; gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở ở các vùng có nguy cơ ngập lũ; thông báo thường xuyên và liên tục các vị trí bờ sông, kinh, rạch có nguy cơ sạt lở để người dân biết, chủ động di dời; vận động, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

SẠT LỞ CÀNG NGHIÊM TRỌNG

Trong những năm qua, tình hình sạt lở ở các huyện phía Tây là vấn đề nan giải. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Tú, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện 33 điểm sạt lở và sụp lún bờ sông, với chiều dài trên 2.200 m, trong đó 11 điểm sạt lở lớn, gây nguy hiểm (chiều dài 364 m); 22 điểm sạt lở có tính chất nguy hiểm (chiều dài 1.923 m).

Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu, đề xuất kịp thời UBND tỉnh cho chủ trương xử lý 99 điểm sạt lở, với chiều dài 8.811 m, kinh phí xử lý khoảng 49,3 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thị xử lý 28 điểm lớn (mức độ sạt lở nguy hiểm vượt quá khả năng xử lý của huyện), kinh phí trên 29,2 tỷ đồng; 71 điểm sạt lở nhỏ và vừa, kinh phí trên 20 tỷ đồng giao các huyện, thị trích nguồn ngân sách dự phòng xử lý.

Trao đổi về tiến độ xử lý các điểm sạt lở, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết, theo báo cáo từ các địa phương, hiện nay, huyện Cái Bè đang triển khai xử lý sạt lở và sụp lún 33 điểm, chiều dài 5.498 m, kinh phí xử lý trên 11,8 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng huyện. Huyện Cai Lậy có 49 điểm, chiều dài 1.838 m, kinh phí xử lý trên 14,5 tỷ đồng (trong đó tỉnh hỗ trợ xử lý 20 điểm, với kinh phí 8,8 tỷ đồng; huyện trích nguồn ngân sách dự phòng xử lý 29 điểm, kinh phí 5,7 tỷ đồng). TX. Cai Lậy có 8 điểm sạt lở, chiều dài 772 m, kinh phí xử lý trên 13,9 tỷ đồng (trong đó tỉnh hỗ trợ xử lý 4 điểm, với kinh phí khoảng 12,9 tỷ đồng; thị xã trích nguồn ngân sách dự phòng xử lý 4 điểm, kinh phí trên 1 tỷ đồng). Hiện thị xã đang triển khai xử lý 5 điểm (2 điểm của tỉnh hỗ trợ, 3 điểm của thị xã), 2 điểm đang lập hồ sơ, 1 điểm đã nghiệm thu đưa vào sử dụng…

Trước áp lực lũ, triều cường và tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng nhưng việc xử lý ở các địa phương còn diễn ra khá chậm. “Thời gian tới, chúng tôi yêu cầu các huyện, thị đẩy nhanh tiến độ thi công xử lý các điểm sạt lở đã được phê duyệt nhằm đảm bảo ngăn lũ và triều cường; tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát các khu vực ven sông, kinh, rạch có nguy cơ sạt lở, đặc biệt lưu ý tại các vị trí đoạn sông cong để có giải pháp xử lý kịp thời”- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp nói.

SĨ NGUYÊN

.
.
.