Thứ Sáu, 03/11/2017, 14:35 (GMT+7)
.

Sẵn sàng ứng phó với bão, lũ

20 năm trước, cơn bão Linda đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản đối với các tỉnh, thành phía Nam. 20 năm sau, 2 cơn áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển nối tiếp nhau và 1 cơn đã mạnh lên thành bão, cũng vào cùng hướng với bão Linda tàn phá trước đó. Không chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của 2 cơn ATNĐ và bão, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Các điểm bơm chống úng ở huyện Tân Phước khẩn trương bơm dự phòng.
Các điểm bơm chống úng ở huyện Tân Phước khẩn trương bơm dự phòng.

CÁC HUYỆN PHÍA ĐÔNG: CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Trao đổi về công tác chuẩn bị ứng phó với ATNĐ, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Tân Phú Đông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: “Sau khi nhận được thông tin ATNĐ có khả năng ảnh hưởng đến địa bàn, huyện tiến hành rà soát, thống kê số hộ, số dân cần di dời, các điểm tránh trú bão, các phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động hộ dân chằng chống nhà ở thô sơ, tôn cao bờ bao, đê bao để bảo vệ sản xuất. Đối với cơn bão dưới cấp 10, số dân cần di dời trên 10.600 người, có 331 điểm tránh trú bão. Đối với cơn bão trên cấp 10, số dân di dời trên 43.700 người, trong đó sơ tán trong huyện (tại chỗ) trên 17.200 người, sơ tán sang các huyện khác 26.500 người (huyện Gò Công Tây 13.500 người, huyện Chợ Gạo 13.000 người); 83 xe khách phục vụ hỗ trợ sơ tán dân khi cần thiết…”.

Ngày 1-11, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã có buổi làm việc và kiểm tra thực tế công tác ứng phó ATNĐ ở huyện Tân Phú Đông. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê bình công tác chuẩn bị ứng phó với ATNĐ của huyện như: Phòng trực ATNĐ còn quá sơ sài, xây dựng phương án đối phó khi có tình huống xấu xảy ra chưa cụ thể... Vì vậy, lãnh đạo huyện cần nêu cao tinh thần ứng phó với ATNĐ hơn nữa. Khi có tình huống xấu xảy ra, huyện phải huy động được người, xe vận chuyển, nơi tránh trú bão, trang bị cơ sở vật chất khi dân vào tránh trú; rà soát lại hệ thống đê điều, đảm bảo an toàn cho lực lượng Công an khi làm nhiệm vụ sơ tán dân cũng như bảo vệ dân khi có bão, chằng chống nhà cửa, không cho tàu thuyền ra vùng nguy hiểm… Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiểm tra các tuyến phà qua huyện Tân Phú Đông.

Lãnh đạo huyện Cái Bè báo cáo công tác phòng, chống lụt, bão.
Lãnh đạo huyện Cái Bè báo cáo công tác phòng, chống lụt, bão.

Tại huyện Gò Công Đông, công tác chuẩn bị ứng phó khi ATNĐ diễn biến theo hướng xấu nghiêm túc hơn. Phòng trực phòng, chống thiên tai (PCTT) có đầy đủ người và trang thiết bị. Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Trần Văn Thành, để chủ động ứng phó với ATNĐ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tiến hành rà soát lại kế hoạch, phương án nhằm bổ sung kịp thời; thông báo ATNĐ cho các xã, thị trấn và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện; tổ chức trực 24/24. Huyện chỉ đạo các xã ven biển phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng đảm bảo thông tin liên lạc, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, trong đó chú trọng hướng dẫn tránh trú bão đối với tàu đánh bắt cá xa bờ và gần bờ. Đặc biệt là phải nắm chắc số lượng tàu, ghe chưa liên lạc được.

Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống. UBND các xã ven biển, thị trấn Vàm Láng phối hợp với Bộ đội Biên phòng sắp xếp tàu, thuyền về khu neo đậu để đảm bảo an toàn, không để người ở lại trên tàu, thuyền và trên các chòi canh giữ bãi nghêu, đáy sông cầu. Đối với các bến đò xã Gia Thuận, Tân Phước, Tân Thành, Phước Trung và thị trấn Vàm Láng ngưng hoạt động đến khi có bản tin cuối cùng của ATNĐ để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện; các ngành Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng phó khi có lệnh điều động. “Tính đến 8 giờ ngày 1-11, huyện đã kêu gọi 526 tàu đánh bắt xa bờ tìm nơi tránh trú, 248 tàu đánh bắt gần bờ (đánh bắt vùng cửa sông, đáy sông cầu, cào te, câu, giữ nghêu), 71 chòi giữ nghêu không còn người canh giữ”- Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Trần Văn Thành nói.     

Chiều 1-11, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Huyện ủy Gò Công Đông và kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị ứng phó với ATNĐ. Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Danh đã đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó của huyện; đồng thời lưu ý huyện không được lơ là, chủ quan khi diễn biến của ATNĐ khá phức tạp. Huyện cần tập trung ứng phó 24/24, rà soát lại công tác chằng chống nhà dân, những hộ dân ngoài đê, tất cả hệ thống đê điều, phương tiện sơ tán dân khi ATNĐ diễn biến theo hướng xấu... Đặc biệt là không để phương tiện và người ra đánh bắt cá ở vùng nguy hiểm…“Chúng ta đã chuẩn bị tốt rồi thì đừng để việc đáng tiếc xảy ra, nhất là mạng sống con người và tài sản của người dân”- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

CÁC HUYỆN PHÍA TÂY: SẴN SÀNG "ĐÓN" LŨ, TRIỀU CƯỜNG

Tại huyện Cái Bè, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tú cho biết, huyện đã tập trung rà soát lại các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở. Đối với các hộ dân ngoài đồng, nhà có nguy cơ bị giông, lốc làm sập, ngã, huyện đã chỉ đạo các xã vận động người dân chằng chống nhà cửa. Nếu người dân không có kinh phí thì huyện sẽ xuất quỹ dự phòng để hỗ trợ. Hiện nay, huyện có rất nhiều điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở. Từ nguồn kinh phí dự phòng, huyện đã tập trung khắc phục các điểm sạt lở này. Các điểm sạt lở được huyện triển khai thi công khắc phục theo chủ trương dời đê.

Tại huyện Cai Lậy, cù lao Ngũ Hiệp, Tân Phong là 2 điểm xung yếu được địa phương xác định. Huyện Cai Lậy đã tập trung gia cố đê bao cho 2 xã cù lao này. Địa phương còn cung cấp cho 2 xã này áo phao, phao bè phòng khi mưa bão xảy ra. Ngoài ra, địa phương sẽ thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu, đảm bảo chế độ trực khi có thiên tai xảy ra.

Kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão tại huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy.
Kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão tại huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy.

Đối với huyện Tân Phước, thời gian qua mưa lớn đã khiến nhiều ô đê bao bị ngập úng cục bộ. Để chống úng cho những diện tích khóm trong ô đê bao, địa phương đã triển khai bơm chống úng cho 129 ô đê bao. Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Nguyễn Văn Mẫn, qua kiểm tra, các xã, thị trấn đã khẩn trương bơm dự phòng phòng tình trạng mưa kéo dài. Hiện nay, điều mà địa phương lo ngại nhất là mưa kéo dài kèm theo lốc xoáy dẫn đến mất điện. Chính vì vậy, địa phương đã chỉ đạo ngành Điện kiểm tra hệ thống đường dây, hướng dẫn cảnh báo các hộ gia đình về an toàn điện, đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc khi thiên tai xảy ra. Từ đó, công tác bơm chống úng sẽ không bị gián đoạn. Ngoài ra, địa phương cũng đã chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự sẵn sàng ứng cứu khi có tình hình xấu xảy ra.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp, dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, lũ ở Tân Châu (tỉnh An Giang) đã đạt đỉnh. Thông thường, khi lũ ở Tân Châu đạt đỉnh, sau đó khoảng nửa hoặc 1 tháng, lũ ở tỉnh mới đạt đỉnh. Theo dự báo, khoảng ngày 5, 6-11, trên kinh Nguyễn Văn Tiếp (huyện Cái Bè), lũ sẽ đạt mức từ 1,6 - 1,7 m. Vừa bị lũ, bão, mưa gió, “tổ hợp” này sẽ gây bất lợi cho công tác phòng, chống thiên tai của huyện Cái Bè nên địa phương cần lưu ý.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp, với tốc độ di chuyển 20 km/giờ, ATNĐ gần Biển Đông có nguy cơ mạnh lên thành bão và theo dự đoán sẽ đổ bộ vào đất liền vào khoảng ngày 4-11. Tiền Giang có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn ATNĐ này. Trường hợp vào cùng lúc triều cường đạt đỉnh thì các xã nằm ven sông Tiền cần phòng, chống triều cường, rà soát lại các hộ dân ở ngoài đồng và vận động họ vào các cụm, tuyến dân cư; rà soát lại các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở khi gặp mưa, lũ, áp lực của triều cường. Theo cơ quan khí tượng, sáng 2-11 ATNĐ đã mạnh lên thành bão.

Đồng chí Trần Long Thôn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện phía Tây phải chủ động cập nhật tình hình thời tiết, chỉ đạo công tác phòng, chống, đảm bảo thông tin kịp thời về tình hình bão, lũ đến người dân. Trong điều kiện ngập lũ kéo dài, công tác kiểm tra, rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở phải được thực hiện. Khi xảy ra thiên tai phải chủ động ứng phó, còn xảy ra thiệt hại phải chủ động khắc phục. Lãnh đạo địa phương phải đi kiểm tra, đôn đốc tình hình phòng, chống lụt, bão, đảm bảo chế độ trực 24/24…

SĨ NGUYÊN - MINH THÀNH

.
.
.