Công đoàn và lao động nữ lên tiếng
Những ngày qua, dư luận công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng, nhất là nữ CNVCLĐ đặc biệt quan tâm tới những thông tin liên quan đến cách tính lương hưu mới được quy định tại khoản 2, Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Vấn đề này lại lần nữa được đề cập sôi nổi tại Hội nghị Đối thoại với người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2017 do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại Tiền Giang vào ngày 10-11
Người lao động lo lắng với cách tính lương hưu mới theo Luật BHXH năm 2014 tại Hội nghị Đối thoại với người lao động về BHXH, BHYT, BHTN diễn ra tại Tiền Giang vào ngày 10-11. |
TÂM TƯ
Khoản 2, Điều 56, Luật BHXH năm 2014 quy định, từ ngày 1-1-2018, người lao động muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng BHXH thêm 5 năm. Theo đó, lao động nữ phải đóng đủ 30 năm, lao động nam là 35 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45%. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%/năm (trước đây là 3%) và đóng đủ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.
Tại Hội nghị Đối thoại với người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN năm 2017 do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với bhxh Việt Nam tổ chức tại Tiền Giang vào ngày 10-11, nhiều thắc mắc của người lao động liên quan đến chính sách, pháp luật về các chế độ bảo hiểm đã được trả lời, giải đáp thỏa đáng. Trong đó, người lao động đề cập nhiều về các vấn đề như: Chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; chế độ phụ cấp độc hại; giải quyết vấn đề nghỉ hưu trước tuổi; chế độ BHTN; vấn đề chốt sổ BHXH của người lao động khi công ty ngừng hoạt động hoặc chủ công ty bỏ trốn; đối tượng, mức lương đóng BHXH theo quy định mới; cách tính lương hưu theo quy định mới; quy trình cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo Luật BHXH năm 2014... |
Quy định mới này khiến hầu hết lao động nữ đều băn khoăn, lo lắng. Một cán bộ nữ đang công tác tại một cơ quan Nhà nước trên địa bàn TX. Cai Lậy thẳng thắn bày tỏ: “Tôi thật sự không đồng tình với quy định này; bởi nó bất công, gây thiệt thòi cho lao động nữ nhiều quá. Ví dụ như tôi năm nay 53 tuổi, đã công tác tại cơ quan Nhà nước và tham gia đóng BHXH được 32 năm. Nếu tôi đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017 thì ngoài việc được hưởng mức lương hưu tối đa 75% cho 25 năm đóng BHXH, còn nhận được khoản trợ cấp một lần cho 7 năm đóng thừa còn lại. Thế nhưng, nếu nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 (tức chỉ sau một đêm) thì tôi mất đi 5 năm đóng BHXH, nghĩa là chỉ còn nhận khoản trợ cấp một lần cho 2 năm đóng thừa. Điều này quá phi lý và thiệt thòi cho những trường hợp như tôi”.
Không ít lao động nữ mang đến Hội nghị Đối thoại với người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN năm 2017 diễn ra tại Tiền Giang với tâm trạng lo lắng và bắt đầu có những dự tính mới cho công việc của mình. Chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân của một công ty may mặc trên địa bàn TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Tôi từng làm việc qua 2 - 3 công ty nên đến nay mới đóng BHXH được 10 năm. Trước đây, tôi dự tính làm thêm vài năm nữa rồi xin ra ngoài làm việc khác nhẹ nhàng hơn, cố gắng duy trì đóng BHXH tự nguyện đủ 25 năm để được hưởng lương hưu. Nhưng theo quy định mới, tôi sẽ phải đóng BHXH 20 năm nữa (đến 58 tuổi) mới được hưởng lương hưu 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Vì vậy, tôi đang tính khi không đủ sức khỏe làm ở công ty nữa sẽ làm đơn xin hưởng chế độ BHXH một lần”.
Cũng có cùng băn khoăn, lo lắng trên, chị Trần Thị Hoa, công nhân một công ty trên địa bàn TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Tôi vào công ty làm việc năm 25 tuổi, đến nay đã được hơn 15 năm. Tôi vẫn muốn đóng BHXH để sau này hưởng lương hưu nhưng nếu lương hưu thấp như vậy thì sẽ “lĩnh một cục” về quê mở cửa hàng tạp hóa sinh sống chứ không muốn chờ lương hưu nữa”.
BẢO VỆ QUYỀN LỢI LAO ĐỘNG NỮ
Là lao động nữ và là cán bộ Công đoàn, bà Đoàn Thị Kiếm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Sông Tiền bày tỏ: “Tôi không đồng tình với cách tính lương hưu mới được quy định tại khoản 2, Điều 56, Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018; bởi nó thiệt thòi cho lao động nữ nhiều quá, nhất là lao động nữ ngành dệt may”. Bà Kiếm cho rằng, dệt may là ngành nặng nhọc, độc hại. Đối với những công nhân trong ngành dệt may, 55 tuổi nghỉ hưu đã là quá sức. Việc tận dụng sức lao động, kéo dài tuổi hưu là không thể đối với công việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo này.
Về việc giảm lương hưu, bà Kiếm tâm tư: “Nếu đời sống khá giả sẽ không mấy ai quan tâm mỗi tháng nhiều hơn hay bớt đi vài trăm ngàn đồng. Thế nhưng, thực tế đời sống công nhân nói chung, công nhân ngành dệt may nói riêng còn vô vàn khó khăn. Họ chạy ăn từng bữa, cố gắng tăng ca, xoay xở làm thêm để có thêm chút thu nhập ít ỏi thì việc giảm lương hưu thật sự là vấn đề lớn đối với họ”.
Đại diện BHXH tỉnh cũng phân tích, hiện nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài thường chỉ đóng BHXH ở mức thấp nhất cho người lao động. Khi người lao động nghỉ hưu, nếu tính như cách cũ, tiền lương hưu chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng nên cuộc sống rất chật vật. Quy định mới kéo dài thời gian đóng BHXH càng khiến lao động nữ thêm thiệt thòi.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trương Văn Hiền cho biết, LĐLĐ tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về thời gian đóng BHXH để tính lương hưu đối với lao động nữ sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2018. Bởi nếu áp dụng quy định thời gian đóng BHXH để tính lương hưu theo cách mới sẽ rất thiệt thòi cho lao động nữ đã đóng BHXH đủ 25 năm và sẽ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 (bị mất 10%).
Theo thông tin từ đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam tại hội nghị, trước những vướng mắc đang đặt ra và những dư luận của cán bộ Công đoàn, CNVCLĐ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội có phương án tạm thời chưa thực hiện khoản 2, Điều 56, Luật BHXH năm 2014.
PHƯƠNG NGHI