"Cái tình" trong chạy bão
Cơn bão Tembin (cơn bão số 16) được dự đoán có sức tàn phá khủng khiếp, gợi nhớ cho nhiều người về cơn bão Linda cách đây 20 năm - ký ức đau thương của nhiều người dân miền Tây. May mắn thay, bão đã không đổ bộ vào đất liền nhưng, qua đó đã để lại cái tình - tình người trong cơn bão.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh cùng các ngành chức năng thăm cơ sở y tế của địa phương. Ảnh: NGUYỄN SỰ |
Phải nói rằng, trong đợt ứng phó cơn bão Tembin vừa qua, toàn bộ hệ thống chính trị đã được huy động vào cuộc. Trong đó, việc bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Mưa vẫn dai dẳng, từng cơn gió thổi vào làm lạnh buốt cả người. Đã quá 22 giờ, mọi người trong ê kíp trực bão tại huyện Tân Phú Đông vẫn chưa sao ngủ được. Dù rằng, bão đã di chuyển lệch hướng và có khả năng không đổ bộ vào đất liền nước ta, nhưng mọi người vẫn không thể chủ quan. Bởi bão đang còn ngoài khơi nên chưa ai có thể dám chắc điều gì. Phía trên tầng 1 của Trung tâm hành chính UBND huyện, phòng của Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Quốc Khánh vẫn sáng đèn. Chúng tôi bước vào phòng cũng là lúc đồng chí đang cập nhật tình hình thời tiết để có những phương án ứng phó. Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh bày tỏ: “Chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra các điểm tránh, trú bão tập trung xem tình hình của bà con dưới đó ra sao? Cán bộ có trực hay không? Ở mỗi điểm tránh, trú tập trung, huyện đều cử cán bộ trực ăn, ở cùng dân. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc ăn uống cho người dân, huyện cũng đã chuẩn bị nhiều thùng mì gói, nước uống để phục vụ bà con. Ngoài ra, công tác y tế cũng được địa phương đặc biệt quan tâm, khi có trường hợp bệnh đau sẽ có lực lượng tại chỗ thăm khám hoặc chuyển đi tuyến trên”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng tặng quà cho người dân tránh bão. |
Có thể nói, nhiều người dân Tân Phú Đông “chạy bão” trong tâm trạng lo lắng cuối cùng đã thở phào nhẹ nhõm khi được đưa đến nơi an toàn, đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Cô Bạch Thị Phúc (xã Phú Đông) bộc bạch: “Được chính quyền đến vận động di dời, tôi đã đến điểm tránh, trú bão tập trung từ sáng hôm qua và lúc đầu cảm thấy hơi lo lắng. Nhưng khi đến điểm trú bão, tôi luôn được quan tâm và chào đón vui vẻ nên cảm thấy rất an tâm”.
Còn tại huyện Gò Công Tây, cán bộ, lãnh đạo địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, động viên người dân tránh bão, bất kể mưa gió. Nơi tiếp nhận dân đến tránh bão rất ân cần, tận tình. Sư cô Thích nữ Diệu Lan, Trụ trì chùa Bửu Huệ, khi nghe tin bão sắp đến, cô đã chuẩn bị sẵn nơi ăn, chỗ ở để cho người dân ở xã và huyện Tân Phú Đông sang tránh bão. Sư cô Thích nữ Diệu Lan cho biết: “Đi tránh bão khổ lắm rồi nên phải gắng làm sao lo cho người dân được chu đáo nhất có thể trong những ngày này và xem như làm việc thiện cho đời”. Trong khi đó, anh Phan Hồng Phong, cán bộ xã Vĩnh Hựu đã túc trực cùng người dân 24/24 giờ để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo tình hình sức khỏe cho người dân. Thậm chí, anh Phong còn làm nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh xung quanh. Chính những hành động này đã khiến người dân đi tránh bão rất cảm động. Chị Dương Thanh Thúy (xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông) chia sẻ: “Nghe tin bão sắp đến phải sơ tán dân, lúc đầu tôi lo lắng lắm! Trước tiên là lo nhà cửa và 10 công sả của gia đình, sau đó là lo nơi ở tránh bão. Nhưng khi đến chùa Bửu Huệ tránh bão, tôi cảm thấy an tâm và rất cảm ơn quý phật tử nơi đây”.
Các cơ quan ban ngành trong tỉnh thăm hỏi người dân đi tránh bão. |
Trường Tiểu học Đồng Sơn 2 (xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) khi biết tin bão đã chủ động chuẩn bị, không chờ đến chỉ đạo của cấp trên, trường đã dành các phòng học tiếp nhận 101 người dân sơ tán. Bà Nguyễn Thị Phải cho biết: “Nơi đây có phòng dành cho người già nên cảm thấy thoải mái, các thầy cô nơi đây chăm sóc tận tình”. Trong ứng phó cơn bão Tembin, huyện Gò Công Tây đã sơ tán 2.238 người đến điểm trú bão an toàn; đồng thời tiếp nhận 365 người đến trú bão từ huyện Tân Phú Đông tại các trường học, nhà văn hóa, trạm y tế...
Phải nói rằng, không riêng gì cơn bão Tembin, trong đợt ứng phó với các cơn bão trước, lãnh đạo tỉnh, địa phương rất quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; trực tiếp thị sát công tác ứng phó bão tại các địa phương. Trong đợt ứng phó với bão Tembin này, cả Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã trực tiếp xuống địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão, thăm hỏi động viên người dân. Tại các nơi đến kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu các địa phương quan tâm đến sức khỏe người dân, đảm bảo chỗ ăn, nghỉ và các sinh hoạt cơ bản. Chủ tịch UBND tỉnh đã đến nơi người dân tránh, trú bão tập trung tại huyện Tân Phú Đông ân cần thăm hỏi người dân, chỉ đạo địa phương phải giữ ấm cho người dân trong thời tiết lạnh.
Không riêng gì những tình cảm đó, cơn bão Tembin đi qua còn để lại biết bao tình cảm quý báu khác. Trong đó không thể thiếu tình quân dân “keo sơn, gắn bó”; tinh thần “thanh niên xung kích” của thanh niên tỉnh nhà; những cái mền, hộp sữa…, dù không lớn nhưng nó chất chứa vô vàn tình cảm, cứ thế càng làm cho tình người càng thêm thấm đượm trong cơn bão.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng chức năng của TP. Mỹ Tho thường xuyên đến kiểm tra thực tế về việc phòng, chống bão của người dân tại các lồng bè nuôi cá trên sông thuộc phường Tân Long, xã Thới Sơn và yêu cầu các hộ dân chằng chống, gia cố để đảm bảo an toàn cho các bè cá. Lực lượng chức năng đã tích cực vận động và có cả cưỡng chế các hộ dân trên các bè cá di dời đến các khu vực an toàn để tránh, trú bão. Phường Tân Long đã tổ chức nhiều nơi tránh, trú bão an toàn (nhà văn hóa, trường học) và đã có khoảng 20 người dân đến những nơi này để tránh bão. HỮU NGHỊ |
M. THÀNH - Q. TUẤN