Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau
Ngày 22-11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng ký Quyết định ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” (gọi tắt là phong trào Vì người nghèo) giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này tiếp tục khẳng định quyết tâm của tỉnh trong công tác cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng tặng quà Tết năm 2017 cho hộ nghèo ở xã Mỹ Phước Tây, TX. Cai Lậy. |
NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN
Kế hoạch thực hiện phong trào Vì người nghèo được ban hành nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về nội dung, mục tiêu giảm nghèo bền vững; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh đến năm 2020...
UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức phong trào Vì người nghèo phải thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 3% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.
Thực hiện phong trào Vì người nghèo, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong phong trào thi đua của các cấp, các ngành và các cụm, khối thi đua giai đoạn 2016 - 2020. Phong trào lấy người nghèo làm trọng tâm, không để người nghèo bị bỏ sót, lãng quên và rơi lại phía sau trong quá trình tiếp cận chính sách. Muốn vậy, phong trào phải được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, ngành, đơn vị và phát huy được tinh thần tự nguyện, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Phong trào Vì người nghèo phải được các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức.
Để phong trào Vì người nghèo đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành cần phát hiện kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến, phổ biến những sáng kiến kinh nghiệm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả theo phương pháp đo lường đa chiều, những cách làm sáng tạo trong việc thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Đồng thời, thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đột xuất và khen thưởng hằng năm đối với các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào Vì người nghèo.
GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Cấp tỉnh sẽ tiếp tục tích cực huy động hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, không tái nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững. Tích cực và có nhiều giải pháp, sáng kiến trong chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia giúp đỡ người nghèo. Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên tham gia hưởng ứng tích cực phong trào Vì người nghèo gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
UBND tỉnh chỉ đạo cấp huyện, cấp xã phải gắn phong trào Vì người nghèo với phong trào “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Cấp huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm liên tục trên 70% so với đầu nhiệm kỳ; riêng huyện Tân Phú Đông giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6%/năm trở lên trong 5 năm liên tục. Đối với cấp xã, phải triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn; đề ra giải pháp giảm nghèo thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở, đảm bảo điều kiện sống của hộ nghèo trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, nhất là về thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin, nước sạch và vệ sinh môi trường; được tiếp cận ngày càng thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản.
THỦY HÀ