Thứ Tư, 06/12/2017, 16:33 (GMT+7)
.

Chuyện bất ngờ của một bác sĩ pháp y

Câu chuyện giữa tôi và bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Pháp y Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) được bắt đầu bằng giọng kể dầy, trầm ấm, đầy nội lực của người đã bước sang tuổi lục tuần, nhưng dáng người vẫn gân guốc, chắc nịch.

Câu chuyện được mở đầu khi anh còn là Giám đốc Trung tâm, lúc ấy Trung tâm chưa có chi bộ, chưa có ai là đảng viên, nhưng vẫn lồng ghép đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt hằng tháng; việc anh đã được Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh tuyên dương, khen thưởng vì đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác…

Hỏi anh tâm đắc điều gì ở Bác để từ đó học tập và làm theo Người trong suốt thời gian qua? Anh trầm ngâm, rồi cho biết, anh học ở Bác rất nhiều điều, từ lối sống giản dị đến cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận tụy với công việc chuyên môn… để luôn giữ cho mình công tâm, khách quan khi kết luận nguyên nhân dẫn đến tử vong của nạn nhân.

Điều anh tâm đắc hơn cả và luôn học và làm theo Bác đó là cả cuộc đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Anh tâm sự: Bác sĩ pháp y mà không có y đức, không công tâm, không liêm chính thì dễ dàng bóp méo sự thật, giúp kẻ phạm tội giảm nhẹ hình phạt.

Nhớ lời Bác dặn “Lương y phải như từ mẫu”, gần cả cuộc đời gắn bó với cái nghề không ai muốn làm, với con số hàng ngàn cas giải phẫu tử thi, nhưng anh luôn tự hào là mình đã giúp người chết nói lên sự thật về nguyên nhân gây tử vong họ. Với anh, đó là lương y, hơn thế nữa đó còn là lương tâm, là trách nhiệm cao cả của người BS đối với xã hội. Trầm ngâm giây lát rồi anh chia sẻ như một sự đúc kết: “Cái nghề này, nếu không xác định được tư tưởng hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì khó mà theo được!”.

Hỏi anh vì sao gắn bó cả cuộc đời với công việc mà không ai muốn làm? Anh hỏi lại tôi: Nếu ai cũng ngại khó, ngại làm BS giải phẫu pháp y vì không thể mở phòng mạch tư… thì ai đòi lại sự công bằng cho các nạn nhân? Tuy nhiên, cái nghề này không phải ai muốn là làm được. Rồi anh kể, mấy năm trước, có một nam y sĩ sau khi vào Trung tâm được vài tháng, mới tham gia mổ tử thi vài cas thì tinh thần bấn loạn, mặt lúc nào cũng đờ đẫn, thất thần.

Mỗi khi vào cơ quan, anh ta thu mình vào góc phòng, rồi lấy mền trùm đầu kín mít. Những dấu hiệu trên cho thấy đã có triệu chứng của bệnh lý thần kinh, vì vậy phải đưa anh đi Bệnh viện Tâm thần để điều trị, rồi giải quyết chế độ cho thôi việc. Anh cười đầy vẻ lạc quan và pha chút hóm hỉnh: “Cái nghề này không dành cho những người yếu tinh thần. Thần kinh yếu, vào làm một thời gian là có vấn đề về tâm thần ngay”.

Anh luyện võ từ thời niên thiếu để rèn tư chất trầm tĩnh, tinh thần vững vàng. Tự nhận mình có tinh thần “thép”, nhưng đôi lúc anh cũng bị ám ảnh bởi những tử thi biến dạng nghiêm trọng. Vậy là, chỉ luyện tập Judo thôi chưa đủ, anh phải tìm thêm một môn nghệ thuật để khỏa lấp những hình ảnh “biến dạng” trong đầu sau những cas mổ khó. Và anh đã chọn môn hội họa. Anh thường sử dụng gam màu nóng để thể hiện tranh của mình.

Nhiều bức tranh với đủ các chất liệu (chì, màu sáp, màu nước, sơn dầu...) ra đời trong nỗi ám ảnh bởi những tử thi trong giai đoạn phân hủy, biến dạng… Vì vậy, hình ảnh con người trong tranh của anh luôn hiện ra thường không rõ mặt và thể hiện sự dữ dội, bức bách, giằng xé trong nội tâm. Anh vẽ không phải để bán, mà dùng màu sắc để xóa đi những hình ảnh xấu gây ám ảnh trong tâm thức. Quả nhiên hội họa đã giúp anh giảm stress và lấy lại cân bằng trong cuộc sống một cách rất hiệu quả.

Trước kia, trung bình mỗi năm anh giải phẫu khoảng 400 tử thi và giải phẫu, giám định các thương tật khác khoảng 400 cas nữa. Sau này, giải phẫu giám định tử thi giảm xuống còn khoảng 250 đến 300 cas, tùy năm. Vì vậy, một năm 365 ngày thì anh không được nghỉ ngày nào, kể cả ngày chủ nhật và cũng không được nghỉ phép, càng không được nghỉ bù.

Điện thoại của anh lúc nào cũng ở chế độ sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi, dù là lúc nửa đêm, hay gần sáng. Tết, người ta quây quần bên gia đình, vợ con, về quê thắp hương ông bà, hay đưa gia đình đi du lịch. Còn anh, tết được ở nhà với vợ con cũng khó thực hiện được. Bởi vì, tết thường xảy ra tai nạn giao thông nhiều, vì vậy có năm anh đi biền biệt từ ngày mùng 1 đến mùng 3 mới về nhà.

Nhắc đến tết, ánh mắt của người BS gắn bó gần trọn cuộc đời mình với những tử thi bỗng chốc xa xăm. Giọng anh trầm xuống, bồi hồi: “Tết, mình không dám đến nhà ai, mà cũng không ai dám đến nhà mình. Lúc đầu cũng cảm thấy có chút buồn tủi, nhưng riết rồi cũng quen”. Quen với những cái tết lặng lẽ, cô độc, chẳng ai dám đến với mình và mình cũng chẳng dám đến nhà ai vì những kiêng kỵ. Sao nghe có gì đó xót xa, ngậm ngùi cho cái nghề lẽ ra phải được mọi người trân trọng, tôn vinh!

Không nghỉ phép, làm luôn những ngày cuối tuần, kể cả những dịp lễ, tết, nhưng anh cũng tự nguyện không nhận thêm tiền tăng giờ, vì kinh phí của Trung tâm vốn eo hẹp. Tiền thù lao sau mỗi cas phẫu thuật giám định tử thi được anh trích ra một phần để lập quỹ lương tăng thêm cho anh em ở Trung tâm. Bởi vì anh em làm việc ở Trung tâm, ngoài lương cơ bản và phụ cấp thì không còn khoản thu nhập nào khác, vì vậy cuộc sống khó khăn hơn những người công tác trong các bệnh viện. Và quan trọng hơn, để mọi người thấy rằng, nơi không ai muốn đến, cái tình người cũng rất đầm ấm, thấm đẫm tính nhân văn.

Nếu anh không làm việc vì cái tâm, thì công việc của anh cũng dễ dàng hái ra tiền, vì chỉ cần nói khác đi kết quả giám định pháp y theo hướng nhẹ đi thì phía bị cáo có thể “đền ơn” anh bằng hình thức này, hình thức khác. Nhưng anh không làm như vậy. Vì vậy, khi tòa án trưng cầu ý kiến của BS giám định pháp y, anh chịu rất nhiều áp lực. Bởi vì, lời nói của anh có ảnh hưởng đến số phận của nhiều người. Nói lệch đi thì bị cáo có thể được giảm nhẹ hình phạt, nhưng như vậy thì có lỗi với người đã khuất.

Trước kia, anh có mở phòng mạch tại nhà. Lúc đầu, phòng mạch cũng đông khách, nhưng từ ngày anh chuyển công tác sang giám định pháp y thì khách cứ thưa dần, rồi đến lúc không còn bất kỳ bệnh nhân nào dám đến để anh khám và điều trị nữa. Kể cả người thân trong gia đình, khi biết đôi tay anh hằng ngày phải mổ xẻ tử thi thì cũng không còn dám để anh khám và điều trị bệnh. Anh kể chuyện đó nghe nhẹ tênh, trong khi bây giờ, BS làm việc trong bệnh viện đôi khi chỉ là “tay trái”. Còn với anh, giúp người chết nói lên sự thật về những điều mà họ không thể nói được là một việc làm mang tính nhân văn, cao hơn nữa đó là đạo lý ở đời, đạo lý làm người.

Với những tử thi biến dạng, sau khi giải phẫu giám định, anh tỉ mẩn may vá, chăm chút từng đường kim, mũi chỉ, tái tạo lại từng bộ phận trên cơ thể để khi người thân nhận xác đỡ phải đau lòng, đỡ phải ám ảnh. Không ai bắt anh phải làm điều đó, nhưng lương tâm và trách nhiệm của BS luôn thôi thúc anh phải làm. Mỗi lần đi giải phẫu giám định tử thi bị phân hủy, về tự tay anh giặt giũ, tắm rửa thật kỹ nhưng mãi đến vài ngày sau mùi hôi thối vẫn còn quyện trong quần áo và da thịt. Bưng chén cơm ăn, anh cũng nghe thấy mùi hôi.

Chợt nghĩ đến đó, tôi hỏi anh cơ duyên nào khiến anh gắn bó cả cuộc đời với cái nơi mà không ai muốn đến? Người BS pháp y có nét mặt cương trực đã chậm rãi chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình:

Năm 1980, anh tốt nghiệp y sĩ. Sau khi ra trường, anh về nhận công tác ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. Vốn yêu thích ngành Y và ham học hỏi, nên trong thời gian công tác, anh tiếp tục học lên BS, chuyên khoa Giải phẫu bệnh. Có năng lực chuyên môn, cộng với đức tính tận tụy, luôn hết lòng vì bệnh nhân nên anh nhanh chóng được lãnh đạo bệnh viện bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa, rồi Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, sau đó là Trung tâm Pháp y Tiền Giang. Điều anh vui nhất là con trai thứ ba của anh theo nghề của cha, hiện là kỹ thuật viên mổ của Trung tâm. Với những cống hiến đó, anh đã được Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Xã hội phân công mỗi người một việc, nhưng có những việc đặc thù trên cả đặc thù mà không ai muốn làm. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những ưu đãi đặc biệt đối với những công việc quá đặc thù như giải phẫu giám định pháp y, đừng để công việc đòi hỏi phải có sự công tâm, khách quan tuyệt đối nhưng lại thiếu sự quan tâm, đãi ngộ của Nhà nước thì thật đáng tiếc.

NG. CHƯƠNG

.
.
.