Nơi làm lại của những phận đời lầm lỗi
Trong suy nghĩ của không ít người, hai từ “trại giam” gắn liền với “tù nhân”, với những tường cao, rào kín, âm u, xiềng xích, cơm cân, áo số… Nhưng khi cổng mở, hiện ra trước mắt chúng tôi lại là một khung cảnh hoàn toàn “dân sự”, gợi lên bầu không khí nhân văn, ấm áp và bình yên, dù là nơi giam giữ, cải tạo những người lầm lỗi.
Thân nhân phạm nhân tham quan thực tế nơi ăn, chốn ở của các phạm nhân. |
Trung tuần tháng 11, chúng tôi đến dự Hội nghị “Gia đình phạm nhân” ở Trại giam Mỹ Phước (gọi tắt là Trại giam). Trước khi vào hội nghị, các đại biểu cùng gia đình phạm nhân được tham quan nơi ăn, ở, sinh hoạt của phạm nhân, với mong muốn của Ban Giám thị trại giam: Đại biểu và thân nhân của phạm nhân sẽ an tâm và phối hợp tốt cùng cán bộ của Trại giam động viên phạm nhân cải tạo tốt.
Đến thăm các buồng giam, chúng tôi thấy vẻ bề ngoài đều giống nhau: Tường sơn, nền lát gạch men, vệ sinh tự hoại, có bồn hoa cây cảnh, khu nấu ăn riêng. Trước sân là khoảng đất rộng để phạm nhân chơi thể thao mỗi chiều. Dẫn đoàn đi tham quan, một đồng chí Phó Giám thị cho biết, Trại giam trang bị hơn 2.500 đầu sách cho phạm nhân đọc; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tạo sân chơi bổ ích cho các phạm nhân. Các phân trại đều có hệ thống truyền hình cáp đến từng buồng giam, có nhà học tập, thư viện cho phạm nhân mượn sách, báo đọc hằng ngày và trang bị dàn karaoke cho phạm nhân hát vào ngày nghỉ. Vào dịp lễ, tết, Ban Giám thị Trại giam còn tổ chức cho phạm nhân gói bánh chưng, bánh tét, thi vẽ tranh, trang trí buồng giam, giao lưu văn nghệ, thi đấu bóng chuyền, cầu lông. Ngoài ra, còn mời ca sĩ chuyên nghiệp về biểu diễn phục vụ phạm nhân... Qua đó, phạm nhân và thân nhân phạm nhân thấy được sự quan tâm về đời sống vật chất lẫn tinh thần của Ban Giám thị trại giam, từ đó quyết tâm lao động, học tập cải tạo tốt…
Cô Phan Thị Ngọc Hà là mẹ phạm nhân Dương Thành Đạt xúc động nói: “Được tham quan nơi học tập, ăn, ở, sinh hoạt, vui chơi giải trí của phạm nhân và biết được việc chấp hành án của con mình rất tốt, tôi rất vui mừng. Xin chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước có chính sách nhân đạo đối với người phạm tội và những vất vả, lo toan, tình thương và trách nhiệm của các cán bộ Trại giam Mỹ Phước dành cho phạm nhân. Tôi hứa sẽ luôn phối hợp với cán bộ trại giam trong việc nhắc nhở, giáo dục người thân chấp hành nghiêm nội quy trại giam…”.
Ông Nguyễn Văn Hai là thân nhân phạm nhân Nguyễn Sơn Tùng cũng có cùng tâm trạng phấn khởi như cô Hà sau khi được tham quan nơi ăn, chốn ở của phạm nhân. Ông Hai chia sẻ: “Những gia đình nghèo, khó khăn chưa chắc được sự quan tâm chăm lo của cộng đồng như phạm nhân ở đây, tôi mừng lắm!...”.
Trại giam Mỹ Phước đóng trên địa bàn xã Mỹ Phước (huyện Tân Phước), gồm 2 phân trại, quy mô giam giữ 2.000 phạm nhân, đa số có nhiều tiền án, tiền sự và mức án cao. Từ tháng 1-2016 đến tháng 11-2017, Trại đã tiếp nhận 1.373 phạm nhân, gồm nhiều loại tội danh khác nhau, chủ yếu phạm tội giết người, cướp tài sản, sử dụng và buôn bán ma túy... Nhiều phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự, trước khi phạm tội đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo HIV/AIDS, khiến việc cải tạo, giáo dục phạm nhân gặp không ít khó khăn.
Thượng tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước, cho biết: “Phạm nhân của Trại giam Mỹ Phước ở nhiều vùng, miền trong nước; khác nhau về độ tuổi, học vấn, nhận thức…, nên rất phức tạp. Để giáo dục, cảm hóa những người vi phạm pháp luật trở thành người tốt, Ban Giám thị cùng toàn thể cán bộ Trại giam đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương và thân nhân gia đình phạm nhân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giáo dục như: Tổ chức cho phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”; phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Tân Phước mở 8 lớp dạy chữ cho 195 phạm nhân; tổ chức tốt việc tuyên truyền pháp luật và dạy nghề cho phạm nhân… Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, tạo cho phạm nhân tâm lý thoải mái và tự giác trong lao động, học tập cải tạo...”.
Từ tháng 1-2016 đến nay, Trại giam đã cấp giấy chứng nhận chấp hành án phạt tù cho hơn 1.200 phạm nhân, trong đó đặc xá cho 40 phạm nhân, tha hết hạn tù cho 896 phạm nhân, đề nghị giảm từ 1 tháng đến 3 năm cho hơn 1.700 lượt phạm nhân. Công tác quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân luôn được đơn vị xem là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, mỗi cán bộ Trại giam luôn nêu cao tính kỷ luật, tự giác, đề cao vai trò, trách nhiệm trong công việc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao... Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, đơn vị tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng; chuyên môn nghiệp vụ giỏi; tổ chức quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với phạm nhân…
Rời Trại giam, tôi vẫn còn nhớ những ánh mắt ăn năn hối cải của những phạm nhân đang khát vọng làm lại cuộc đời; nhớ những lời chia sẻ đầy xúc động của phạm nhân Nguyễn Tấn Lộc: “Trong quá trình cải tạo, tôi mới hiểu được giá trị của lao động, giá trị của cuộc sống và tình yêu thương con người. Cán bộ Trại giam đã cho tôi niềm tin và khát khao được làm lại cuộc đời...”.
QUẾ ANH