Nỗi niềm chiến sĩ chữa cháy
Hình ảnh người chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, xông vào nơi đang xảy ra cháy, nổ, chiến đấu với “giặc lửa” trong tình huống có thể bị tường sập, thiếu oxy… để cứu người, cứu tài sản, nhanh chóng dập tắt đám cháy… luôn là hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.
Trong trận chiến đó, có niềm vui, hạnh phúc khi cứu được nhiều người, bảo vệ được nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân. Nhưng cũng có những “thất bại” với nỗi buồn day dứt khi không khống chế được ngọn lửa, hỏa hoạn gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhiều người. Trên trận tuyến ấy, lúc nào chiến sĩ chữa cháy cũng phải luôn ở tư thế sẵn sàng, kể cả những lúc ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí…; bởi cháy, nổ luôn là những tình huống bất ngờ.
ÁP LỰC
Trên thực tế, khi xác minh thông tin báo cháy, rất nhiều trường hợp cán bộ chữa cháy phải nghe những lời trách móc vì cho rằng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) không nóng lòng với thiệt hại của dân, “dửng dưng” trước tin báo cháy, “không lo đi chữa cháy ngay mà còn hỏi đi, hỏi lại”. Có trường hợp do hoảng loạn, người báo tin cung cấp sai địa chỉ, hoặc trình bày không rõ ràng… Thế nên mới có trường hợp cháy nơi này mà lực lượng chữa cháy lại đến nơi khác nên phải mất một khoảng thời gian đi vòng rồi lại phải nghe phiền trách đến chậm. Ngoài ra, trên đường đến hiện trường, ngoài nguy hiểm của giặc lửa, còn có những khó khăn do chính người hiếu kỳ mang lại, thường là tập trung đông người gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy. Còn nhớ khi vụ cháy xảy ra tại 1 khu chợ, lửa khói mù mịt mà trên các lối vào hiện trường, người hiếu kỳ tập trung kín cả lòng đường. Xe chữa cháy mở còi inh ỏi, đèn quay khẩn cấp nhưng mọi người vẫn bình thản chen lấn, bất chấp hiểm nguy có thể xảy ra. Chiến sĩ chữa cháy vừa vỗ mạnh vào cửa xe, vừa la hét xin đường mà vẫn không cải thiện được tình hình.
Đến hiện trường, trong khi lực lượng chữa cháy phải tiến hành các bước trinh sát và thực hiện nghiệp vụ chữa cháy, không ít người nóng lòng buông lời không hay, mà nếu như không được rèn luyện bản lĩnh, chiến sĩ chữa cháy rất dễ nản lòng vì tổn thương. Thậm chí, có người giật lấy lăng, phun nước trực tiếp vào ngọn lửa mà không hiểu rằng làm như thế lửa sẽ bị tràn ra xung quanh, gây cháy lan nhiều hơn. Rất khó để đong đếm lòng dũng cảm của những người chiến sĩ chữa cháy bằng bề ngoài của một sự việc; bởi chính họ khi vào cuộc chiến đấu cũng không biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước.
MẤT MÁT
Trong cuộc chiến với “giặc lửa”, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tham gia chiến đấu. Cách đây 10 năm, một chiến sĩ lái xe chữa cháy đã mãi mãi ra đi ở tuổi đôi mươi trong một tai nạn giao thông khi đang trên đường đến nơi có thông tin xảy ra cháy lớn. Khi nhận nhiệm vụ, anh cùng đồng đội nhanh chóng lên đường. Xe lao nhanh trên quốc lộ, còi ưu tiên mở liên tục, nhưng chiếc xe tải phía trước vẫn không nhường đường, anh lách sang bên để vượt qua. Tốc độ nhanh, nước đầy trong bồn chứa, xe mất thăng bằng, lật ngang. Đồng đội may mắn thoát khỏi xe, còn anh kẹt lại và tử vong mà không hề biết tin báo cháy hôm đó tin giả. Trung bình mỗi năm, trung tâm ứng trực của lực lượng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) nhận được khoảng 20 tin báo giả và khoảng 40 cuộc gọi vào số 114 chỉ để… “nghe nhạc chứ không cung cấp bất cứ nội dung thông tin gì”. Đó là một trong những lý do vì sao khi nhận tin báo cháy, lực lượng không triển khai lên đường ngay mà phải có bước xác minh thông tin.
Một trường hợp khác, sĩ quan Cảnh sát chữa cháy bị chấn thương khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy trên địa bàn thành phố. Người sĩ quan trẻ ấy đang loay hoay xử lý kỹ thuật phía sau xe chữa cháy thì một xe khác vào hiện trường bất ngờ gặp sự cố, trượt về phía trước. Thế là anh bị kẹp giữa 2 xe chữa cháy. Sau 20 ngày điều trị, 6 tháng dưỡng thương, anh mới bắt đầu đi lại được, kết luận thương tật 67%. Ngoài ra, những thương tích như: Trầy xước, bỏng da, bong gân, … với chiến sĩ chữa cháy là điều không thể tránh khỏi vì trong một vụ cháy, nơi mà người khác cố thoát ra thì chiến sĩ chữa cháy lại quyết lao vào để thực hiện nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập lửa… .
VÀ NỖI BUỒN - NIỀM VUI
Nỗi buồn day dứt, ám ảnh nhất đối với chiến sĩ chữa cháy là tỷ lệ chiến thắng khi vào trận khá khiêm tốn. Bởi tính chất của những cuộc chiến này, một khi cháy đã xảy ra thì bất luận thế nào cũng có thiệt hại. Những chiến sĩ chữa cháy vào cuộc là để giành lấy “cái còn trong cái đã mất”. Không ít vụ cháy sau khi kết thúc cuộc chiến, những người lính kiên cường lại rơi nước mắt vì hậu quả là nỗi đau tiễn đưa đồng đội, là tang thương, mất mát của gia đình nạn nhân… Và nguồn sức mạnh lớn nhất chính là sự cảm thông, chia sẻ, động viên của mọi người thể hiện qua sự tiếp tế những bình nước lạnh, những ổ bánh mì ăn tạm, sự đóng góp tài sản, phương tiện của gia đình để chiến sĩ chữa cháy làm nhiệm vụ. Và niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của người chiến sĩ chữa cháy là nhanh chóng khống chế được ngọn lửa, cứu được người và tài sản, bảo vệ an toàn xung quanh.
Chiến sĩ chữa cháy hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Đây cũng là một trong những lực lượng phải đảm bảo ứng trực 100% trong những dịp lễ, tết. Vì vậy, việc nhiều năm đón giao thừa bên đồng đội, trong tư thế lúc nào cũng sẵn sàng vào nhiệm vụ là tinh thần chung của Cảnh sát PCCC. Những hy sinh cá nhân góp phần đem lại hạnh phúc chung là niềm tự hào của Cảnh sát PCCC.
THANH DUY