Tài xế taxi - Muôn nẻo vui buồn
Buồn, vui pha chút phiêu lưu nhưng cũng lắm gian nan, vất vả… là những trải nghiệm thú vị về nghề lái taxi. Rong ruổi trên những nẻo đường mưu sinh, nghề lái taxi đã giúp cho nhiều gia đình có cuộc sống ổn định. Thế nhưng, đằng sau cái vô lăng là biết bao câu chuyện của những người làm nghề.
Tuy vất vả, gian nan nhưng những tài xế taxi vẫn sống hết mình với nghề. |
NHIỀU ÁP LỰC
Những cơn mưa bất chợt trong tháng 11 làm cho TP. Mỹ Tho se lạnh vào mỗi buổi sáng. Đi dọc đường Hùng Vương, chúng tôi bắt gặp nhiều bác tài taxi trò chuyện rôm rả trong lúc chờ đón khách. Đứng trước Nhà Thiếu nhi tỉnh, anh Lê Tuấn Phát (ngụ xã Thới Sơn) dùng khăn lau lại kính xe, cho biết: Anh lái taxi đã hơn 2 năm. Trước đó, anh làm vườn rồi được người bạn giới thiệu học lái xe, sau đó vào làm tài xế cho hãng taxi Mai Linh đến giờ. “Lúc mới vào nghề chưa quen đường sá, tôi thường lạc đường nên bị khách phàn nàn. Nhiều lúc chán nản định bỏ nghề nhưng cũng dần quen và rồi yêu công việc này từ lúc nào không biết” - anh Phát tâm sự.
Được anh Phát đồng ý, tôi đã có một ngày trải nghiệm thú vị với nghề lái taxi. Đang trò chuyện, thấy vị khách nữ “tay xách nách mang” bước ra từ bệnh viện hỏi đi xe, anh nhanh chóng xách hộ hành lý và mở cửa cho khách lên xe. Chuyến xe lăn bánh trên đường Hùng Vương rồi rẽ vào đường Ấp Bắc, anh tâm sự: “Làm nghề này phải biết đoạn đường nào có thể đi tắt để khách đỡ tốn tiền, mới tạo uy tín, niềm tin nơi khách hàng. Những ngày cuối tuần, khách du lịch đổ về nhiều nên kiếm được khá, còn ngày thường có hôm cũng ế lắm”.
Trên địa bàn TP. Mỹ Tho hiện có 3 hãng taxi lớn là Mai Linh, Vina Gold, Open99 với hơn 250 đầu xe nên tài xế taxi luôn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh như chạy nhanh, chạy đúng tuyến để không bị mất khách. “Có hôm từ trung tâm thành phố chạy xuống Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh đón khách nhưng đến nơi thì khách đã đón xe khác. Cuốc xe đó phải chịu lỗ tiền xăng” - một tài xế taxi của hãng Mai Linh kể.
Có thể nói, tài xế taxi bên cạnh chịu áp lực cạnh tranh khách thì chuyện đi đêm là không thể tránh khỏi. Và việc chạy đêm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như chở khách say xỉn không trả tiền, thậm chí có trường hợp dọa đánh tài xế. “Hôm Lễ Quốc khánh, tôi nhận cuốc xe chở khách đi Tây Ninh. Vượt cả trăm cây số đến nơi, vị khách này nói không có tiền trả, thậm chí còn buông lời thô tục. Vậy là tôi đành ngậm ngùi trở về chịu lỗ tiền xăng” - anh Châu Văn Một, tài xế taxi cho hãng Vina Gold chia sẻ.
Nghề lái taxi đối với nam là thế thì với nữ càng khó khăn hơn. Chị Nguyễn Thị Đẹp, ngụ xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành có hơn 14 năm hành nghề lái taxi cho biết, những ngày chập chững đi làm chị gặp vô vàn khó khăn. Đối với nữ lái taxi, ngoài việc có tay lái vững vàng thì còn phải biết xử lý tình huống.
SỐNG TỐT VỚI NGHIỆP CẦM LÁI
Công việc vất vả là vậy, nhưng cánh tài xế taxi rất yêu thương, gắn kết, giúp đỡ nhau. “Đôi khi có tiền boa, anh em chia sẻ nhau ly cà phê, ổ bánh mì, những lúc đó ai cũng cảm thấy ấm lòng. Những lúc rảnh rỗi, anh em thường gọi hỏi thăm tình hình của nhau. Những anh em mới vào nghề đều được đàn anh đi trước hướng dẫn tận tình” - anh Một mỉm cười nói.
Mặc dù nhiều khó khăn, vất vả nhưng cánh tài xế taxi vẫn luôn cố gắng sống tốt với nghề. Chị Đẹp bộc bạch: “Anh em trong nghề thường thấy tài sản của khách bỏ quên lại trên xe. Những lúc như vậy chúng tôi đều nộp lại công ty để khách liên hệ nhận lại. Bản thân tôi cũng nhặt được 2 điện thoại iPhone 6 của khách, nhiều bóp tiền trị giá hàng chục triệu đồng. Dù tài sản khá lớn nhưng cái tâm trong nghề không cho phép tôi tham lam”.
Dù còn bộn bề lo toan trong cuộc mưu sinh nhưng những tài xế taxi vẫn sống hết mình với nghề bằng cái tâm và lòng nhiệt huyết.
ĐỖ PHI