Thứ Ba, 09/01/2018, 22:24 (GMT+7)
.

"Cầu Rồng gãy đôi" và chuyện quản lý mạng xã hội

Trước những thông tin chưa được kiểm chứng, người dùng facebook cần thông thái, cẩn trọng khi like, chia sẻ, bình luận để tránh vô tình gây hoang mang dư luận và vô tình vi phạm pháp luật.

Mới đây, một fanpage trên mạng xã hội Facebook có tên “Tin tức hàng ngày - VTV online” vào sáng ngày 6/1 đã đăng tải một dòng trạng thái với nội dung: “Bản tin sáng – ngày 06/01/2028: Vào rạng sáng ngày 6/1/2018. Một cơn mưa lớn kèm theo gió giật mạnh đã quét qua Đà Nẵng và để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo chân phóng viên “Tin tức hàng ngày” và lời kể của người dân, vào lúc 2h40p trong lúc mưa to thì một cơn lũ lớn đổ về đã làm Cầu Rồng gãy làm đôi, lúc cầu gãy thì có 10 người đang lưu thông, nên đã rơi xuống cầu, hiện đã vớt được 5 thi thể, còn lại vẫn đang mất tích. UBND và các chiến sĩ công an đang nổ lực hết mình để tìm kiếm và giúp đỡ các gia đình nạn nhân. Phóng viên chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất…”.

a
Hình ảnh cầu Rồng (Đà Nẵng) trong bão được trang facebook có tên "Tin tức hằng ngày – VTV Online" sử dụng và tung tin đồn thất thiệt

Ngay khi tiếp nhận thông tin này, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cùng với cơ quan chức năng xác minh đây là nội dung hoàn toàn thất thiệt. Qua xác minh xác định đây là một trang Facebook giả mạo VTV. Hiện fanpage này đã bị xoá trên mạng xã hội Facebook.

Theo thống kê, ở Việt Nam có đến hơn 48 triệu tài khoản Facebook và có hơn 30 triệu người online Facebook thường xuyên mỗi ngày. Đó là chưa kể hoạt động của những mạng xã hội khác. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã cho chúng ta thấy hai mặt của một vấn đề:

Có những thông tin đúng đắn, hợp lý được cộng đồng chia sẻ, cảm thông, được cơ quan chức năng trách nhiệm xử lý kịp thời. Nhưng bên cạnh đó, không ít trường hợp người dùng mạng xã hội chia sẻ những thông tin thất thiệt, bịa đặt, thậm chí cắt ghép không đúng bản chất vấn đề đã gây hoang mang trong đời sống nhân dân, gây thiệt hại cho không ít tổ chức, cá nhân.

Công bằng mà nói, chúng ta cũng không nên quá đòi hỏi độ tin cậy và đồng thuận cao trên các trang mạng xã hội. Bởi, mặc dù thường đem lại thông tin diện rộng, đa chiều, trực tiếp nhưng mạng xã hội luôn tiềm ẩn rủi ro vì thông tin xấu, độc, tin không chính xác quá nhiều, quá tràn lan mà các cơ quan quản lý không thể quản lý xuể.

Vì vậy, các cơ quan quản lý, song song với quản lý thì cần thanh lọc, bình luận, định hướng đúng cho người dùng mạng xã hội. Để làm được điều đó, báo chí chuyên nghiệp cần có một vị trí và vai trò xứng đáng trên các trang mạng.

Phải thừa nhận, chính sự dễ dãi và sự tiện ích của công nghệ đang làm tha hóa con người, tha hoá ở hành vi, chứ không phải ở nhận thức. Nên về bản chất, chúng ta vẫn tin vào tính chất hướng thiện của cộng đồng sử dụng mạng vì cộng đồng sử dụng mạng là chính chúng ta, chứ không phải là ai khác.

Có điều, trong trường hợp “cầu Rồng gãy đôi” nói riêng này cũng tương tự như nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc khác trên mạng xã hội. Chủ nhân của các tài khoản này không thể “uống nước sông, hít không khí” để làm việc này được. Có thể có những cá nhân, tổ chức nào đó “nuôi” để phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân, tạo sóng dư luận?!

Liên quan đến vần đề quản lý các trang mạng, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) từng cho biết: “Đối với Facebook, sự phối hợp bước đầu với Facebook cũng đã có, nhưng chúng tôi nghĩ, các bên vẫn cần thời gian để trao đổi, thuyết phục nhau, thậm chí có lúc sẽ phải đấu tranh. Hiện nay, Facebook vẫn có sự khác biệt trong việc phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, như quan điểm cần phải ngăn chặn những thông tin gì, như thế nào... Sự khác biệt đó đối với các cơ quan quản lý nhà nước của ta vẫn còn khá lớn”.

Tức là, chúng ta phải làm sao để các công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội toàn cầu hiểu rằng, khi đến Việt Nam, một quốc gia có một bề dày lịch sử văn hóa, với chế độ chính trị khác với họ, họ phải có sự lựa chọn phù hợp, tôn trọng quyền tự quyết và chủ quyền của quốc gia trong không gian mạng, tôn trọng và tuân thủ những khuyến cáo của nhà chức trách ở Việt Nam.

Có thể, viết một cái status ở trên Facebook nhận được những khoản thù lao còn lớn hơn nhiều so với nhuận bút khi viết một bài báo tử tế.  Và chuyện “cầu Rồng gãy đôi” cũng thế, nhưng nguy hiểm hơn, nó là một trong số những tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận. Theo đó, đặt thêm cho chúng ta vấn đề quản lý mạng xã hội càng bức thiết hơn bao giờ hết.

Theo enternews.vn

 

.
.
.