"Lạnh" - "ấm" từ cơn bão Tembin
Cơn bão Tembin dự báo có sức tàn phá khủng khiếp, mức độ hủy diệt ở cấp thảm họa. Đây là cơn bão rất “đặc biệt”, vào vùng “đặc biệt” và thời gian cũng rất “đặc biệt”. Chính vì thế, trong suốt thời gian tác nghiệp ứng phó với bão, tôi luôn cảm thấy 2 luồng cảm xúc “lạnh” - “ấm” trong người.
Sự quan tâm thăm hỏi của lãnh đạo từ tỉnh đến địa phương làm cho người dân đi tránh bão cảm thấy ấm lòng. Ảnh: MINH THÀNH |
Tham dự cuộc họp khẩn đầu tiên ứng phó với bão, tôi vẫn chưa mường tượng được sức tàn phá của bão như thế nào. Đến cuộc họp thứ 2, thứ 3, rồi xuống địa phương tận mắt chứng kiến công tác chuẩn bị ứng phó bão, tôi mới cảm nhận được sức “nóng” phà vào từ cơn bão. Sau cuộc họp rà soát lại những việc đã làm trong phòng, chống bão ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vào tối 23-12-2017, tôi được “lệnh” ở lại bám địa bàn. Sáng sớm 24-12-2017, đi đâu tôi cũng nghe địa phương và nhân dân triển khai gấp rút phương án ứng phó bão; trong quán cà phê, người dân bàn tán xôn xao về bão; lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã thì kiểm tra liên tục công tác phòng, chống bão…
Chiều 24-12-2017, tôi được phân công dự cuộc họp trực tuyến với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Lúc này, trong người bắt đầu cảm thấy ớn lạnh khi nghĩ về sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão, những thiệt hại mà nó có thể gây ra khi đổ bộ vào Tiền Giang. Trên đường về TP. Mỹ Tho, trong khi cái “lạnh” trong tôi vẫn chưa tan thì cái “lạnh” khác lại đến khi thấy một đoàn xe của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được điều xuống các huyện phía Đông ứng phó bão. Dẫn đầu đoàn là xe Kiểm soát Quân sự, có kèn hụ xin ưu tiên đường. Khi thấy đoàn xe, nghe tiếng còi hụ và nghĩ về cuộc họp trực tuyến sắp diễn ra… trong người lại thấy “hơi lạnh” từ cơn bão này càng lúc càng mạnh hơn. Vào dự cuộc họp trực tuyến, nghe thông tin về cơn bão và sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, trong người càng thấy “lạnh” khi liên tưởng đến sức tàn phá của cơn bão và sức “nóng” của công tác phòng, chống bão.
Sáng sớm 25-12-2017, trời đã đổ mưa và gió bắt đầu nổi lên từ phía biển. Tuy mưa không quá lớn, gió không quá mạnh nhưng kèm theo không khí lạnh đã khiến mọi người lạnh buốt… Càng về phía biển, từng đoàn người đùm túm, nối nhau chạy bão càng đông. Lãnh đạo từ tỉnh đến địa phương thường xuyên có mặt ở các điểm “nóng”, chỉ đạo từ việc kêu gọi tàu thuyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa, đến lo từng chiếc trại dù, gói mì, chai nước, ánh sáng, thông tin liên lạc, y tế…và cả vệ sinh cho bà con trú bão.
Tại hầu hết các cuộc họp ứng phó với cơn bão Tembin, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lê Văn Hưởng đều nói với lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương: “Tôi nói thẳng với các đồng chí, thậm chí phê bình các đồng chí nhưng cũng vì việc chung thôi. Trong thời điểm này, chúng ta đang chạy đua với bão, các đồng chí có buồn, có giận thì chịu; chứ không thể để nước đến chân rồi mới nhảy. Điều đó có lỗi với dân, với nước”.
Đến những nơi người dân đến tránh, trú bão, chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi cán bộ từ tỉnh đến địa phương thường xuyên có mặt để thăm hỏi, động viên người dân. Bên ngoài, lực lượng Quân sự, Công an, dân quân tự vệ túc trực để đảm bảo an ninh trật tự. Những điểm dân đến trú bão, họ đến từ các nơi khác nhau, không thân thích, không họ hàng nhưng đã nhường cho nhau từng tấm chăn, chai nước, gói mì… Các đoàn của cơ quan chức năng, đoàn từ thiện liên tục đến sẻ chia những khó khăn với người dân; các cơ sở thờ tự thì mở rộng lòng bao dung đón người dân vào trú bão…
Dù bão đã tan nhưng tôi vẫn nhớ như in phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng: “Tất cả chúng ta làm hết sức mình đi. Bão có vào, ảnh hưởng đến người dân như thế nào đi nữa thì chúng ta cũng không hổ thẹn. Còn nếu bão không vào, đây là cuộc tập dượt rất có chất lượng trong việc ứng phó với bão”. Chỉ bao nhiêu đó thôi, mỗi chúng ta cũng cảm thấy ấm lòng trong cơn bão “lạnh” vừa qua.
SĨ NGUYÊN