Thành phố Mỹ Tho: Thiếu "bạn ghe" đi biển
TP. Mỹ Tho có hơn 330 tàu cá đang hoạt động (trong đó có hơn 313 tàu cá có công suất trên 90 CV) với gần 3.400 lao động đang khai thác trên biển. Tuy nhiên, hiện nay nghề khai thác thủy sản ngoài việc phải đối mặt với việc nguồn lợi thủy sản giảm, cạnh tranh ngư trường thì tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ đang gây khó khăn cho các chủ tàu.
Không đảm bảo nguồn lao động đi biển
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, tùy theo kích cỡ tàu và ngành nghề khai thác, số lượng lao động cần cho một chuyến ra khơi từ 10 - 18 người. Trong đó, tàu hành nghề dịch vụ hậu cần khai thác hải sản (thu mua vận chuyển hải sản) cần 10 - 12 lao động, còn tàu lưới đèn cần số lượng lao động lên đến 16 - 18 người. Do đó, số lao động cần phục vụ cho số lượng tàu thuyền tại TP. Mỹ Tho lên khoảng 5.000 lao động (nam).
Tiêu chuẩn đầu tiên để chọn lao động đi biển là tuổi còn trẻ, khỏe mạnh, chịu được sóng gió. Các yêu cầu về kinh nghiệm, được đào tạo nghề qua trường lớp cũng rất cần thiết đối với nghề khai thác thủy sản trên biển nhưng rất khó để tìm được nguồn lao động này.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh, ngư dân ở phường 2, TP. Mỹ Tho cho biết, vài năm trở lại đây, nghề biển khó khăn, lao động đi biển không còn mặn mà với chủ tàu nữa. Có người dù đã ứng tiền của chủ tàu này nhưng lại sang làm việc cho tàu cá khác, chủ tàu cũng đành phải “ngậm bồ hòn” làm ngọt, vì không biết kêu ai.
Thông thường mỗi tàu lưới đèn cần 16 - 18 bạn ghe nhưng do hiện nay khó khăn trong việc tìm người đi biển nên chỉ cần 12 lao động là các chủ tàu cũng cho tàu xuất bến rồi mới kiếm thêm người quá giang tàu khác bổ sung thêm.
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động đi biển, nhất là lao động trẻ tại địa phương là do nghề khai thác thủy sản lênh đênh trên biển dài ngày, nhiều hiểm nguy, vất vả, trong khi thu nhập lại không cao, bấp bênh.
Do đó, ngày nay những lao động trẻ có trình độ học từ lớp 9 trở lên thường đổ xô vào các khu công nghiệp làm công nhân, làm tài xế, bảo vệ hay làm những nghề trên đất liền khác để mưu sinh.
Có một thực tế hiện nay trong nghề khai thác thủy sản là nhiều gia đình ngư dân có hai, ba đời làm nghề khai thác thủy sản trên biển nhưng đến thế hệ trẻ hiện nay thì rẽ sang nghề khác.
Do cung không đủ cầu nên các lao động đi biển khi được “rủ” theo tàu khai thác thủy sản thường “đồng ý” với yêu cầu chủ tàu cho mượn tiền để giải quyết công việc gia đình, và tất nhiên không có chủ tàu nào từ chối.
Chuyến biển nào cũng vậy, trước khi ra khơi, các chủ tàu phải chạy xuôi, chạy ngược tìm lao động cho tàu của mình và ứng trước tiền đi biển để họ lo gia đình. Thế mà những chuyến biển gần đây, nhiều tàu ra khơi thiếu từ 3 - 6 lao động. Nghề đánh cá ngày càng “khó ăn” do chi phí chuyến biển ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, nhất là khi thiếu lao động thì hiệu quả đánh bắt hải sản càng thấp.
Ngư dân Lê Văn Thành, công đoàn viên Nghiệp đoàn khai thác hải sản phường 2, TP. Mỹ Tho (chủ tàu cá phường 2) cho biết, tình trạng khan hiếm bạn ghe ngày càng trầm trọng nên có người đồng ý đi biển là các chủ tàu mừng lắm rồi. Do đó, chủ tàu nào khó tính lắm thì giữ chứng minh nhân dân của người lao động để làm tin.
Dù vậy, không ít trường hợp ngư phủ nhảy xuống biển trốn khi tàu đã chạy cách bờ vài cây số. Thậm chí có người còn phá cho tàu hỏng hóc để bỏ trốn khi tàu cập các đảo để sửa chữa, khiến tàu không đủ lao động phải quay về đất liền. Nghề khai thác thủy sản ngày một khó khăn, thu nhập của lao động đi biển ngày càng thấp, do đó để người lao động gắn bó lâu dài với một tàu là chuyện không dễ.
Cần có chính sách, cơ chế phù hợp
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành Nông nghiệp, thiếu lao động “lành nghề” đi biển là một trong những bất cập khó giải quyết của nghề đánh bắt hải sản. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đánh bắt trên biển, cũng như kế hoạch sản lượng hải sản đánh bắt hằng năm.
Để có một lao động “lành nghề”, có kinh nghiệm đi biển phải mất rất nhiều thời gian đào tạo và rèn luyện thực tế trên biển.
Do vậy, nếu không có chính sách, cơ chế thu hút, giữ chân lao động vững nghề thì không chỉ tác động xấu đến hiệu quả khai thác hải sản mà còn ảnh hưởng đến việc ngư dân tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo.
Mặt khác, do chuyển đổi nghề sang khai thác xa bờ, đòi hỏi lao động có kinh nghiệm vươn khơi cũng là một thách thức đối với các chủ tàu và các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, nghiệp vụ.
Từ thực tế của nghề khai thác thủy sản cho thấy, những tàu cá có công suất lớn, khai thác xa bờ có lợi thế là chịu được sóng to gió lớn, thời gian bám biển khai thác thủy sản dài hơn, chở được nhiều hàng hóa từ đất liền tiếp tế cho các tàu khai thác ngoài biển khơi cũng như chở nhiều tôm, cá về đất liền.
Tuy nhiên, các tàu cá hiện đại có công suất lớn đánh bắt xa bờ đòi hỏi lực lượng lao động trên tàu phải có trình độ tay nghề cao hơn, sức khỏe tốt hơn và có khả năng sử dụng hiệu quả công nghệ khai thác…
Do vậy, để ngư dân gắn bó, đam mê với nghề đi biển, nhất là nghề khai thác xa bờ, ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn đóng mới tàu cá cho các chủ tàu thì một trong những yếu tố quan trọng là cần quan tâm đến chính sách, cơ chế dành cho lao động nghề cá, những người trực tiếp điều khiển con tàu, khai thác trên biển và tạo ra sản phẩm trong mỗi chuyến ra khơi để họ an tâm với nghề.
Đồng thời, công tác đào tạo nghề chính quy, bồi dưỡng, nâng cao trình độ sử dụng công cụ khai thác thủy sản hiện đại thường xuyên giúp lực lượng lao động trên biển nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu khai thác hải sản xa bờ cũng vô cùng cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động ngư dân hình thành mới, phát huy tính ưu việt của các tổ đội, Nghiệp đoàn; chương trình, mô hình liên kết khai thác thủy sản để ngư dân yên tâm bám biển, gắn bó với nghề cũng cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Theo nhiều chủ tàu đánh cá, nam thanh niên tới tuổi trưởng thành ở bất cứ địa phương nào mà chưa có việc làm thì tìm người giới thiệu với chủ tàu và như vậy là trở thành “bạn ghe”. Khi mới thử việc, chủ tàu chỉ nuôi cơm, đến khi thạo việc thì bắt đầu tính điểm ăn chia.
Thông thường là 5 - 5 hoặc 6 - 4 tùy theo thoả thuận giữa bạn ghe với chủ tàu; nghĩa là mỗi chuyến tàu cá về cảng bán cá, sau khi trừ chi phí sẽ được chia đôi cho chủ tàu và bạn ghe, hoặc chủ tàu 6, bạn ghe 4.
Khi tàu rời đất liền thì chủ tàu mất quyền kiểm soát bạn ghe, mọi "quyền lực" đều tập trung vào tài công (thuyền trưởng). Khi đó, tài công là người có quyền hành cao nhất trên tàu và thực hiện việc chấm điểm từng thành viên trên tàu, kế đó là tài cải (máy trưởng), rồi tới ngư phủ. Dù phân chia cấp bậc như vậy nhưng khi chia sản phẩm thì chỉ tính vào tổng số điểm do tài công chấm qua lao động thực tế hằng ngày trên biển.
PHAN VĂN DŨNG